Bí ẩn về bảo vật quốc gia tượng Phật Lồi tự nhiên đổ mồ hôi

Doãn Công

(Dân trí) - Tượng thần Shiva ở Chùa Linh Sơn (Quy Nhơn, Bình Định), được nhân dân địa phương gọi là tượng Phật Lồi. Đặc biệt, sau lưng tượng khắc 12 dòng chữ Champa cổ, gắn với những câu chuyện kỳ bí.

Những câu chuyện li kỳ về tượng Phật Lồi

Chùa Phật Lồi có tên chữ là Linh Sơn cổ tự, được xây dựng năm 1913, tọa lạc ở làng chài Hải Giang, nay đã dời về thôn Hội Thành (xã Nhơn Hội, thành phố Quy Nhơn, Bình Định). Hiện nay, chùa Linh Sơn là điểm du lịch tâm linh đặc biệt của du khách khi khám phá miền đất võ Bình Định.

Những bậc cao niên ở thôn Hải Giang kể rằng, xưa kia trong lúc cày ruộng, một người dân làng biển Hải Giang đã phát hiện tượng trồi lên từ lòng đất, hình dáng giống tượng Phật ngồi thiền. Sau đó, dân làng đã lập chùa để thờ pho tượng này. Chùa được đặt tên là Phật Lồi vì gắn với sự kiện tượng Phật Lồi lên từ lòng đất.

Bí ẩn về bảo vật quốc gia tượng Phật Lồi tự nhiên đổ mồ hôi - 1

Chùa Linh Sơn ở xã Nhơn Hội, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định (Ảnh: Doãn Công).

Sách Nước non Bình Định của tác giả Quách Tấn ghi chép về Chùa Phật Lồi rằng: "Dưới chân núi Hòn Mai có một bàu nước ngọt khá rộng và một ngôi chùa cổ. Chùa thờ một tượng Phật bằng đá xanh, cao lớn bằng hình người. Tượng này được người dân địa phương tìm thấy ở dưới mé bàu.

Truyền rằng xưa kia tượng ở tận ngoài Lao Xanh, một hôm tự nhiên biến mất, nhân dân tìm mãi không thấy. Sau nghe người dân Phương Mai (thôn Hải Giang, bán đảo Phương Mai, thành phố Quy Nhơn) được tượng Phật, bèn tới nhìn thấy quả là tượng Phật của mình, mới đòi lại. Nhưng hàng trăm người xúm khiêng mà dỡ lên không nổi, đành phải cúng lại cho người dân Phương Mai thờ tự".

Ông Huỳnh Năm (66 tuổi, vốn sinh sống tại làng chài Hải Giang, hiện ở thôn Hội Thành, xã Nhơn Hội) cho biết khi còn nhỏ đã nghe cha, ông kể nhiều về những câu chuyện kỳ bí xung quanh tượng Phật Lồi.

"Dù chỉ là những câu chuyện truyền miệng nhưng đến nay, người dân Hải Giang đều tin rằng pho tượng rất linh thiêng. Bởi vậy, vào các ngày rằm, mùng 1, lễ Tết người dân đều đến thắp hương cầu ngài phù hộ cho gia đình bình an.

Tôi nhớ vào khoảng 1999-2000, có nhiều người lạ đến Hải Giang tìm đồ cổ. Sau đó, kẻ xấu phá cửa, đột nhập vào chùa khiêng trộm pho tượng nhưng chúng không thể đưa đi xa nên bỏ cuộc", ông Năm nói.

Bí ẩn về bảo vật quốc gia tượng Phật Lồi tự nhiên đổ mồ hôi - 2

Tượng Phật Lồi mặc áo cà sa ngự trị tại Chánh điện Chùa Linh Sơn để người dân, du khách tới chiêm bái (Ảnh: Doãn Công).

Về những chuyện bí ẩn của pho tượng, sách Nước non Bình Định cũng chép: "Những năm có bệnh dịch, bệnh tả thì tượng Phật tự nhiên đổ mồ hôi. Người dân địa phương lấy son thoa nơi lưng Phật, lấy giấy vàng in những hàng chữ bùa, đem về dán nơi nhà. Người có bệnh lành bệnh, người không bệnh tránh khỏi bệnh".

Rất nhiều câu chuyện truyền miệng mang màu sắc huyền bí xoay quanh tượng Phật Lồi. Song, với người dân làng chài Hải Giang xưa và nay, họ tin rằng pho tượng rất linh thiêng, phù hộ cho cả làng chài bình yên…

Bảo vật quốc gia đặc biệt

Sau nhiều lần di chuyển để nhường mặt bằng cho các dự án phát triển du lịch, năm 2015 Chùa Linh Sơn được xây dựng lại tại thôn Hội Thành, xã Nhơn Hội (Quy Nhơn) và tượng Phật Lồi cũng được thỉnh về chùa này thờ cúng đến nay.

Theo ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Định, thực ra tượng Phật Lồi là tượng thần Shiva, một tác phẩm điêu khắc nghệ thuật Champa bằng đá sa thạch thuộc phong cách nghệ thuật tháp Mẫm, có niên đại thế kỷ XIV-XV.

Tượng thần Shiva ở Chùa Linh Sơn là tượng duy nhất, có hình thức khác hẳn với các tượng thần Shiva khác từng được phát hiện ở Bình Định. Tượng được thể hiện gắn với văn bia sau lưng, là một loại hình hiếm thấy trong điêu khắc Champa.

Điều đặc biệt, 12 dòng chữ Champa khắc sau lưng trên bia kí từng là bí ẩn trong một thời gian dài.

Bí ẩn về bảo vật quốc gia tượng Phật Lồi tự nhiên đổ mồ hôi - 3

Đại đức Thích Thị Hòa, trụ trì Chùa Linh Sơn (Ảnh: Doãn Công).

Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Định thông tin thêm, sau nhiều năm nghiên cứu, Giáo sư Arlo Griffiths, một chuyên gia về ngôn ngữ Ấn Độ cổ (Viện Viễn Đông bác cổ Pháp) đã đọc được minh văn 12 dòng chữ Champa cổ khắc trên bia ký sau lưng tượng Phật lồi, biên tập và dịch ra tiếng Anh.

Bản dịch ra tiếng Việt và giải thích ý nghĩa do PGS.TS Ngô Văn Doanh (Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Khoa học xã hội Việt Nam) cung cấp. Nội dung minh văn khẳng định đây là tượng thần Shiva, 1 trong 3 vị thần tối cao của Ấn Độ giáo.

Năm 2018, tượng thần Shiva (tượng Phật Lồi) ở Chùa Linh Sơn được công nhận là bảo vật quốc gia.

Theo Đại đức Thích Thị Hòa, trụ trì Chùa Linh Sơn, bảo vật quốc gia tượng thần Shiva, gắn liền với tín ngưỡng tâm linh của người dân địa phương và phục vụ du khách đến chiêm ngưỡng. Vì vậy, để phát huy giá trị của bảo vật quốc gia này, nhà chùa bố trí đặt pho tượng ở vị trí trang trọng tại chánh điện để thờ cúng.