Căn cứ biệt động Sài Gòn ẩn trong quán ăn ở Thảo Cầm Viên
(Dân trí) - Di tích Quán Nhan Hương bên trong Thảo Cầm Viên Sài Gòn, quận 1 từng là một trong những cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn, thành lập năm 1963.
Thảo Cầm Viên được xem là địa điểm lý tưởng cho hoạt động bí mật vì 2 yếu tố quan trọng: là nơi tham quan, vui chơi giải trí thu hút đông người, các cán bộ cách mạng có thể ra vào dễ dàng mà không bị nghi ngờ; Thảo Cầm Viên nằm gần các cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn nên thuận lợi cho việc chỉ đạo các chiến dịch. Vì thế, Bộ Tư lệnh Miền đã chọn nơi đây để xây dựng cơ sở hoạt động ẩn giấu sau quán ăn.
Người đứng ra thành lập quán là ông Nguyễn Văn Tửng, sinh năm 1913 tại Trà Vinh. Ông xây quán bằng khoản tiền tích cóp, đặt tên là Nhan Hương (theo tên người vợ đã mất).
Sau khi hoạt động, quán là cơ sở nuôi giấu các đồng chí lãnh đạo quân khu và chỉ huy biệt động thành phố đến công tác, nhận chỉ thị của lãnh đạo cấp trên, cũng là nơi lãnh đạo gặp gỡ chiến sĩ để đưa ra chỉ đạo và động viên tinh thần trước các trận đánh.
Quán nằm ở trung tâm Sài Gòn, thu hút đông thực khách nên cũng là cơ sở kinh doanh để nuôi sống gia đình ông Tửng và cung cấp tài chính cho cách mạng. Các nhân viên trong quán đều là người nhà của ông Tửng, ai cũng ủng hộ việc nuôi giấu cán bộ, biệt động, điều này đảm bảo hoạt động luôn được bí mật.
Quán Nhan Hương tiếp đón nhiều khách là quân nhân, nhân viên an ninh phục vụ quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn, nhưng không ai phát hiện ra điểm bất thường, điều này càng củng cố vững chắc căn cứ bí mật này.
Trong cuộc Tổng tiến công xuân Mậu Thân 1968, quán là hậu cứ quan trọng cho các trận đánh vào Dinh Độc Lập, Đại sứ quán Mỹ, Đài phát thanh, Bộ Tổng tham mưu...
Từ năm 1963 đến ngày thống nhất đất nước, quán Nhan Hương đã hoàn thành nhiệm vụ bảo đảm an toàn, bí mật cho cán bộ quân khu, biệt động, quân báo... đến trú ém và nhận chỉ thị một số trận đánh.
Năm 2014, quán Nhan Hương được công nhận là di tích lịch sử cấp thành phố.
Nguyễn Quang