Bảng chi tiêu chỉ hơn 3 triệu đồng/tháng của vợ chồng ở Hà Nội thời bão giá
(Dân trí) - Trông vào thời tiết và hàng hóa, những buổi đi chợ của vợ chồng chị Nhạn chẳng thể đều đặn mỗi tháng. Thu nhập loanh quanh ở mức 8 triệu đồng, trong cơn bão giá, túi tiền của họ càng bị bóp nghẹt.
Xăng dầu và nhiều mặt hàng tiêu dùng đồng loạt tăng giá trong thời gian qua đã khiến cho không ít người dân khổ sở, loay hoay tìm cách chi tiêu sao cho hợp lý. Đặc biệt, những người lao động thu nhập thấp, túi tiền của họ càng bị bóp nghẹt. Nhiều người phải tính toán chi ly hơn, bữa cơm bớt đi chút thịt, tăng thêm rau, dưa, cà, đậu… PV Dân trí đã tìm đến những gia đình lao động nghèo ấy và mục sở thị bữa cơm đạm bạc của họ trong thời bão giá này.
Thời "bão giá", buôn bán cũng... ế
Nhiều năm qua, chị Nguyễn Thị Nhạn (38 tuổi, quê ở Ba Vì, Hà Nội) cùng chồng là anh Hoàng Văn Vượng (39 tuổi) lên Hà Nội mưu sinh bằng nghề buôn bán hoa quả. Để thuận tiện cho công việc, cả hai thuê một phòng trọ nhỏ dưới chân cầu Long Biên để ở.
Hàng ngày, vợ chồng chị Nhạn dậy từ 2 giờ sáng để ra chợ đầu mối nhập các loại hoa quả. Sau đó cả hai chia hàng vào sọt của chiếc xe đạp rồi tỏa đi các khu chợ nhỏ để bán. Chị Nhạn đi tới một khu chợ ở quận Ba Đình, còn anh Vượng ngược sang phía Gia Lâm.
Chia sẻ với PV Dân trí, chị Nhạn kể: "Nghề buôn bán chạy chợ như chúng tôi vất vả nhưng lời lãi chẳng được là bao. Thời buổi thứ gì cũng tăng giá, nhiều người thắt chặt chi tiêu nên hoa quả vì thế cũng ế ẩm hơn trước. Sáng sớm, tôi bán được chênh 5.000 đồng/kg so với giá nhập, dần dần hạ xuống chỉ còn 2.000-3.000 đồng/kg.
Đến gần trưa thì bán bằng giá nhập và có khi dưới giá nhập. Bán rẻ, bán lỗ buổi sáng còn hơn là để hàng đến buổi chiều. Hoa quả để đến chiều không ai mua nữa, coi như lỗ chỏng vó", chị Nhạn nói.
Người phụ nữ này nhẩm tính một buổi đắt hàng như sáng ngày 13/6 (ngày 15/5 Âm lịch), chị bán hết 60kg xoài, 21kg thanh long và nửa tạ chanh. Tiền lãi thu về khoảng 250.000 đồng.
Những người bán hoa quả như chị Nhạn nếu cứ đều đặn mức thu nhập 200.000 -250.000 đồng một ngày có lẽ sẽ chẳng phải quá đắn đo xem hôm nay ăn gì trong thời bão giá.
Nhưng thường họ chỉ có thể đi được khoảng 15-20 buổi chợ/tháng. Lý do là bởi nhiều khi hàng hóa khan hiếm, giá hoa quả tăng cao… không ai dám nhập đi bán lẻ. Nhiều hôm thì mưa to gió lớn, anh chị có muốn đi cũng không đi được vì sợ sấm sét, đêm hôm. Những buổi chạy chợ vì thế cứ bập bõm, bữa đi bữa nghỉ.
Chị Nhạn kể: "Đi được một buổi chợ ngày 13/6, tôi lại nghỉ ba buổi liền 14-15-16/6 vì trời mưa và không có hàng".
Khi được hỏi về mức tổng thu nhập một tháng của hai vợ chồng, chị Nhạn nghĩ một lúc rồi nói: "Chắc được khoảng 7-8 triệu đồng. Tháng nào khá lắm thì được gần 10 triệu đồng.
Thời gian gần đây, người ta không mua mạnh như trước nữa nên thu nhập cũng phập phù lắm. Nói chung đi làm thế này chỉ đủ tiền ăn cho cả nhà thôi chứ không để được đồng nào", chị Nhạn nói.
Trăm thứ đồng trông vào thu nhập ít ỏi
Vợ chồng chị Nhạn có 3 đứa con. Con trai lớn năm nay đang học nghề, con gái thứ hai và một con út 6 tuổi đang đi học cấp một và cấp hai.
Khoản tiền 8 triệu đồng, chị Nhạn phải tính toán làm sao chi đủ tiền thuê trọ, tiền điện nước, tiền ăn của hai vợ chồng ở Hà Nội, tiền nuôi 3 đứa con ở quê nhà. Số tiền chi tiêu cho hai vợ chồng ở nội đô chỉ được phép loanh quanh trong khoảng hơn 3 triệu đồng/tháng.
Chị Nhạn cho biết, phòng trọ rộng hơn chục mét vuông chị thuê với giá 1,5 triệu đồng/tháng. Căn phòng chị Nhạn thuê nằm trong một xóm trọ tồi tàn, tuy nhiên vì ở gần chợ Long Biên, lại có công trình phụ ở góc phòng nên có giá chênh hơn những khu dùng chung nhà vệ sinh.
Tiền phòng cộng thêm tiền điện, nước, tổng chi phí khoảng 2- 2,2 triệu đồng/tháng. Tiền điện 4.000 đồng/số. Nước dùng máy bơm nên phải bơm liên tục.
Để tiết kiệm chi phí, chị ở ghép với một người cháu họ cùng quê. "Người cháu chỉ ăn ở nhà bữa tối, lại mới đi làm nên vợ chồng tôi quyết định đỡ đần cho cháu, chỉ để cháu góp 500.000 đồng/tháng, phần còn lại chúng tôi chịu", chị này nói.
Nói về chi phí cho ăn uống, chị Nhạn kể, trung bình, hai vợ chồng chi khoảng 40.000 đồng cho tiền ăn một ngày. Dậy từ 2 giờ sáng, nhập được hoa quả là cả hai đi làm một mạch đến trưa nên hầu như họ nhịn bữa sáng. Nhịn mãi thành quen.
Một ngày, thường cả hai chỉ ăn hai bữa trưa và tối. Bữa nào hết hàng thì vợ chồng chị về nấu ăn tại phòng trọ, nhưng có bữa bán cố, bán dưới giá nhập cũng chưa hết, họ đành phải để hàng qua chiều và ăn cơm bụi hay bát bún ven đường.
Bữa trưa nhiều khi cả hai vợ chồng cũng ăn qua quýt. Tôi thường nấu cơm một bữa ăn hai. Ăn tối hôm trước và trưa hôm sau. Cũng có khi, bữa trưa tôi mua 10.000 đồng xôi hay bánh cuốn cho hai người là xong bữa. Nhiều hôm chồng chưa bán hết hàng, có một mình, tôi ăn bát cơm nguội, gói mỳ tôm là xong", chị Nhạn chia sẻ.
Chia sẻ về thức ăn của hai vợ chồng, chị Nhạn kể, thức ăn quen thuộc của họ là trứng vịt, đậu phụ, rau luộc, lạc… Hàng ngày họ không dùng dầu ăn mua mỡ về rán. Thi thoảng, họ đổi bữa bằng chút cá hay thịt. Cá thịt, kho đậm, họ cũng ăn được vài ba bữa.
"Nói chung bữa nọ bù bữa kia. Như trưa nay chỉ cơm với chút muối trắng thì tính ra chỉ vài nghìn đồng. Bữa nào ăn hết 3 bìa đậu thì 9.000 đồng; 5 bìa thì 15.000 đồng. Thịt lợn đắt đỏ, từ 120.000 - 140.000 đồng/kg nên tôi ít mua hơn", chị Nhạn nói.
Khi được hỏi có khi nào hai vợ chồng đổi bữa bằng chút thịt bò, hay tôm, cua, chị Nhạn lắc đầu bảo: "Đắt lắm, 20.000 đồng một lạng thịt bò được mấy miếng mua về ai ăn ai đừng". Có lẽ, vì lâu lắm rồi không đi mua thịt bò nên chị Nhạn vẫn khăng khăng loại thực phẩm này có giá 20.000 đồng/lạng trong khi trên thực tế, giá thịt bò ở nhiều khu chợ đã ở mức trên 28.000 đồng/lạng từ rất lâu.
Vì trọ cách quê nhà hơn 60km, lại còn con cái, công việc ở nhà nên khi nào không có hàng bán, chị Nhạn lại đi xe máy về nhà. Thực phẩm và rau ở quê rẻ hơn nhưng vì phòng trọ không có tủ lạnh nên chị không thể mang đồ ở quê lên tích trữ. Chị Nhạn chỉ còn cách thực hiện ăn uống siêu tiết kiệm từ việc mua sắm tằn tiện cho mỗi bữa ăn.
Bà mẹ ba con cũng chia sẻ, cách đây mấy năm vợ chồng chị xây một ngôi nhà cấp bốn hết hơn 600 triệu đồng. Tiền nợ xây nhà cũng còn mấy trăm triệu đồng nên họ phải chăn nuôi thêm.
"Tiền thu được từ chăn nuôi, tôi không dám tiêu mà góp lại để trả nợ. Tiền buôn bán trên này thì phải cố tính toán sao cho đủ tiền ăn, ở cho cả nhà", chị Nhạn nói.
Tuy nhiên, cơ hội kiếm tiền với họ ngày một khó khăn khi mà nhiều người chịu ảnh hưởng của bão giá phải thắt chặt chi tiêu, không mua sắm nhiều như trước nữa. Bữa cơm vốn đã đơn giản của những người bán hoa quả như chị Nhạn vì thế càng thêm đạm bạc.