Quân đội, Công an sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó mưa lũ
(Dân trí) - Để chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ, ngập lụt, sạt lở đất có thể xảy ra trong những ngày tới Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Quốc phòng, Bộ Công an sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó mưa lũ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ban hành Công điện số 97/CĐ-TTg gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và các bộ, ngành liên quan, yêu cầu tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt các biện pháp chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ, ngập lụt, sạt lở đất và lũ quét có thể xảy ra trong những ngày tới.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7, khu vực Bắc Bộ tiếp tục xảy ra mưa lớn diện rộng, tổng lượng mưa phổ biến 100-300mm, có nơi hơn 500mm.
Trên các sông Thao, Lô, Cầu, Thương, Lục Nam và các sông suối nhỏ có khả năng xuất hiện đợt lũ với biên độ 2-5m, đỉnh lũ ở mức báo động 1 đến báo động 2, có nơi trên báo động 2.
Trong điều kiện nhiều khu vực đã có mưa lớn kéo dài, đất bão hòa nước, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở trung du, miền núi và ngập úng tại các vùng trũng thấp, đô thị là rất cao.

Bộ đội Biên phòng Lào Cai căng mình giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ (Ảnh: Báo Lào Cai).
Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 19/6 về công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai.
Đặc biệt, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ tổ chức thực hiện kịp thời, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp theo phương án ứng phó thiên tai, trong đó tập trung: Đẩy mạnh công tác truyền thông, cập nhật kịp thời thông tin dự báo thiên tai để người dân chủ động ứng phó;
Tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận biết dấu hiệu thiên tai, kỹ năng ứng phó, đặc biệt là với lũ quét, sạt lở đất; rà soát, đánh giá mức độ rủi ro tại các khu dân cư ven sông, suối, sườn dốc; chủ động sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm khi có mưa lớn.
Thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh, thành khu vực Bắc Bộ cần trực ban nghiêm túc, tổ chức lực lượng kiểm soát, bảo đảm an toàn giao thông tại các điểm ngập sâu, nước chảy xiết; triển khai các biện pháp bảo vệ an toàn đê điều, hồ đập theo cấp báo động.
Thủ tướng cũng giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường theo dõi sát diễn biến thời tiết, dự báo, cảnh báo kịp thời; phối hợp quốc tế trong dự báo mưa lũ; chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều và bảo vệ sản xuất nông nghiệp.
Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng vũ trang sẵn sàng phương tiện, lực lượng hỗ trợ địa phương ứng phó, cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan chủ động triển khai phương án ứng phó trong lĩnh vực quản lý, bảo đảm an toàn sản xuất, hạ tầng giao thông, hồ đập thủy điện, hệ thống năng lượng.
Các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương được yêu cầu tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến kỹ năng phòng tránh ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét đến người dân.
Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Công điện, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách những vấn đề phát sinh, đột xuất.