Chợ hoa Tết Hà Nội: Người bán ngủ gật vì vắng, khách chỉ hỏi rồi... bỏ đi

Tuệ Minh Nguyễn Ngoan

(Dân trí) - Lượng khách mua hoa trang trí Tết thưa thớt, chợ lâm vào cảnh đìu hiu. Thậm chí, có tiểu thương còn tranh thủ ngủ bên các chậu cây.

Chỉ còn khoảng 1 tuần là đến Tết Ất Tỵ, khu vực đường Lê Quang Đạo, đoạn trước sân vận động quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội), bày bán nhiều loại hoa, cây cảnh trang trí.

Trên đoạn đường dài khoảng 600m, các quầy hàng nằm san sát nhau với số lượng đào, quất, mai... lên đến hàng nghìn chậu. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên Dân trí, lượng khách mua không đông. Thậm chí, có tiểu thương còn tranh thủ chợp mắt vì... vắng khách. 

Chợ hoa Tết Hà Nội: Người bán ngủ gật vì vắng, khách chỉ hỏi rồi... bỏ đi - 1

Nhân viên bán quất Tết tranh thủ ngủ vì vắng khách (Ảnh: Nguyễn Ngoan).

Ăn ngủ trong lều tạm, sốt ruột vì khách mua ít

Đang bấm điện thoại trong chiếc lều dựng tạm, chị Hòa (quê Ba Vì, Hà Nội) thấy một vị khách hỏi mua chậu nhất chi mai, liền vội vàng chạy ra, đon đả mời chào. 

Sau khi nghe mức giá 1,2 triệu đồng/chậu, khách hàng tỏ ra phân vân, muốn tham khảo thêm ở các quầy khác trước khi quyết định xuống tiền. Chị Hòa thất thểu, ngồi xuống ghế với ánh mắt đượm buồn.

"Tôi đã bán nhất chi mai được 6 năm qua nhưng năm nay sức tiêu thụ rất chậm. Những năm trước, mỗi ngày, tôi bán được trung bình 10 cây, còn năm nay chỉ khoảng 3-4 cây. Để thuyết phục khách hàng, chúng tôi phải tư vấn vất vả, giải thích hết lời", chị Hòa chia sẻ.

Nhìn lượng khách thưa thớt, chị Hòa không giấu nổi sự lo lắng. Dù đã dự tính trước về việc buôn bán khó khăn do người dân thắt chặt chi tiêu, nhưng tình hình thực tế khiến người phụ nữ này lắc đầu ngao ngán.

Chợ hoa Tết Hà Nội: Người bán ngủ gật vì vắng, khách chỉ hỏi rồi... bỏ đi - 2

Chị Hòa (áo vàng) tư vấn cho khách mua nhất chi mai (Ảnh: Nguyễn Ngoan).

Từ ngày 15 tháng Chạp, vợ chồng chị Hòa đã vận chuyển 600 chậu nhất chi mai từ Ba Vì xuống nội thành, trưng bày tại 2 điểm bán với mức giá dao động từ 200.000 đồng đến 3 triệu đồng/chậu. Nhất chi mai còn có tên là bạch mai hay hàn mai. Khi còn là nụ, hoa có màu hồng pha sắc trắng, còn sau khi nở có màu trắng hoặc trắng pha hồng nhạt.

Theo bà chủ gian hàng hoa, thông thường sát ngày ông Công ông Táo, người dân đổ xô đi mua hoa Tết. Tuy nhiên, năm nay, sức tiêu thụ chậm đến mức khiến chị Hòa bất ngờ.

"Sức mua năm nay thậm chí còn thấp hơn cả những năm có dịch Covid-19. Cách đây 3 năm, chúng tôi còn không đủ cây để bán vì nhu cầu của khách hàng rất lớn", chị Hòa nói.

Chợ hoa Tết Hà Nội: Người bán ngủ gật vì vắng, khách chỉ hỏi rồi... bỏ đi - 3

Lượng khách mua hoa, cây cảnh trang trí ít ỏi trước Tết (Ảnh: Nguyễn Ngoan).

Gia đình chị Hòa sinh sống tại thôn An Hòa (xã Tản Lĩnh, Ba Vì), nơi có nhiều hộ dân trồng nhất chi mai. Tết là thời điểm kinh doanh quan trọng nhất sau một năm cần mẫn chăm sóc cây trồng của bà con.

 Trong 6 năm qua, bà chủ vườn nhất chi mai đã quen với cuộc sống vội vã, ngủ trong lều tạm và ăn cơm hộp qua ngày khi bán hoa Tết. Năm nào cũng vậy, chị Hòa vẫn bám trụ với gian hàng đến tận trưa 30 Tết. Sau khi khách mua hết, cả gia đình mới tất tả về nhà, chuẩn bị mâm cúng giao thừa. 

"Quá trình chăm sóc nhất chi mai rất vất vả, hầu hết thời gian tôi đều phải ở ngoài vườn. Từ lúc bắt đầu trồng cây con đến khi uốn thế đẹp kéo dài hàng năm trời. Nhiều cây có thế ấn tượng phải trải qua 4-5 năm chăm sóc. Người trồng phải giám sát kỹ lưỡng, nhổ cỏ và phòng ngừa thối rễ. Năm nay ế khách, tôi lo lắng không thu hồi được vốn bỏ ra", chị Hòa chia sẻ.

Không xa quầy của chị Hòa là gian hàng của anh Nguyễn Thắng có trưng bày gần 1.000 chậu mai vàng vừa được chuyển từ Bến Tre ra Hà Nội.

Khác với không khí nhộn nhịp những năm trước, năm nay, lượng khách tìm mua hoa mai trước ngày 23 tháng Chạp rất thưa thớt. Một vài khách ngồi trên xe máy, dừng lại trước gian hàng bán hoa mai vài phút rồi vội vã rời đi.  

"Khoảng 1-2 năm trở lại đây, tình hình kinh tế khó khăn hơn, nhiều gia đình có xu hướng cắt giảm chi tiêu cho việc mua sắm cây cối và hoa Tết. Thông thường, sau ngày 26-27 Tết, lượng khách sẽ đông hơn. Nhiều người có tâm lý mua vào thời điểm sát Tết để mặc cả được mức giá rẻ", anh Thắng chia sẻ.

Chợ hoa Tết Hà Nội: Người bán ngủ gật vì vắng, khách chỉ hỏi rồi... bỏ đi - 4

Một cửa hàng vận chuyển cây đào cho khách chơi Tết (Ảnh: Nguyễn Ngoan).

Ngoài gian hàng tại khu vực Mỹ Đình, anh Thắng cùng bạn bè mở thêm 3 địa điểm bán mai vàng ở Hà Nội, với tổng số lượng khoảng 4.000 chậu. Mọi công tác chuẩn bị trưng bày đã hoàn tất, khách hàng vẫn chủ yếu đến tham khảo giá. 

Được biết, những năm trước, mỗi ngày, nhóm của anh Thắng bán được 30-40 chậu hoa mai. Năm nay, con số này giảm còn một nửa. Sức tiêu thụ phụ thuộc vào điều kiện tài chính. Với những gia đình có túi tiền eo hẹp, họ thường chọn hoa cúc hay lay ơn để trang trí thay vì mua các chậu cây có giá tiền triệu.

Theo anh Thắng, gần ngày 30 Tết mới có thể đánh giá chính xác tình hình tiêu thụ. "Năm ngoái, những ngày đầu mở bán, tình hình tiêu thụ chậm, các tiểu thương cũng lo lắng. Đến ngày cuối cùng của năm Âm lịch, các chậu mai vẫn được khách mua hết", anh cho biết.

Khách tham khảo giá để... về "hỏi ý kiến vợ"

Chiều cuối năm, khu vực bán quất cảnh của anh Nguyễn Minh Tuấn (25 tuổi, Hà Nội) vắng bóng người mua. Dù có vài khách ghé qua hỏi giá, phần lớn lại nhanh chóng rời đi, khiến anh Tuấn chỉ biết thở dài ngao ngán.

"Mọi năm, tầm này tôi đã bán được mấy chục cây. Nhưng năm nay, dù ôm hơn 100 cây quất đủ loại, tôi chỉ mới bán được 4-5 cây", anh Tuấn chia sẻ.

Theo anh, giá quất năm nay cây nhỏ khoảng 250.000 đồng/cây, loại vừa dao động từ 400.000 đến 600.000 đồng/cây, trong khi những cây to, đẹp có giá từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng/cây, tùy thế dáng và chậu đi kèm. Tuy nhiên, khách hàng chủ yếu đến xem, khảo sát giá, chụp ảnh rồi đi. Không ít người sau khi biết giá đã chê đắt, không mua.

Chợ hoa Tết Hà Nội: Người bán ngủ gật vì vắng, khách chỉ hỏi rồi... bỏ đi - 5

Anh Minh Tuấn cho biết, đa số khách chỉ tham khảo giá quất chứ chưa mua nhiều vào thời điểm trước ngày 23 Âm lịch (Ảnh: Nguyễn Ngoan).

"Thường thì từ 23 tháng Chạp khách mới bắt đầu mua nhiều. Một số người còn đợi đến sát Tết, khoảng 27-28, để mong giá rẻ hơn", anh Tuấn nói thêm, ánh mắt lộ rõ sự lo lắng.

Tìm đến chợ hoa ngày cuối năm để mua một chậu cây về trang trí Tết, dạo một vòng quanh chợ, anh Nam (38 tuổi, ở Bắc Từ Liêm), vẫn chưa dám xuống tiền dù có nhiều cây rất ưng.

Theo anh, dù chịu ảnh hưởng của bão, năm nay đào, quất vẫn có rất nhiều cây đẹp, sai hoa, quả. Tuy nhiên giá cả có phần đắt đỏ so với kinh tế của gia đình. Một năm qua vợ anh vì công ty cắt giảm nhân sự mà thất nghiệp, chưa xin được việc mới, mọi chi tiêu trong nhà đều phải tính toán kỹ lưỡng khi còn phải nuôi hai con nhỏ. Tết còn phải biếu xén nội ngoại, quà cáp các bên nên dù thích anh cũng không dám tự quyết.

"Tôi phải về tham khảo ý kiến vợ rồi mới dám xuống tiền mua, tuy cũng rất thích hoa đào, quất cảnh, nhưng bỏ ra tiền triệu để mua trong lúc kinh tế khó khăn như vậy cũng cần phải suy nghĩ", người đàn ông thở dài nói.