Bí quyết chăm sóc cây cảnh để vườn nhà luôn xanh mướt bất chấp nắng nóng
(Dân trí) - Nắng nóng kéo dài ảnh hưởng lớn đến các loại cây xanh. Tuy nhiên, chỉ cần nắm vững cách tưới nước, chăm sóc bón phân thật phù hợp, khu vườn nhà bạn vẫn sẽ luôn xanh mướt mắt, căng tràn sức sống bất chấp thời tiết cực đoan.
Theo thạc sỹ Lê Thị Thu Hằng, để có thể chăm sóc cây thật tốt, ít mất thời gian và hiệu quả vào mùa Hè, trước hết người trồng cần phân loại được loại cây nào có thể chịu nắng nóng tốt và loại nào dễ bị tác động bởi kiểu thời tiết cực đoan này.
Có thể xếp các loại cây cảnh được trồng phổ biến ở các gia đình Việt thành hai nhóm như sau:
- Cây chịu hạn tốt: Đa số các loại cây thân gỗ, đặc biệt là những loại thường ra hoa rộ vào mùa hè như: hoa mẫu đơn, hoa giấy, hoa nhài, hoa dâm bụt…
Hoa giấy là một trong những loài cây thích ứng rất tốt với điều kiện nắng nóng của mùa hè.
- Cây chịu hạn kém: Các loại cây thân thảo, cây ra hoa một mùa như: hoa dạ yến thảo, hoa triệu chuông, hoa 10 giờ… và đương nhiên là cả những loại cây chuyên trồng nội thất như: bạch mã, trầu bà, đại phú gia…
Cây thân thảo, ra hoa một mùa thường chịu hạn kém.
Dựa trên sự phân loại này, chúng ta có thể “rảnh tay” hơn với những loại chịu hạn (nếu cây vẫn chưa có dấu hiệu héo, thiếu nước) để dành thời gian chăm sóc kỹ lưỡng cho nhóm chịu hạn kém.
Những nguyên tắc chăm sóc cây vào mùa khô hạn
Tất nhiên, vấn đề lớn nhất mà chúng ta cần giải quyết, để cây cối chống chọi tốt với mùa Hè chính là cung cấp đủ nước, và một yếu tố khác cũng quan trọng không kém chính là tưới nước như thế nào cho đúng, bởi việc tưới nước sai cách rất dễ gây chết cây.
Chỉ tưới cây vào sáng sớm hoặc chiều mát, tuyệt đối không tưới vào buổi trưa.
Qua những kiến thức được chuyên gia Hằng mách nước, có thể đúc rút lại cách tưới nước “chuẩn” cho cây cảnh vào mùa Hè như sau:
- Chỉ tưới cây vào sáng sớm hoặc chiều mát, tuyệt đối không tưới vào buổi trưa, đầu giờ chiều hay bất cứ thời điểm nào trời nắng gắt, bởi việc này cũng giống như chúng ta đang “giết” cây.
- Tưới đẫm nước ở gốc cũng như phun lên cả lá, thân, cành.
- Nên đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, bởi nó sẽ vừa giúp tiết kiệm thời gian, vừa đảm bảo đất trồng luôn đủ ẩm. “Thực tế chỉ ra rằng, một số loại cây có thể tăng khả năng chịu hạn lên gấp đôi nếu tưới bằng phương pháp nhỏ giọt, thay vì cách tưới truyền thống” – Thạc sỹ Thu Hằng cho biết.
Bên cạnh việc tưới nước, chúng ta cũng nên áp dụng thêm các biện pháp hạn chế mất nước cho cây xanh như: phủ xơ dừa, rơm rạ dưới gốc cây để giữ ẩm. Nếu thời tiết nắng nóng trên 40 độ C kéo dài từ 1 tuần trở lên, tốt nhất nên sử dụng lưới che.
Về cách chọn lưới che nắng cho phù hợp, chuyên gia Hằng khuyến nghị: “Mọi người nên chọn mua loại lưới che 25% – 50% ánh sáng, loại có mức chắn sáng cao hơn có thể gây vóng cây. Sản phẩm lưới che chuyên dụng cho cây xanh có bán rất phổ biến ở các cửa hàng vật tư nông nghiệp.”
Vấn đề tiếp theo mà chúng ta cần lưu tâm chính là chế độ dinh dưỡng cho cây!
Theo chuyên gia nông nghiệp này, mọi người không nên rập khuôn cách bón phân vẫn thường sử dụng khi thời tiết ôn hòa, cho thời điểm nắng nóng kéo dài như thế này. Cụ thể hơn, chúng ta cần hạn chế tối đa việc bón các loại phân vô cơ vì chúng có tính nóng, gây ảnh hưởng không tốt đến bộ rễ. Trong trường hợp này, phân hữu cơ như: phân rong biển, phân trùn quế… là lựa chọn tối ưu hơn cả (Chú ý: trong các loại phân hữu cơ cần tránh bón phân gà vì cũng có tính nóng.).
Thạc sỹ Thu Hằng cũng lưu ý: “Các bạn nên tránh bón phân có hàm lượng đạm cao, vì chúng sẽ ép cây bật mầm, phát triển cành lá làm giảm sức đề kháng với nắng nóng. Thay vào đó, ưu tiên chọn loại phân bón có hàm lượng lân cao để kích thích cây phát triển rễ và giúp thân cành cứng cáp hơn.”
Biện pháp “cấp cứu” cho những cây đã bị héo do nắng nóng
Trong trường hợp vườn nhà đã có cây bị héo, rũ do nắng hạn, chuyên gia Hằng khuyên nên “cấp cứu” bằng những biện pháp sau:
- Chuyển cây vào chỗ râm mát, cắt tỉa ngọn cành đã bị héo.
- Hàng ngày tưới thật đẫm nước.
- Tuyệt đối không bón phân vô cơ, mà sử dụng chế phẩm vitamin B1 (loại chuyên dùng cho cây có bán ở các cửa hàng vật tư nông nghiệp) hay các loại phân kích rễ.
Đặc biệt người trồng cần phải thật sự kiên trì trong công cuộc phục hồi cây, bón phân, chế phẩm theo đúng liều lượng tránh hấp tấp nóng vội mà gây chết cây!
Dấu hiệu của cây đã vượt “cửa tử” chính là bật mầm non, vỏ căng không nhăn nheo, thân cành tươi.
Minh Nhật