Bi hài ở quán cà phê: Khách mang đèn đến học, ngồi "mọc rễ" gọi 1 cốc nước

Hồng Anh

(Dân trí) - Có nhiều khách hàng thường "ngồi thiền" cả buổi với một ly cà phê, trong khi bản thân chiếm dụng hẳn một chiếc bàn to, có thể ngồi 4-5 người.

Khi quán cà phê bị biến thành "phòng ngủ", nhà ăn

Nguyễn Thúy Hằng (sinh viên, 23 tuổi, quê Nam Định) tranh thủ khoảng thời gian buổi chiều không phải đến trường để đi làm thêm tại một quán cà phê. Tại đây, cô gái trẻ chứng kiến đủ câu chuyện dở khóc, dở cười của các thượng đế khi vào quán.

Hằng kể, quán cà phê cô làm việc nằm trong khu đô thị mới, gần với khu dân cư cũ và một trường đại học. Nhóm khách chủ quán muốn hướng tới là những khách trẻ trong độ tuổi từ 20-40.

Ngày trong tuần, quán thường đón các khách cần thương lượng giao dịch, khách làm nghề tự do cần chỗ ngồi làm việc, sinh viên… Nhóm khách bạn bè gia đình thường đến đây vào buổi tối và ngày cuối tuần.

Bi hài ở quán cà phê: Khách mang đèn đến học, ngồi mọc rễ gọi 1 cốc nước - 1

Nhiều khách hàng biến quán cà phê thành không gian riêng, ngồi cả ngày thậm chí ngả nghiêng nằm ngủ. (Ảnh: H. A).

Trong quá trình phục vụ khách hàng, Hằng thường xuyên gặp cảnh những khách ngồi cả ngày nhưng chỉ gọi 1 cốc cà phê 30.000 đồng. "Vì quán phục vụ nước lọc miễn phí nên khách cứ ngồi từ ca sáng đến tận ca chiều", Hằng nói.

Cũng theo cô gái này, còn có không ít tình uống oái oăm, hài hước khác xảy ra như: Khách đến gọi đồ uống xong thì nằm ra sofa ngủ; trẻ con đi cùng bố mẹ, chạy nhảy la hét nhưng bố mẹ không nhắc nhở; khách ăn hướng dương vô tư xả vỏ ra nền nhà dù có để đĩa đựng vỏ bên cạnh; khách say rượu nôn ói ra quán; khách nói chuyện điện thoại quá to hay xem điện thoại với mức âm lượng cực đại trong quán; khách là sinh viên đến quán hôn nhau, âu yếm dù xung quanh rất nhiều người.

Bi hài ở quán cà phê: Khách mang đèn đến học, ngồi mọc rễ gọi 1 cốc nước - 2

Một khách hàng nữ mang đèn đến quán cà phê ngồi học vì chê ánh sáng quán không đủ. (Ảnh: H. A).

"Có lần tôi còn thấy một khách hàng nữ đến quán và mang theo một chiếc đèn bàn để học bài vì lý do quán thiếu ánh sáng.

Cô gái này ngồi rất lâu từ chiều cho tới tối. Ít hôm sau, nhân viên ca sáng lại kể có vị khách nam đến quán từ sớm và yêu cầu tắt đèn để ngủ với lý do "quán sáng quá tôi không ngủ được". Chúng tôi thường gọi vui đây là các "thần đèn", "thần ngủ", Hằng bật cười kể.

Cũng theo cô gái này, có nhiều trường hợp, khách hàng còn tự ý biến quán cà phê thành bàn ăn nhà mình khi mang theo nhiều loại thức ăn có mùi như sầu riêng, bún đậu mắm tôm vào quán.

Theo Hằng, khi gặp những trường hợp này cô cùng nhân viên trong quán sẽ khéo léo góp ý, nhắc nhở khách. Có khách hàng rất hợp tác, xin lỗi, nhưng cũng có người tỏ rõ sự khó chịu hoặc to tiếng với lý do họ đã mua đồ uống nên muốn làm gì là tùy ý họ.

Bấm bụng phục vụ những khách hàng "ngồi thiền" với 1 cốc cà phê

Là chủ một quán cà phê ở Tây Hồ, Hà Nội, chị Hân (33 tuổi) đôi khi cũng gặp khó giữa bài toán làm sao để vừa phục vụ được đông khách hàng nhất, nhưng vẫn phải đảm bảo được quy chuẩn về không gian cũng như bài trừ các hành vi thiếu tôn trọng cộng đồng.

"Để hài hòa được điều này rất khó bởi ý thức nơi công cộng của nhiều người Việt còn rất kém", chị Hân cho hay.

Theo chị Hân, để khách hàng cảm thấy thoải mái, hạn chế "ô nhiễm tiếng ồn" và giảm thiểu các phiền toái mà khách nọ có thể vô tình gây ra cho khách kia, chị buộc phải đề ra một số quy định, chấp nhận "mất lòng trước để được lòng sau".

Bi hài ở quán cà phê: Khách mang đèn đến học, ngồi mọc rễ gọi 1 cốc nước - 3

Xu hướng làm việc, học tập tại quán cà phê ngày càng phổ biến. (Ảnh: H. A).

Nữ chủ quán cho biết: "Ngay từ đầu tôi đã quy định khách không được mang chó, mèo vào quán, không mang đồ ăn, không hút thuốc trong quán. Nếu có nhu cầu ăn đồ ăn mình mang theo và hút thuốc lá, khách có thể dùng không gian bên ngoài.

Trẻ con thường được nhắc nhở nếu làm ồn. Nói chung phong cách của quán sẽ tự "lọc" được các vị khách phù hợp. Bên cạnh đó, việc quán đưa ra các quy định chung để khách hàng tuân thủ cũng sẽ là một giải pháp hay".

Xu hướng tìm một chỗ làm không phải là nhà, không phải là văn phòng để làm việc bên chiếc laptop hiện nay khá phổ biến. Không thể phủ nhận đây là một trong những tệp khách hàng mang lại doanh thu không nhỏ cho các cửa hàng cà phê.

Tuy nhiên, cũng có những khách hàng thường "ngồi thiền" cả buổi với một ly cà phê, trong khi bản thân chiếm dụng hẳn một chiếc bàn to, có thể ngồi 4-5 người. Vì xác định khách hàng là "thượng đế" nên nhiều quán cà phê vẫn phải "bấm bụng" chấp nhận phục vụ.

Lý giải về điều này, chị Hân cho hay, nếu thẳng thắn đưa ra quy định về giới hạn thời gian ngồi, hay số đồ uống phải gọi/thời gian thì rất dễ gây phản ứng với khách hàng chứ chưa nói đến việc thực hiện.

Chính vì vậy, theo nữ chủ quán, điều quan trọng nhất vẫn là thái độ và phong cách phục vụ. Dù trong hoàn cảnh nào thì người làm dịch vụ cũng không được tỏ ra khó chịu.

"Bên cạnh số ít những vị khách cá biệt thì tôi tin vẫn có không ít người rất biết ý và thân thiện. Bên tôi có rất nhiều khách hàng ngồi làm việc một buổi sáng tầm 4 tiếng, nhưng gọi 2-3 lượt đồ uống.

Một phần có thể quán tôi may mắn gặp được những khách hàng dễ thương, biết ý. Một phần tôi nghĩ có thể do cách phục vụ của nhân viên, các bạn luôn quan tâm khách hàng cần gì, cần thêm nước lọc, hay cần lấy thêm ổ điện để sạc pin. Tôi luôn dặn nhân viên phải niềm nở và ân cần, không được có thái độ kiểu "ngồi lâu thế, "không order thêm gì à"?.

Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM… các quán cà phê gần như hiện diện ở khắp nơi. Các chủ quán luôn phải nghĩ ra nhiều cách thức để thu hút khách hàng. Một trong những yếu tố quan trọng đó là sự cạnh tranh về giá.

Chính vì vậy, khi nghĩ đến chi phí mặt bằng, điện nước, nhất là vào mùa hè… nhiều chủ hàng thường than khó khi gặp phải những vị khách ngồi "mọc rễ" nhưng chỉ gọi một cốc đồ uống hơn 20 nghìn đồng.

Theo chị Hân, những yếu tố liên quan đến chi phí, mặt bằng thuê nhân công đương nhiên là bài toán của người làm kinh doanh. Song thực tế, khi mở dịch vụ, một ngày quán sẽ đón tiếp vài trăm lượt khách.

Trong vài trăm lượt khách đó sẽ có những khách chỉ mua mang về, khách ngồi 3-5 phút rồi đứng dậy, khách gọi 3-4 lượt đồ uống… chứ không phải ai cũng "ngồi thiền" với một cốc đồ uống.

"Tôi hay nói với nhân viên của mình là khách nào đến chơi mình cũng quý. Hãy cứ duy trì nguyên tắc tiếp đón của mình, dần dần, khách sẽ tự lựa chọn điểm đến phù hợp với họ.

Giống như kiểu bạn đi vào nhà hàng 5 sao với trang phục xuề xòa, tự khắc bạn sẽ cảm thấy mình không thuộc về không gian đó, bạn thấy lạc lõng với mọi người xung quanh. Hay khi bạn nói chuyện điện thoại quá to mà những người xung quanh đều im lặng, nói vừa đủ nghe, thì bạn sẽ cảm thấy mình vô duyên, cần hạn chế âm lượng", chị Hân cho hay.

*Tên nhân vật đã được thay đổi.