Bảo vật quốc gia và câu chuyện thú vị về chim thần Garuda diệt rắn
(Dân trí) - Cặp phù điêu chim thần Garuda diệt rắn gần 1.000 năm tuổi ở Bình Định không chỉ mang giá trị văn hóa, lịch sử đặc biệt, mà còn là câu chuyện thần thoại thú vị về mối bất hòa giữa hai loài vật này.
Cặp phù điêu chim thần Garuda diệt rắn trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bình Định có niên đại giữa thế kỷ XIII, được khai quật tại khu phế tích tháp Mẫm (hay còn gọi là tháp Mắm, ở phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn, Bình Định) năm 2011. Cặp phù điêu được Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia cuối năm 2017.
Hai phù điêu Garuda cao khoảng 108cm, nặng 500kg, chất liệu làm bằng đá sa thạch, được tạo tác trong tư thế chế ngự rắn Naga.
Khuôn mặt Garuda được tạo tác trong tư thế ngoảnh sang một bên, tròng mắt tròn, mở to, mắt có hai lớp mí. Trên các lớp mí có trang trí hoa văn cách điệu, lông mày đều có đuôi cong xếch lên trông rất dữ tợn.
Mỏ chim lớn, cong, quắp trông khỏe và chắc chắn. Miệng Garuda ngậm đuôi rắn Naga, cuối hàm chìa ra chiếc răng nanh nhọn, một tay Garuda cầm thân rắn, tay kia giữ phần cổ của một con rắn khác và thân rắn quấn quanh cổ tay, phần đuôi kéo dài xuống tận chân.
Cả hai phù điêu Garuda đều được tạo tác hoàn toàn giống nhau, chỉ khác một vài chi tiết rất nhỏ và được tạc quay đầu theo hướng chụm vào nhau, đối xứng trong trang trí đền tháp.
Theo ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Định, trong thần thoại Bà La Môn giáo, Garuda là chim thần, vua của muôn loài chim và là biểu tượng của ánh sáng, quyền uy…
Kẻ thù truyền kiếp của Garuda là rắn thần Naga cũng là vua của các loài rắn, đại diện cho bóng tối và sức mạnh nguyên thủy.
Truyền thuyết kể rằng, chim thần Garuda và rắn thần Naga có mối bất hòa sâu sắc vì mẹ của Garuda bị mẹ của Naga bắt làm nô lệ, sỉ nhục rồi sát hại. Vì vậy, Garuda hay bắt rắn Naga ăn thịt hoặc buộc hầu hạ mình.
Sau này, Garuda trở thành vật cưỡi của thần Vishnu, một trong ba vị thần tối cao của Ấn Độ giáo.
"Có lẽ, những câu chuyện thần thoại cũng có mối liên hệ với đời sống con người. Chúng ta thường thấy loài đại bàng đang bay từ trên cao, khi nhìn thấy rắn ở dưới đất thì lao xuống bắt để ăn thịt.
Bởi vậy, Garuda và Naga không chỉ là hai nhân vật trong thần thoại, mà còn đại diện cho sự giao thoa giữa con người và vũ trụ, giữa đời sống hiện hữu và thế giới tâm linh", ông Tĩnh chia sẻ.
Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Định cũng cho biết, chim thần Garuda là hình tượng phổ biến trong nghệ thuật điêu khắc Champa. Hình tượng Garuda trong điêu khắc Champa thường gắn với thần Vishnu hoặc trong tư thế diệt rắn Naga.
Phù điêu chim thần Garuda diệt rắn tại tháp Mẫm cũng thể hiện theo một cách riêng mà không có bức phù điêu chim thần Garuda nào có trước đây.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, cặp phù điêu chim thần Garuda diệt rắn với cách thể hiện độc đáo, đầu nhìn nghiêng, thân hướng phía trước, tạo hình đối xứng, sự cường điệu về tạo hình cơ thể, mỏ chim nhưng thân lại giống người.
Trên người đeo đồ trang sức dày đặc, mang đặc trưng của phong cách Tháp Mẫm cùng với chức năng trang trí trên bờ tường cửa tháp tạo nên tính chất hoành tráng, uy nghiêm của kiến trúc chỉ có phát hiện tại phế tích tháp Mẫm…
"Có thể nói, phù điêu chim thần Garuda diệt rắn phát hiện ở phế tích Tháp Mẫm không chỉ mang tính hình thức độc đáo trong nghệ thuật điêu khắc Champa mà còn trong nghệ thuật điêu khắc của Đông Nam Á.
Bởi vì chỉ có tại phế tích tháp Mẫm mới có loại hình phù điêu chim thần Garuda diệt rắn đặc biệt này, ngay cả các di tích Champa cùng không gian, thời gian cũng không phát hiện được", ông Tĩnh nói thêm.