Bình đẳng giới trong giáo dục vùng sâu vùng xa: Trẻ em gái còn thiệt thòi

Mỹ Hà

(Dân trí) - Theo TS Trương Thúy Hằng, Phụ trách bộ môn giới trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, Học viện Phụ nữ Việt Nam, chúng ta đã có những bước tiến đáng kể về bình đẳng giới trong giáo dục.

TS Trương Thúy Hằng cho rằng, hiện trẻ em gái được đi học nhiều hơn, hiện tượng tảo hôn ở miền núi đã giảm qua các năm. Tuy nhiên, trẻ em gái vùng sâu, vùng xa vẫn là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi hơn so với trẻ em trai trong tiếp cận giáo dục.

Trẻ em gái vùng sâu, vùng xa còn thiệt thòi

Bình đẳng giới trong Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) là nguyên tắc quan trọng của nhiều quốc gia. Nguyên tắc này đề cập đến việc đảm bảo cả nam và nữ đều được cung cấp cơ hội học tập và phát triển mà không bị giới tính làm hạn chế. Theo bà, vấn đề bình đẳng giới trong lĩnh vực này ở nước ta được cải thiện nhiều so với trước đây chưa?

- Xét theo chiều dài lịch sử, bình đẳng giới (BĐG) nói chung và bình đẳng giới trong giáo dục đã được cải thiện rất nhiều so với trước đây, theo hướng ngày càng tích cực hơn.

Ở chế độ phong kiến, phụ nữ và trẻ em gái hầu như không có cơ hội học tập, nâng cao trình độ, với quan niệm "đàn bà, con gái học nhiều để làm gì?".

Bình đẳng giới trong giáo dục vùng sâu vùng xa: Trẻ em gái còn thiệt thòi - 1

TS Trương Thúy Hằng, Phụ trách bộ môn Giới trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, Học viện Phụ nữ Việt Nam (Ảnh: Quỳnh Nguyễn).

Sau cách mạng Tháng Tám, điều này đã hoàn toàn thay đổi ở nước ta. Trong tuyên ngôn độc lập, bác Hồ đã một lần nữa khẳng định rõ chân lý: "tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng".

Bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa cũng khẳng định ở Điều 6: "Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa". Điều thứ 9: "Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện". Đây là một bước tiến mang tính đột phá về bình đẳng giới nói chung, bình đẳng giới trong giáo dục nói riêng.

Tuy nhiên, sau cách mạng, do điều kiện, bối cảnh khác nhau, quan niệm nho giáo, chế độ gia trưởng còn tồn tại…, là những rào cản khiến cho bình đẳng giới nói chung, bình đẳng giới trong giáo dục và đào tạo nói riêng vẫn còn tồn tại những khác biệt giới, khuôn mẫu giới, khoảng cách giới, thậm chí là những định kiến giới.

Về bình diện chung, phụ nữ, nam giới, trẻ em trai, trẻ em gái có quyền như nhau trong tiếp cận giáo dục, nhưng còn nhiều khác biệt về quyền tự do lựa chọn cơ hội học lên cao, hay học những ngành nghề mà mình yêu thích…

Thậm chí vẫn còn hiện tượng trẻ em gái ở những vùng núi xa xôi chịu thiệt thòi nhiều hơn so với trẻ em trai trong tiếp cận giáo dục, học tập nâng cao trình độ.

Cụ thể BĐG trong giáo dục ở các vùng miền (nhất là vùng sâu, vùng xa) đã được cải thiện như thế nào, thưa bà?

- Những thông tin chung thời gian gần đây của các viện nghiên cứu, cơ quan báo chí cho thấy, chúng ta có những bước tiến đáng kể về vấn đề này. Chắc chắn trẻ em gái được đi học nhiều hơn, hiện tượng tảo hôn đã giảm qua các năm.

Tuy nhiên, như trên đã nói, trẻ em gái ở những vùng sâu, vùng xa vẫn là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi hơn so với trẻ em trai trong tiếp cận giáo dục, học tập nâng cao trình độ. Tình trạng tảo hôn vẫn tồn tại.

Nếu phải lựa chọn và hy sinh việc tiếp cận với giáo dục ở bậc học cao hơn, trẻ em gái vẫn là nhóm có nguy cơ nhiều hơn và trẻ em trai cũng có những khó khăn nhất định.

Bởi vậy, hiện tại, TW Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đang triển khai Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em".

Giáo dục là một trong những cách thức đạt được bình đẳng giới.

Trong một số sách giáo khoa trước đây, vẫn còn hình ảnh phụ nữ lao động tảo tần sớm hôm, còn nam giới là hình ảnh công an, bác sĩ, kỹ sư. Bà đánh giá điều này như thế nào?

- Điều này đã được cải thiện, tuy nhiên chưa triệt để. Chúng ta vẫn thấy những hình ảnh "chị lao công đêm đông quét rác", hay "mẹ đi làm, từ sáng sớm, dậy thổi cơm, mua thịt cá"…

Phụ nữ vẫn gắn với hình ảnh của việc nhà, những công việc chăm sóc không lương, những công việc có tính chất chuyên môn thấp.

Hình ảnh minh họa về phụ nữ vẫn gắn với hình ảnh mềm mại, yếu đuối, hy sinh…, với cơ hội hạn hẹp và trình độ chuyên môn thấp hơn so với nam giới.

Nam giới vẫn có xu hướng gắn với hình ảnh mạnh mẽ, có quyền lực, có sức ảnh hưởng, có khả năng bảo vệ, che chở cao.

Bình đẳng giới trong giáo dục vùng sâu vùng xa: Trẻ em gái còn thiệt thòi - 2

Trẻ em gái vùng sâu, vùng xa vẫn thiệt thòi trong giáo dục (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Vai trò của giáo viên trong lồng ghép bình đẳng giới ở giáo dục rất cần thiết. Theo bà, họ cần làm gì để lồng ghép kiến thức này vào các bài giảng?

- Lồng ghép giới là một khái niệm được nhắc đến kể từ sau Cương lĩnh hành động Bắc Kinh năm 1995 được thông qua tại Hội nghị thế giới về Phụ nữ lần thứ 4.

Khuyến nghị là vậy nhưng không phải ai cũng hiểu cặn kẽ về khái niệm này. Đó không đơn giản là một khái niệm, một hành động, giải pháp… Đó là chiến lược nhằm đạt được mục tiêu bình đẳng giới.

Tất nhiên, chúng ta cũng không nhất thiết luôn yêu cầu quá cao, không phải lúc nào cũng thực hiện được cả chiến lược. Bởi vậy, một ý tưởng lồng ghép giới, một hành động thiết thực thúc đẩy bình đẳng giới cũng sẽ tạo nên những hiệu ứng tích cực.

Vai trò của giáo viên trong lồng ghép bình đẳng giới ở giáo dục là cần thiết, quan trọng, không thể thiếu. Nhưng để lồng ghép giới vào trong các bài giảng, cần nhiều yếu tố hơn là dừng lại ở quan điểm.

Nói tới các kiến thức về giới, không chỉ nói tới những khái niệm mà cần có những kiến thức sâu hơn liên quan tới phân tích giới, lồng ghép giới trong các khía cạnh, lĩnh vực cụ thể của đời sống xã hội và nhiều kiến thức khác…

Hơn nữa, ngay cả những khái niệm cơ bản về giới, không phải ai cũng hiểu đầy đủ, chính xác. Bởi vậy, Chính phủ mới tiếp tục thông qua Nghị quyết Ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030.

Trong các mục tiêu cụ thể của chiến lược, ở chỉ tiêu 1, mục tiêu 5 ghi rõ, nội dung về giới, bình đẳng giới được đưa vào chương trình giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân và được giảng dạy chính thức ở các trường sư phạm từ năm 2025 trở đi. Đây là chủ trương cần thiết và hết sức đúng đắn.

Như vậy, giáo viên không chỉ thực hiện chủ trương này mà cần có kiến thức, cập nhật kiến thức về giới và phát triển.

Điều đó không chỉ thông qua việc tự học, mà các nhà trường, đặc biệt các trường sư phạm, cần nghiên cứu để đưa học các học phần liên quan đến chuyên ngành giới và phát triển vào giảng dạy.

Cùng với thời gian đó, tôi nghĩ sinh viên ngành Giới và Phát triển là nguồn nhân lực sẵn có, được đào tạo bài bản, có năng lực tốt để thực hiện chiến lược quốc gia về BĐG của Chính phủ, đồng thời đáp ứng nhu cầu thực tế về lồng ghép giới trong các trường học hiện nay.

Bình đẳng giới trong giáo dục vùng sâu vùng xa: Trẻ em gái còn thiệt thòi - 3

Vai trò của giáo viên trong lồng ghép bình đẳng giới ở giáo dục rất cần thiết (Ảnh: Hằng Thanh).

Từ những kiến thức về BĐG được thầy cô truyền đạt thông qua nhiều phương tiện khác nhau, theo ông/bà, phần nào thay đổi hành vi ứng xử của công dân trong BĐG?

- Để thay đổi hành vi ứng xử của công dân theo hướng bình đẳng giới, chúng ta cần tổng thể các chiến lược, giải pháp, biện pháp khác nhau, và cần thực hiện liên tục.

Chính sách, luật pháp là một trong những công cụ quan trọng để điều chỉnh hành vi mỗi người. Chúng ta cần phải chú trọng việc hoàn thiện và tuyên truyền các chính sách về bình đẳng giới, liên quan tới bình đẳng giới.

Nhưng trên thực tế, thực hành trong đời sống xã hội, trong học tập lại là những hình ảnh sống động và dễ tạo hiệu ứng lan tỏa hay học hỏi, bắt chước nhau.

Cá nhân tôi nghĩ, giáo dục là một trong những cách thức, biện pháp, con đường quan trọng nhất để đạt được bình đẳng giới.

Khi chúng ta nói đến nâng cao nhận thức, kiến thức về giới, chúng ta nói đến giáo dục. Giáo dục có thể theo nhiều cách khác nhau. Nhưng chắc chắn, nhờ có giáo dục mà con người hoàn thiện thêm nhân cách mỗi ngày, trưởng thành hơn và tạo dựng thêm được nhiều giá trị tốt đẹp hơn cho đời, trong đó có giá trị về tình thần bình đẳng giới và phát triển bền vững.

Trân trọng cảm ơn chia sẻ của bà!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm