DNews

Bi hài những người đàn ông gặp khủng hoảng, lao đao vì... vợ ốm

Nguyễn Ngoan

(Dân trí) - Hai người đàn ông, Hưng và Hùng vừa trải qua một tuần khủng hoảng khi phải xin nghỉ việc chăm vợ ốm cùng con nhỏ.

Bi hài những người đàn ông gặp khủng hoảng, lao đao vì... vợ ốm

Lao đao vì vợ nhập viện

Hưng (35 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) luôn tự hào về gia đình hạnh phúc của mình. Anh làm việc ở một công ty xây dựng, công việc bận rộn nhưng ổn định.

Vợ anh - Thảo, (33 tuổi), nhân viên văn phòng, là một người phụ nữ chu đáo, lo toan tất cả việc nhà từ nấu nướng, dọn dẹp đến chăm sóc hai đứa con. Từ khi lấy nhau mọi chuyện trong nhà đều do vợ đảm đương, Hưng chỉ lo đi làm, đưa tiền hàng tháng cho vợ, về nhà có cơm ăn, con cái được chăm sóc chu đáo.

Thế nhưng, mọi thứ thay đổi vào một buổi sáng nọ, Thảo đột nhiên bị sốt cao phải nhập viện. Lúc đó, Hưng bỗng thấy hoang mang tột độ. Nhờ mẹ vợ lên viện chăm Thảo, anh Hưng phải phụ trách mọi công việc ở nhà. 

"Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ phải gánh vác công việc mà vợ vẫn thường làm", Hưng nói.

Bi hài những người đàn ông gặp khủng hoảng, lao đao vì... vợ ốm - 1

Hưng cho biết, anh bối rối và gặp khủng hoảng khi phải xoay xở với việc nhà và dạy con học khi không có vợ (Ảnh: Nguyễn Ngoan).

Những việc trước đây Hưng cho là đơn giản, giờ lại trở thành gánh nặng. Anh phải nấu ăn, dọn dẹp, đưa đón con đi học và làm bài tập cùng các con.

Ngày đầu tiên, Hưng cố gắng nấu bữa sáng cho hai đứa nhỏ. Đứng trước bếp với đống nguyên liệu, anh chẳng biết phải làm gì trước, khi dưới chân đứa con nhỏ 3 tuổi cứ đòi bế, đứa lớn 6 tuổi hết hỏi quần đâu lại đến cặp sách. Sau một hồi loay hoay, bữa sáng của ba bố con chỉ có mì gói và trứng chiên cháy cạnh. 

Đến tối, việc tắm cho con, dỗ chúng ngủ, và trả lời hàng loạt câu hỏi ngây thơ của bọn trẻ khiến anh rơi vào trạng thái bối rối. Mỗi lần hai đứa trẻ cãi nhau, Hưng lại cảm thấy như mình đang mắc kẹt trong một cơn ác mộng mà không biết cách thoát ra.

"Mọi thứ quá sức với tôi", người đàn ông này nói.

Sau một ngày làm việc mệt mỏi anh không được nghỉ ngơi mà tiếp tục cuộc chiến ở nhà. Khi cho các con ngủ Hưng lại phải thức đêm để hoàn thành nốt số công việc còn dang dở ở cơ quan.

Những ngày tiếp theo, áp lực càng đè nặng hơn. Mỗi lần có tiếng khóc của con, tiếng chén đĩa rơi loảng xoảng, anh lại cảm thấy tim mình như muốn nhảy ra ngoài. Đặc biệt là khi phải đối mặt với những công việc nhà cửa dường như không bao giờ hết, từ việc giặt giũ đến lau nhà.

"Tôi phải xin nghỉ việc một tuần vì không thể cân bằng giữa việc chăm con, dọn dẹp nhà cửa và công việc cơ quan", Hưng nói.

Không có bàn tay vợ mọi việc trong nhà rối tung, càng dọn càng loạn, anh thậm chí không biết đồ của mình cất ở đâu, sách vở môn học của con thế nào. Cảm giác bối rối, mệt mỏi, lo sợ khiến Hưng nhận ra vợ anh đã phải gánh vác quá nhiều việc mà anh chưa từng chú ý đến.

Một tuần vợ nằm viện, anh Hưng như già đi mấy tuổi vì mất ngủ chăm con, lo toan việc nhà.

"Khi một mình xoay xở tôi mới biết vợ mình phi thường như thế nào, khi vừa đi làm ở cơ quan, lại chu toàn việc ở nhà", anh Hưng tâm sự.

Khủng hoảng vì vợ bệnh

 Nỗi ám ảnh vợ ốm không chỉ có ở Hưng, mà Hùng, một người đàn ông 40 tuổi, sống ở Hưng Yên cũng chịu một phen... hết vía khi vợ gặp vấn đề về sức khỏe.

Hùng sống cùng vợ là Thu và cậu con trai nhỏ. Gia đình anh có cuộc sống êm đềm, hạnh phúc. Hùng luôn tin tưởng rằng sức khỏe của vợ mình rất tốt, vì chị Thu ít khi ốm, luôn chăm sóc bản thân cẩn thận. Nhưng một sự kiện đã thay đổi mọi thứ.

Vợ Hùng trong một buổi khám sức khỏe định kỳ của cơ quan được chẩn đoán có bất thường. Cô thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, ho nhiều, thi thoảng có những cơn đau âm ỉ ở vùng ngực. 

Ban đầu, Thu chỉ nghĩ do thay đổi thời tiết nên bị ho. Tuy nhiên, cơn đau không dứt, đọc các triệu chứng trên mạng rất giống với ung thư làm cả hai vợ chồng lo lắng mất ăn, mất ngủ.

"Chỉ cần nghĩ đến việc vợ mình có thể bị bệnh tôi không thể bình tĩnh. Tôi lo cho sức khỏe của vợ và cũng không biết, bố con tôi phải sống thế nào nếu không có vợ bên cạnh", người đàn ông chia sẻ.

Mọi việc trong nhà từ nuôi dạy con cái, chăm sóc gia đình nội ngoại hai bên lâu nay đều do chị Thu phụ trách. Anh Hùng không khéo ăn nói nên chỉ biết đi làm kiếm tiền.

Bi hài những người đàn ông gặp khủng hoảng, lao đao vì... vợ ốm - 2

Vợ vắng nhà, lần đầu tiên anh Hùng phải vào bếp rửa bát, làm công việc nhà (Ảnh: Nguyễn Ngoan).

Không thể chịu đựng thêm, Hùng quyết định đưa Thu đi khám tổng quát. Anh cảm thấy lòng mình thắt lại khi bác sĩ yêu cầu Thu phải làm xét nghiệm chuyên sâu sau khi phát hiện một khối u nhỏ trong ổ bụng. Những ngày chờ đợi kết quả xét nghiệm là khoảng thời gian tồi tệ nhất với vợ chồng Hùng. Anh không thể tập trung vào công việc, mất ngủ, luôn cảm thấy như có thứ gì đó đè nặng lên ngực. Trong khi Thu cũng rơi vào sợ hãi căn bệnh ung thư sẽ tìm đến với mình.

Thấy vợ căng thẳng, Hùng động viên vợ đi chơi một chuyến cùng bạn bè trước ngày nhận kết quả, mọi việc ở nhà từ con cái đến việc nhà cứ để anh lo.

Được chồng động viên, Thu xách hành lý có chuyến thư giãn một tuần cùng đám bạn sau nhiều năm chỉ quẩn quanh lo cho chồng cùng các con.

"Chuyến đi này cũng là lần chuẩn bị tâm lý của tôi, nếu thật sự mắc bệnh có thể đây là lần cuối tôi được du lịch", Thu cười chia sẻ.

Ngày vợ đi chơi, Hùng người đàn ông suốt 40 năm số lần làm việc nhà đếm trên đầu ngón tay bắt đầu lóng ngóng. Con cái đã lớn, không cần tắm rửa hay vệ sinh cá nhân giúp, nhưng khoản nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo làm anh đau đầu.

Chưa từng vào bếp anh không biết làm sao để chiều theo sở thích của cậu con trai, lúc nấu mặn, khi lại cháy khét, có hôm nấu cơm quên bật nút, nên gần một tuần bố con anh chỉ ăn hàng quán hoặc gọi đồ ăn nhanh về nhà.

Quần áo không có vợ phân loại giặt, hai bố con anh cho tất cả vào máy giặt cả đồ trắng lẫn đồ đen, có hôm lôi ra phơi chiếc áo sơ mi trắng mua cả triệu bạc đã bị nhuộm loang lổ.

Ngày thường vợ anh xếp đồ, chuẩn bị đồ đi làm, đi học, là ủi cẩn thận cho bố con, chị Thu đi vắng sáng nào hai bố con cũng loay hoay cả tiếng, thậm chí có hôm ngủ quên mà muộn học.

"Đồng nghiệp còn cười trêu tôi vợ đi một tuần mà như một năm, đầu tóc, quần áo, râu ria luộm thuộm. Con thì trách bố không gọi dậy sớm để đi học muộn", Hùng cười khổ.

Một tuần sau vợ anh trở về, tinh thần phấn chấn, Hùng chia sẻ trông chị Thu như trẻ ra, tươi tắn hơn ngày thường. Nhìn vợ, suy nghĩ lại một tuần sống không có chị, anh lại thấy có lỗi vì bỏ bê việc nhà, dồn hết mọi gánh nặng gia đình cho chị lo toan.

Bi hài những người đàn ông gặp khủng hoảng, lao đao vì... vợ ốm - 3

Tổ ấm nhỏ của anh Hùng bề bộn khi vợ vắng nhà (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Cuối cùng, ngày nhận kết quả xét nghiệm cũng đến. Cả Hùng và Thu đều "như ngồi trên đống lửa", nhưng may mắn bác sĩ kết luận chỉ là u lành tính, có thể được loại bỏ bằng phẫu thuật đơn giản. Thu chỉ cần nghỉ ngơi, điều trị một thời gian có thể hồi phục hoàn toàn. Thở phào nhẹ nhõm, Hùng ôm chặt vợ trong niềm vui và sự nhẹ nhõm tột độ, như vừa thoát khỏi một cơn ác mộng.

"So với việc mình mắc bệnh, tôi sợ vợ mình ốm hơn. Từ việc lớn đến việc nhỏ trong nhà cô ấy đều lo, nếu không có vợ tôi chẳng thể yên tâm đi làm bên ngoài", anh Hùng chia sẻ.

Chị Thu được sắp xếp phẫu thuật, có kinh nghiệm từ một tuần trước anh Hùng cũng nhanh nhẹ hơn trong việc nhà. Anh cũng nhờ thêm bố mẹ lên hỗ trợ để có thể vừa đi làm, vừa qua lại viện chăm vợ và lo cho con ở nhà.

Mỗi ngày đi làm về, người đàn ông chủ động sắp xếp thời gian giúp vợ việc nhà, đưa đón con cái đi học. Cứ 3-6 tháng Hùng lại nhắc vợ đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, không còn lơ là như trước đây. 

"Thời gian vợ vắng nhà giúp tôi nhận ra nhiều điều của cuộc sống. Tôi thấu hiểu nỗi vất vả của cô ấy hơn. Lâu nay, tôi thấy bản thân thật sự vô tâm. Có làm việc nhà mới thấy phụ nữ thật phi thường. Chắc chắn, thời gian tới tôi sẽ phụ giúp vợ chăm con, làm việc nhà", anh Hùng cười vui nói. 

Sự bình đẳng có thể bắt đầu bằng những điều rất giản dị như chia sẻ việc nhà. Việc nhà là việc chung, là trách nhiệm của mọi thành viên, không phải ai đang giúp ai.

Theo báo cáo phân tích dựa trên số liệu Điều tra Lao động - Việc làm của Tổ chức Lao Động quốc tế, phụ nữ trung bình dành số giờ gấp đôi nam giới để làm việc nhà. Thậm chí, 20% đàn ông Việt không hề làm việc nhà. Gánh nặng công việc gia đình dồn lên vai người phụ nữ.

Luật Hôn nhân gia đình sửa đổi 2014 có quy định rằng: Lao động của vợ/chồng ở trong gia đình cũng được coi là lao động tạo ra thu nhập. Điều này khẳng định vai trò quan trọng của những công việc không tên vốn bị xem nhẹ, coi thường.

*Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi theo yêu cầu.