Cách chống da tay, chân bong tróc, nứt nẻ trong mùa lạnh

Trời lạnh, độ ẩm không khí xuống thấp khiến bàn tay, bàn chân của nhiều người chuyển sang tím tái, nứt, rớm máu gây đau đớn làm ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt. Phải làm sao để trị chứng này?

Mùa đông, người bệnh cần tránh tiếp xúc với hóa chất, xà phòng… Ảnh: P.T
Mùa đông, người bệnh cần tránh tiếp xúc với hóa chất, xà phòng… Ảnh: P.T

Khốn khổ khi mùa đông đến

Chị Ngọc Anh (ở Hà Nội) đã bị căn bệnh á sừng hai năm nay. Dù đã kiên trì chữa nhưng thi thoảng chị lại khó chịu do da bong tróc của bệnh á sừng. Nhất là mùa lạnh, bàn tay, bàn chân chị lại nứt toác, đau rát, nhiều khi chảy cả máu. Có những hôm, chị không dám động tay vào nước để rửa bát vì không đeo găng tay là da càng nứt. “Chỗ nứt nẻ không chỉ tập trung ở đầu ngón tay mà lan dần xuống, cả mu bàn tay cũng bị bong tróc. Nhìn bàn tay mình mà phát khiếp, đi đâu cũng phải giấu đi mà không dám để ra”, chị Ngọc Anh cho biết.

Cũng chỉ chớm lạnh, da bàn chân anh Thanh Mạnh (ở Thanh Xuân, Hà Nội)  đã khô, đau rát, hai bàn tay không cầm nắm được gì. Dù đã thử uống nhiều nước và bôi đủ loại kem dưỡng da nhưng bệnh tình không hết.

PGS.TS Trần Lan Anh, nguyên Phó Chủ nhiệm Bộ môn Da liễu Trường Đại học Y Hà Nội cho rằng, á sừng là một trong các biểu hiện của bệnh viêm da cơ địa, nó gây thương tổn ở nhiều vùng da khác nhau trên cơ thể nhưng rõ rệt nhất là ở các đầu ngón tay, chân, gót chân. Đây là căn bệnh ngoài da khá phổ biến, nó gây nhiều phiền toái, khó chịu cho người bệnh, bởi những vùng da bị bệnh sẽ có triệu chứng khô ráp, thậm chí bong tróc, sau đó có thể nứt nẻ gây đau đớn hoặc chảy máu, mất thẩm mỹ.

Bệnh này có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào. Vào mùa đông, thời tiết hanh khô bệnh á sừng có điều kiện tái phát và phát triển. Khi độ ẩm trong không khí thấp, tình trạng nứt nẻ càng nặng thêm, phần da bệnh dễ bị nứt toác ra, rớm máu, đau đớn, có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt và công việc. Nếu tiếp xúc với các chất tẩy rửa, các loại xăng dầu, hóa chất... da dễ dàng tróc vẩy.

Theo BS Nguyễn Thành, nguyên Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Da liễu Trung ương) những bệnh như: Viêm da do cơ địa, á sừng và một số bệnh ngoài da có vẩy khác có xu hướng tăng khi thời tiết giá lạnh. Bình thường da tiết ra những chất hữu cơ cùng với mồ hôi để giữ cho da mềm mại, đàn hồi bền bỉ, chống lại sự xâm nhập của các loại vi khuẩn, nấm, bụi bẩn... Khi nhiệt độ, độ ẩm xuống thấp làm da mất nước, các axít hữu cơ để bảo vệ da dẫn đến da bị co rúm, khô, mất độ đàn hồi và nứt nẻ.

Bệnh này có yếu tố di truyền. Những người hay mắc bệnh nhất là người có thành viên trong gia đình có cơ địa dễ dị ứng hoặc những người do nghề nghiệp, công việc phải tiếp xúc với các chất tẩy rửa như xà phòng, nước rửa bát, nước cọ nhà vệ sinh... Những tác nhân này làm nặng thêm tình trạng bệnh.

Cách để da tay chân mềm mại mùa đông

BS Nguyễn Thành cho hay, á sừng có thể không gây chết người nhưng khiến người bệnh gặp nhiều phiền toái trong sinh hoạt. Để được điều trị tốt nhất, người bệnh nên đến chuyên khoa da liễu khám để có cách chăm sóc da và dùng thuốc. Các phương pháp điều trị hiện nay là dùng các thuốc bôi bạt sừng như: Acid salycilic hay bôi các chế phẩm có steroid để giảm viêm như  Gentrizone, Fucicort...

Trong những ngày lạnh, bạn cần uống đủ nước để chống khô tay, khô chân. Bên cạnh đó, ăn nhiều hoa quả và rau xanh, đặc biệt là rau quả có nhiều vitamin C, E như giá đỗ, cà chua, các loại đậu, rau ngót, rau bí, bắp cải, cam, bưởi... nhằm cung cấp độ ẩm cho da. Thực tế cho thấy, đại đa số người bệnh đều là người ít ăn rau quả. Người bị á sừng nên đeo găng tay, tất chân sớm hơn người khác để bảo vệ lớp sừng có thể nứt nẻ.

Các chuyên gia da liễu cũng khuyến cáo, để chăm sóc bệnh á sừng vào mùa đông, bạn nên tránh rửa tay khi không cần thiết. Khi rửa tay, không nên rửa nước quá nóng hay quá lạnh, bởi nước nóng sẽ làm bong tróc lớp dầu bảo vệ da, trong khi nước lạnh dễ gây cảm giác tê buốt trong mùa đông. Tốt nhất người bệnh nên rửa nước ấm.

Hơn nữa, khi rửa tay, người bệnh tránh dùng xà phòng khử mùi, tạo bọt hoặc có mùi thơm, bởi các loại xà phòng đó đều chứa các chất phụ gia rửa mất lớp dầu bảo vệ da. Khi chế biến thức ăn nên đeo găng tay bảo vệ, tránh tiếp xúc với mỡ, gia vị như ớt, muối...

Điều quan trọng, dưỡng ẩm là chìa khóa để người bệnh điều trị á sừng. Có thể bôi các chế phẩm làm mềm da, ẩm da, dịu da ngày vài lần theo lời khuyên của bác sỹ. Hoặc sử dụng dầu ôliu thoa lên tay, chân để cho da mềm mại. Đồng thời lưu ý để bàn tay, bàn chân của mình không bị nứt nẻ trong mùa khô cần tẩy tế bào chết mỗi tuần giúp loại bỏ bụi bẩn, cải thiện lưu thông máu và giữ da khỏe. Có thể áp dụng cách dùng 10 - 15g xuyên tiêu sắc, nấu lấy nước để dùng ngâm tay, chân ngày 2 lần. Chờ khô nước nơi đau khi đó mới bôi dưỡng ẩm.

Những thói quen xấu làm tăng nặng á sừng

- Bóc vảy da, chà xát kỳ cọ vùng da thương tổn quá mạnh bằng đá kỳ, bàn chải làm lớp sừng da càng tổn thương khiến da bong mạnh hơn, tạo điều kiện cho nhiễm khuẩn, nhiễm nấm.

- Tiếp xúc với hóa chất, xà phòng, chất tẩy rửa, xăng, dầu...

- Gãi ngứa. Điều này có thể kích thích làm tổn thương da hơn, dễ gây bội nhiễm.

- Ngâm chân, tay quá nhiều trong nước sẽ khiến cho da bị ẩm ướt tạo điều kiện cho vi khuẩn nấm tấn công. Sau khi rửa cần phải lau khô bằng khăn mềm, nhất là khu vực kẽ tay, kẽ chân á sừng.

- Ngâm chân tay với nước muối loãng bởi nó sẽ hút nước trong tế bào làm da càng khô, nứt sâu hơn.

BS Nguyễn Thành

Theo Gia đình & Xã hội