Bị hăm dọa, kề dao vào cổ khi nói chia tay: Làm sao để tránh "cuồng yêu"?
(Dân trí) - Trên mạng xã hội, nhiều người cho biết khi chứng kiến những vụ án thương tâm, mà người "xuống tay" từng là người yêu thương nạn nhân, khiến họ cảm thấy hoang mang tột độ.
Bị kề dao vào cổ, liên tục bị làm phiền khi đòi chia tay
Thời gian gần đây, các vụ hành hung, thậm chí giết người yêu rồi tự sát sau khi bị từ chối hoặc nói lời chia tay liên tiếp xảy ra, khiến nhiều người "rùng mình".
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, một số người cho biết từng đối mặt với nỗi khiếp sợ sau chia tay, bởi đối phương không muốn kết thúc mối quan hệ, từ đó có những hành động thiếu kiểm soát.
Bạn T.T. (27 tuổi, Gò Vấp) chia sẻ, bản thân từng có một mối tình vào năm 18 tuổi, kéo dài 4 năm. Trong suốt thời gian yêu nhau, cả hai thường tranh cãi về nhiều vấn đề, song vẫn sớm làm hòa. Tuy nhiên, nhận thấy tính cách cả hai khác biệt, khó lòng hòa hợp về sau, T. quyết định nói lời chia tay.
"Khi tôi bộc bạch chuyện chia tay, anh vẫn điềm tĩnh, nói muốn chở tôi đi dạo. Đến một nơi vắng vẻ, anh kề dao vào cổ tôi và nói không thể sống thiếu tôi. Lúc đó tôi rất sợ, nhưng giữ bình tĩnh, vỗ về anh một cách nhẹ nhàng. Tôi thầm nghĩ, không được để anh quá xúc động, đó là cách tốt nhất để đảm bảo an toàn cho mình", T. nhớ lại.
Hôm đó, chuyện chia tay của T. được "hoãn lại". Song, T. tìm thời điểm thích hợp, lựa lời nói chuyện với đối phương, để hai người có thể tiếp tục duy trì mối quan hệ bạn bè sau khi chấm dứt chuyện yêu đương.
"Từ hôm đó, tuy bên ngoài vẫn cố tỏ ra bình thường, không hoảng loạn, nhưng tôi đã cố gắng tránh đi một mình với anh ấy. Tôi cũng thưa chuyện với người nhà, để gia đình có thể hỗ trợ khi cần.
Về sau, anh ấy cũng nhận thấy hành động của mình lúc đó sai trái, nên xin lỗi. Tôi cũng cảm thấy may mắn vì thời điểm đó anh còn kiểm soát được hành vi của mình", T. nói.
H.D (25 tuổi, Tân Bình) cũng từng bị người yêu cũ liên tục làm phiền, dù ban đầu, chuyện chia tay được cả hai đồng thuận.
Người yêu cũ của D. dùng nhiều số điện thoại gọi điện, nhắn tin, van xin cô đừng bỏ rơi anh. Người này còn chửi bới, hăm dọa sẽ làm những chuyện dại dột nếu D. cắt đứt quan hệ với anh. Thậm chí, những người thân, bạn bè, đồng nghiệp xung quanh D. cũng bị người yêu cũ của cô làm phiền.
"Có thời điểm, người yêu cũ đến trước nơi làm việc của tôi chầu chực cả ngày. Cứ hễ thấy đồng nghiệp nam nào nói chuyện với tôi, anh ấy lại chửi bới hăm dọa đánh đập, khiến tôi vừa ngại ngùng vừa lo sợ.
Tôi không nhờ cơ quan chức năng can thiệp, vì nghĩ có thể khuyên nhủ anh ấy. May mắn thay, sau khoảng 2 tuần, anh ấy không còn làm phiền tôi nữa, có lẽ vì đã mệt mỏi. Từ đó đến nay, chúng tôi không còn liên lạc", D. nhớ lại.
Làm sao để tránh "cuồng yêu"?
Trao đổi với phóng viên Dân trí, Chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An - Nghiên cứu sinh ngành Tâm lý học (Đại học Sư phạm TPHCM) - cho rằng nhiều người thường đầu tư vào việc tỏ tình nhưng lại không văn minh lúc rời đi.
Chuyên viên cho biết, khi chia tay, con người thường trải qua 5 giai đoạn của nỗi đau, gồm: Chối bỏ (nghĩ đến những khoảnh khắc vui vẻ, hạnh phúc và cảm thấy không cam tâm), thương lượng (tự thuyết phục bản thân hoặc níu kéo đối phương quay lại), giận dữ (dằn vặt, tiếc nuối, không cam lòng về những gì đã qua), trầm buồn (không tìm thấy những niềm vui trong cuộc sống vì thói quen đã bị thay đổi) và chấp nhận (ổn định cảm xúc, sẵn sàng cho cuộc sống mới).
Như vậy, hành vi níu kéo, thậm chí van xin người yêu cũ quay lại ở một người, thường đến từ giai đoạn thương lượng, thời điểm họ không chấp nhận hiện tại bản thân đã độc thân hoặc không thể thích nghi với sự mất mát.
Tuy nhiên, nếu các hành vi níu kéo ở một người diễn ra với tần suất nhiều, thậm chí họ còn đưa ra lời đe dọa sẽ gây hại đến sức khỏe của đối phương hoặc chính họ, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người khác hoặc chính mình, thì đây không còn là biểu hiện thông thường, mà có thể xem là "cuồng yêu".
"Để việc chia tay diễn ra êm đẹp, đòi hỏi hai cá thể phải có sự trưởng thành về mặt tâm lý cũng như khả năng quản lý cảm xúc tốt. Họ có thể cùng nhau trò chuyện về một ngày không còn ở bên nhau, thu vén những điều đã cũ để gửi trả lại hoặc cất vào một góc khuất để không khiến bản thân bồi hồi, xúc động", chuyên viên nhận định.
Chuyên gia cho rằng người trong cuộc nên thừa nhận, gọi tên cảm xúc, viết ra những gì mình nghĩ để tránh lẩn quẩn trong tâm trí. Ngoài ra, họ cũng có thể chọn chia sẻ với những người có chuyên môn hoặc người mình tin tưởng, tìm cho mình một sở thích nào đó để khỏa lấp vào phần thời gian còn trống.
Trong quá trình tư vấn tâm lý, chuyên viên tâm lý Đào Lê Tâm An đã gặp không ít trường hợp các cặp đôi tiếp cận với việc chia tay một cách từ tốn, có kế hoạch để tránh gây ra cú sốc lớn cho đối phương, đồng thời để cả hai dần làm quen với một cuộc sống mới không có hình bóng của người kia.
Tuy nhiên, anh cũng nhận định, để làm được như vậy không phải chuyện dễ dàng, bởi điều quan trọng vẫn là mỗi người phải tự học cách đối diện với nỗi đau chia ly.