Kiểm tra các khóa tu mùa hè sau vụ việc tại chùa Cự Đà
(Dân trí) - Ban Tôn giáo Hà Nội yêu cầu các chùa khi tổ chức khóa tu mùa hè phải đảm bảo điều kiện về nơi ăn ở và an ninh trật tự.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo Ban Tôn giáo TP Hà Nội cho biết Ban đã làm việc với Ban trị sự Giáo hội Phật giáo thành phố, UBND huyện Thanh Oai, về trường hợp một phụ huynh phản ánh con bị đánh tại khóa tu mùa hè ở chùa Cự Đà.
Đến nay, UBND huyện Thanh Oai đã dừng các khóa tu của chùa Cự Đà. Địa phương vẫn đang xác minh vụ việc để báo cáo lại Ban Tôn giáo thành phố.
Trước mắt, Ban Tôn giáo Hà Nội đã yêu cầu các quận huyện tổng hợp toàn bộ danh sách khóa tu tổ chức trong mùa hè 2023.
"Với các khóa tu đang hoặc sắp tổ chức trên địa bàn thành phố, Ban sẽ có đôn đốc, chỉ đạo rà soát kỹ về cơ sở vật chất, năng lực tổ chức. Nhà chùa cảm thấy chưa đủ điều kiện thì cần tạm dừng khóa tu lại", lãnh đạo Ban Tôn giáo Hà Nội chia sẻ.
Thời gian tới, Ban Tôn giáo Hà Nội cũng sẽ tổ chức đoàn kiểm tra công tác tổ chức khóa tu hè trên địa bàn thành phố, trong đó tập trung vào khóa tu có từ 200 khóa sinh trở lên.
Trước đó, ngày 7/6, Ban Tôn giáo Hà Nội đã có văn bản hướng dẫn gửi UBND các quận, huyện, thị xã và Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Hà Nội về việc tổ chức khóa tu mùa hè trên địa bàn thành phố.
Ban Tôn giáo Hà Nội đã yêu cầu trụ trì các chùa đăng ký kế hoạch tổ chức khóa tu với chính quyền địa phương, trong đó nêu đầy đủ thời gian, địa điểm, danh sách khóa sinh đăng ký, danh sách người phụ trách nội dung giảng dạy, điều kiện về nơi ăn ở, sinh hoạt; phương án đảm bảo an ninh, trật tự, vệ sinh thực phẩm, phòng chống cháy nổ...
"Không chấp thuận để các cơ sở tự viện chưa đủ điều kiện về cơ sở vật chất, quản lý tổ chức khóa tu hè", văn bản của Ban Tôn giáo Hà Nội nêu rõ.
Năm 2022, toàn thành phố Hà Nội có 53 khóa tu mùa hè, được tổ chức tại 32 ngôi chùa trên địa bàn 18 quận, huyện, thị xã, phục vụ cho khoảng 14.500 khóa sinh là các thanh thiếu niên.
Ban Tôn giáo Hà Nội cho biết khóa tu mùa hè là một hoạt động được Giáo hội Phật giáo Việt Nam khởi xướng từ năm 1999 nhằm giáo dục đạo đức, nhân cách, lòng hiếu thảo, yêu thương và trang bị kiến thức, kỹ năng sống.
Thời gian tổ chức khóa tu có thể là một ngày, 3 ngày, một tuần hoặc một tháng.