Giới trẻ "lê la" cả ngày ở quán cà phê làm gì mà không chán?
(Dân trí) - Quán cà phê ngày nay không chỉ là địa điểm gặp gỡ bạn bè, giải trí cuối tuần, hay thưởng thức đồ uống mà còn là địa điểm học bài và làm việc yêu thích của giới trẻ.
Cùng với nhịp sống xã hội phát triển, không ngạc nhiên khi giới trẻ ngày nay lựa chọn không gian của quán cà phê là nơi học bài, làm việc. Ở một thời đại yêu cầu sự đổi mới, sự sáng tạo không ngừng nên việc mở rộng hay thay đổi không gian làm việc là cần thiết.
Tại các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng…, nhiều cửa hàng cà phê đã nâng cấp hơn, không chỉ là một địa điểm thưởng thức đồ uống hay tán gẫu, họ xây dựng riêng một "co-working space" (không gian làm việc chung - PV) bởi phần lớn giới trẻ đến quán cà phê đều có nhu cầu học bài, làm việc.
Để giải quyết khối lượng công việc, bài tập mỗi ngày rất nhiều nên giới trẻ thậm chí ngồi 7-10 tiếng ở quán cà phê là chuyện bình thường.
Người trẻ lựa chọn quán cà phê như một "co-working space"
Trước đây, ngoài làm việc ở nhà thì thư viện là nơi đầu tiên được nghĩ đến và là lựa chọn của nhiều người khi cần thay đổi không gian. Tuy nhiên, theo quan sát thực tế hiện nay, số lượng người đến thư viện học tập và làm việc không còn nhiều nữa, kể cả những thư viện lớn trong thành phố.
Lê Nhật Hạnh Lan (sinh viên năm cuối trường Đại học FPT TPHCM) chia sẻ: "Mình luôn chọn quán cà phê là nơi làm việc, thậm chí nếu mình có thời gian rảnh rỗi để tự học thì mình cũng đến quán cà phê. Trước đây, mình đã từng thử làm việc ở thư viện thành phố, thư viện trường hay các phòng tự học nhưng không gian ở đấy đối với mình khá gò bó".
Cùng với đó, Vân Anh (nhân viên văn phòng) chia sẻ: "Mình đã làm việc theo giờ hành chính khuôn phép với một không gian văn phòng nhàm chán mỗi ngày nên khi có công việc ngoài giờ mình đều ra quán cà phê. Mình không chọn ở nhà vì mình thấy nó khá giống ở văn phòng, thậm chí còn không có ai cùng làm việc".
Làm việc tại các quán cà phê thật sự là lựa chọn hàng đầu ở thời điểm này khi mà trên các trang tìm kiếm, từ khóa "địa điểm chạy deadline" luôn gắn liền với địa chỉ các quán cà phê chứ không có bất kỳ nơi nào khác.
Văn hóa làm việc trong quán cà phê được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực nên nó dễ dàng trở thành xu hướng. Dù công việc của bạn là gì, một nhà báo, một nhà sáng tạo nội dung hay một nhà giáo, nhiếp ảnh gia…, quán cà phê đều là nơi hoàn hảo cho bạn nếu bạn yêu thích và đề cao sự tự do hay tính sáng tạo.
Môi trường thần kỳ tạo nên áp lực và động lực
CEO Twitter, Jack Dorsey đã từng chia sẻ: "Chúng tôi khuyến khích mọi người làm việc ở môi trường mở vì chúng tôi tin vào sự thần kỳ - khi mọi người vô tình chạm mặt nhau và dạy cho nhau những điều mới".
Một quán cà phê chính là môi trường thần kỳ như thế. Nơi đây phù hợp với những người trẻ khao khát một môi trường làm việc thoải mái hơn, nhiều năng lượng hơn, thích hợp để sản xuất ra được những ý tưởng hay ho.
Chia sẻ những lợi ích mà môi trường này mang lại cho bản thân, Ngọc Toàn (Sinh viên năm thứ 2 trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng) nói: "Quán cà phê với không gian rộng, thoáng mát tạo cho mình cảm giác dễ chịu hơn so với ở nhà. Mình cũng thường hay ra các quán cà phê được thiết kế chuyên dành cho làm việc nên không gian cũng yên tĩnh, nhìn mọi người ai cũng chăm chú làm việc bản thân sẽ có động lực muốn làm việc nhiều hơn".
Có cùng ý kiến với Ngọc Toàn, Mỹ Hạnh (sinh viên năm thứ 2 Đại học Y Dược TPHCM) chia sẻ cô là một người cực kì thích "chạy deadline" tại quán cà phê. Những ngày trước khi thi, dường như ngày nào cô nàng cũng có mặt ở quán cà phê để học bài và cô thường xuyên ngồi xuyên đêm hoặc ít nhất là đến 2 giờ sáng hôm sau.
"Học ở quán cà phê dễ thuộc bài hơn. Khi ở nhà mình bị sự lôi cuốn của điện thoại làm cho mất tập trung, ở quán cà phê sẽ có nhiều người học giống mình sẽ thôi thúc mình tập trung học hơn khi ở nhà".
Người trẻ không tiếc tiền để có nơi "chạy deadline" phù hợp
Quán cà phê là không gian phù hợp cho việc học tập và làm việc, bên cạnh đó vẫn tồn đọng vấn đề là số tiền các bạn phải chi ra cho một lần học tại quán cà phê.
Tại các thành phố lớn, mức giá cho một ly nước trên thị trường hiện nay từ khoảng 35-70 nghìn đồng. Thậm chí, các quán cà phê chuyên cung cấp không gian "chạy deadline" thường sẽ mở cửa 24/24 và có giá đồ uống cao hơn bình thường hoặc sẽ có thêm phụ thu.
Với tần suất học bài ở quán cà phê nhiều, Mỹ Hạnh chia sẻ thêm về việc chi tiêu cho khoản này: "Mình cho rằng giá nước ở đấy không quá cao vì mình cũng thường xuyên đi cà phê để chụp hình và mình thấy nó khá ngang bằng nhau".
"Những dịch vụ mà quán cà phê cung cấp sẽ phù hợp với số tiền mình bỏ ra. Nếu có nhiều bài thi thì trong một tháng mình chi cho việc đi cà phê học bài cũng chỉ khoảng 700-800 nghìn đồng", nữ sinh trường Y nói thêm.
Trên mạng xã hội Facebook cũng xuất hiện một bài viết xoay quanh chủ đề này và người dùng mạng xã hội để lại những suy nghĩ của mình như sau:
Tài khoản Nguyễn Đình Minh: "Mình học ở quán cà phê sẽ hiệu quả hơn rất nhiều và đánh đổi vài triệu mỗi năm để đạt hiệu suất cao trong học tập thì mình không tiếc".
Tài khoản Hoàn Nguyễn: "Nếu tốn triệu đồng chỉ để học thì chẳng có gì đáng nói".
Tuy nhiên, cũng có những bạn trẻ chia sẻ ngại vấn đề tốn kém dù rất muốn học bài ở đây.
Tài khoản Kiều Nguyễn Anh Thư: "Cà phê học bài thoải mái lắm nhưng mỗi tội hơi tốn kém".
Tài khoản Minh Tú: "Chưa thấy quán nào có giá nước dưới 50 nghìn đồng cả, toàn trên 70 nghìn đồng".