Bà mẹ ở Hà Nội kể trải nghiệm cho con học khóa tu mùa hè có cả nghìn trẻ
(Dân trí) - Việc tập trung quá đông trẻ trong một không gian vốn chỉ để dành cho sinh hoạt tôn giáo đôi khi không tránh được những chuyện ngoài ý muốn.
Con ngoan được một tý cũng đã mừng rồi
Khoảng chục năm trở lại đây, nhiều gia đình thường cho con tham gia các khóa tu mùa hè trong khoảng thời gian từ 5 đến 7 ngày để con rèn luyện đạo đức và có những trải nghiệm đáng nhớ.
Chị Nguyễn Thị Bình (quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, năm nay, chị cho hai con trai (7 tuổi và 13 tuổi) tham gia khóa tu mùa hè tại một ngôi chùa ở huyện Mỹ Đức.
Trong 5 ngày, các con chị được tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa như: Nghe thầy giảng pháp, chơi té nước, hội chợ quê, giao lưu văn nghệ, trình diễn các bài hát về công ơn sinh thành, học múa hát…
Ban tổ chức thường cập nhật thông tin, hoạt động của các con lên một trang mạng xã hội để bố mẹ yên tâm.
Tuy vậy, do số lượng trẻ quá đông nên đa số các bố mẹ chỉ có thể quan sát con qua hình ảnh chứ không thể hỏi cụ thể từng trường hợp. Chị Bình thường phải "tìm đỏ mắt" mới nhận ra con mình.
"Khóa tu 2 con tôi tham gia có khoảng gần 1.000 cháu. Các con lần đầu xa nhà, tôi cũng có chút lo lắng. Tuy nhiên, vì theo dõi nhà chùa nhiều năm và thấy khóa tu của chùa tổ chức quy củ, nhiều chương trình ý nghĩa nên tôi quyết định gửi gắm ban tổ chức và nhà chùa.
Kết thúc khóa tu, các con tôi chia sẻ rằng rất vui và có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Đặc biệt cháu lớn đã bớt bướng bỉnh hơn trước. Nói chung, con ngoan được một tý cũng mừng rồi", chị Bình nói.
Chị Bình cũng cho biết, khóa tu hoàn toàn miễn phí. Ban tổ chức và nhà chùa không yêu cầu đóng bất cứ khoản phí nào.
"Tuy nhiên, bản thân tôi và các phụ huynh có con tham gia khóa tu đều hiểu chi phí để tổ chức cho hàng trăm cháu tu luyện trong gần một tuần là không nhỏ. Vậy nên cứ tính trung bình mỗi cháu 100 nghìn đồng/ngày nên tôi gửi công đức cho ban tổ chức 1 triệu đồng/2 cháu", bà mẹ này cho biết.
Chị Trần Thị Vân (36 tuổi, An Khánh, Hoài Đức) cho biết, 4 năm nay, năm nào chị cũng cho con tham gia khóa tu mùa hè. Có năm chị cho con tham gia 2 khóa trong một hè.
Bà mẹ 36 tuổi cho biết: "Con tôi năm nay học lớp 6 nhưng đã tham gia khóa tu từ năm lớp 3. Mỗi khóa tu kéo dài một tuần".
Số lượng trẻ tham gia ngày càng đông nhưng nhận thấy khóa tu đem lại cho con những ý nghĩa nhất định, ban tổ chức đảm bảo tốt vấn đề an ninh nên chị Vân vẫn duy trì hoạt động này mỗi hè.
"Khi tham gia khóa tu con tránh xa được ti vi, điện thoại. Ngoan hơn được một chút. Nhưng khoảng một tuần sau thì đâu lại vào đấy", chị Vân nói.
Chị này cũng cho biết, mỗi lần con tham gia tu tập chị đều công đức vào chùa từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng. Số tiền này là tùy tâm vì ban tổ chức và nhà chùa không thu phí của các con.
Hình thức công đức rất đa dạng: Có người bỏ thẳng vào hòm công đức tại chùa. Có người đóng tiền mặt cho ban đại diện rồi ghi tên ký nhận, song cũng có người chuyển khoản qua đại diện của ban tổ chức.
Có gì ở những khóa tu nghìn trẻ?
Theo ghi nhận, các khóa tu mùa hè thường tập trung số lượng lớn thanh thiếu niên. Có nơi 500 - 600 trẻ, nhưng cũng có nơi lên tới con số hàng nghìn.
Ban tổ chức khóa tu sẽ phân theo từng lứa tuổi (7-14 tuổi, 12-14 tuổi hoặc 10-12 tuổi, trên 18 tuổi...) để tổ chức các khóa tu.
Nhân viên ban tổ chức khóa tu mùa hè của một ngôi chùa ở Quảng Ninh cho biết, số lượng học sinh, sinh viên đăng ký tham gia khóa tu mùa hè tại chùa rất lớn. Riêng đợt 1 tính cả tình nguyện viên lên tới 6.000 - 7.000 người. Nhiều người đăng ký trễ lịch đành ngậm ngùi tiếc nuối vì ban tổ chức không thể nhận thêm.
Điều này chứng tỏ một điều nhu cầu cho con tham gia các khóa tu mùa hè hiện nay của phụ huynh là rất lớn.
Theo tìm hiểu, khi tham gia khóa tu mùa hè, các học sinh, sinh viên sẽ được sinh hoạt Phật pháp, lắng nghe các sư thầy giảng về chữ hiếu, ân nghĩa sinh thành, tham gia các trò chơi dân gian…
Chính vì thế, nhiều bậc cha mẹ kỳ vọng, con trẻ ngoài nghỉ ngơi sau những giờ học tập căng thẳng sẽ được học kỹ năng giao tiếp, hiểu thêm về công ơn sinh thành dưỡng dục. Không ít bậc cha mẹ chia sẻ, họ mong muốn con mình sẽ "chữa" được tật bướng bỉnh, biết nghe lời hơn…
Chị Bình cho biết, khi tham gia khóa tu, con chị phải tự lập trong sinh hoạt, tự giặt giũ quần áo, rửa bát ăn cơm. Con còn viết cho bố mẹ một bức thư rất xúc động.
"Ngày đón con về, tôi được con dâng trà, ôm và nói lời xin lỗi, cảm ơn. Ngày hôm đó, tôi cũng được nghe sư thầy giảng pháp nên thấy rất xúc động", chị Bình cho hay.
Có thể nói, các khóa tu mùa hè đem đến không ít ý nghĩa tích cực trong mùa hè cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc tập trung quá đông trẻ trong một không gian vốn chỉ để dành cho sinh hoạt tôn giáo đôi khi không tránh được những chuyện ngoài ý muốn. Đó là chưa kể, tâm lý trẻ nhỏ nhiều khi phức tạp, dễ xảy ra xung đột.
Chị M. B phụ huynh của một học sinh lớp 7 cho biết, chị cho con đi tham gia một khóa tu ở thiền viện. Tuy nhiên, khi trở về, con kể bản thân sợ mẹ buồn nên không dám gọi mẹ lên đón.
Không gian sinh hoạt chật chội, không đảm bảo vệ sinh khiến con mệt mỏi. Các bạn ở chung phòng mỗi người mỗi tính, không phải ai cũng gọn gàng ngăn nắp. Nhiều bạn không thân thiện hòa đồng khiến con cảm thấy khó nói chuyện.
Chị H. V (ở Hà Đông) biết rõ tham gia khóa tu là con sẽ khổ hơn ở nhà nhưng vẫn chấp nhận cho con đi để con biết quý trọng hơn những gì mình đang có.
Song khi về, con trai chị kể lại rằng đã chứng kiến cảnh các bạn ít tuổi bị những anh lớn hơn đánh và tát. Mâu thuẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, khi ngồi sinh hoạt, đến bữa ăn hay khi đi ngủ.
"Thế mới thấy việc kiểm soát an ninh của ban tổ chức là vô cùng quan trọng. Về phần mình, tôi chỉ cho con tham gia một lần ấy", chị V. chia sẻ.
Đầu mùa hè, chị Phạm Thị Thanh (ở Vũ Phạm Hàm, Cầu Giấy) cũng có ý định cho con trải nghiệm khóa tu mùa hè. Tuy nhiên, chị đã thay đổi quyết định khi nghe một người bạn kể chuyện, trước đây anh định cho con đi tu 5 ngày nhưng đến ngày thứ 2 đã phải tới chùa đón con về.
"Qua câu chuyện của người bạn tôi mới hiểu, việc tập trung quá đông một nhóm trẻ xa lạ sẽ rất khó kiểm soát. Không ai biết, đứa trẻ khác tính cách thế nào và có thể làm gì với con mình", chị Thanh nói.
Khóa tu phải được đảm bảo an toàn về mọi mặt
Liên quan đến việc tổ chức khóa tu mùa hè, trao đổi với phóng viên Dân trí, Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Thông tin - Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết: "Từ đầu mùa hè năm nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có công văn yêu cầu các chùa nếu tổ chức khóa tu mùa hè cho các thanh thiếu niên thì phải đảm bảo các tiêu chí an ninh trật tự, an toàn về nơi ăn nghỉ, hoạt động tu tập, vệ sinh an toàn thực phẩm…
Đặc biệt, các chùa phải báo cáo với chính quyền sở tại để thực hiện khóa tu an toàn, văn hóa. Tùy theo điều kiện cơ sở vật chất mà thu nhận số lượng người tu phù hợp để đảm bảo phục vụ các cháu tốt nhất".
Cũng theo Hòa thượng Thích Gia Quang, khi tổ chức các khóa tu, các chùa không đặt ra bất cứ yêu cầu gì về chi phí. Tuy nhiên, nhiều nơi người dân vẫn tùy tâm công đức.
"Chúng tôi lưu ý các đơn vị phải tổ chức khóa tu văn minh, theo đúng tinh thần Phật giáo, không được lợi dụng khóa tu để sân si lợi ích riêng", Trưởng ban Thông tin - Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói.
Nói về ý nghĩa của các khóa tu mùa hè, Hòa thượng Thích Gia Quang chia sẻ, khóa tu mùa hè là dịp để các thầy, các nhà sư giáo dục đạo đức cho giới trẻ, hướng dẫn các cháu cách hành xử đối với gia đình, với xã hội và đất nước, làm thế nào để là một người con xứng đáng với công dưỡng dục của cha mẹ, làm sao cho xã hội được tốt đẹp…