9X chỉ mẹo đi chợ ở Nhật với 100 nghìn, tiết kiệm gần tỷ đồng sau 3 năm

Hồng Anh

(Dân trí) - Phan Văn Sanh gây sốt với clip trổ tài đi chợ hải sản ở Nhật với giá dưới 100 nghìn đồng. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, anh từng phải trải qua chuỗi ngày khó khăn ăn đồ hết hạn, nhịn bữa trưa.

Tiết học cuối ngày vừa kết thúc, chàng du học sinh Nhật Bản Phan Văn Sanh vội vàng di chuyển tới chỗ làm.

Vì không có nhiều thời gian, nam thanh niên đành phải bỏ bữa trưa. Guồng quay hối hả cứ lặp đi lặp lại khiến Sanh tặc lưỡi chấp nhận. Cho đến khi anh phát hiện mình sút tận 12kg.

Đó là những tháng ngày nhọc nhằn khó quên của Phan Văn Sanh (SN 1996, quê An Giang) khi đi làm, đi học ở Nhật Bản. Anh gây sốt cộng đồng mạng với loạt clip "trổ tài đi chợ hải sản ở Nhật với giá dưới 100 nghìn đồng" cùng khả năng ăn nói hài hước, có duyên.

9X chỉ mẹo đi chợ ở Nhật với 100 nghìn, tiết kiệm gần tỷ đồng sau 3 năm - 1

Chàng trai 9X được biết đến với các clip giới thiệu hải sản Nhật Bản (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Tuy nhiên, đằng sau những điều người xem thường thấy, ít ai biết rằng, anh từng trải qua chuỗi ngày khó khăn ăn đồ hết hạn, nhịn bữa trưa để tồn tại ở xứ sở hoa anh đào.

Vỡ mộng những ngày đầu sang Nhật

Yêu thích Nhật Bản từ thời đi học cấp 3, Sanh mong muốn một ngày sẽ được học tập, làm việc và trải nghiệm ở đất nước này. Trước đó, chị gái anh đã đi xuất khẩu lao động ở Nhật. Điều này càng thôi thúc nam thanh niên đi du học để được "gần chị, gần em".

Sau 6 tháng học tiếng Nhật, Sanh đi xuất khẩu lao động với diện là thực tập sinh. Ngày sang Nhật, nam thanh niên vô cùng vui mừng vì sắp được đoàn tụ với chị gái sau nhiều năm không gặp. Nhưng ai ngờ, ngày anh bắt đầu cuộc sống nơi xứ lạ là ngày mà chị gái phải trở về nước do hợp đồng lao động kết thúc.

Hai người chỉ gặp nhau được vỏn vẹn 1 tiếng. Vui mừng kéo dài trong phút chốc thì cảm giác vô định kéo tới bởi những nỗi lo "cơm áo, gạo tiền" đến mất ngủ mà anh phải đối mặt những ngày sau đó.

Để sang Nhật, Sanh được gia đình hỗ trợ 200 triệu đồng mua vé máy bay, lo thủ tục giấy tờ và tiền học một năm. Sau khi chi trả hết các khoản này, Sanh còn phải xin thêm gia đình 60 triệu đồng để lo phí sinh hoạt trong vài tháng đầu.

Anh chia sẻ với Dân trí: "Ban đầu tôi cứ nghĩ sang đó có việc làm luôn và không sợ thất nghiệp. Ai ngờ chuyện tìm việc không hề dễ dàng. Trong khi đó, tiền vẫn phải tiêu. Tôi phải đóng 20 triệu đồng tiền nhà 3 tháng. Ngoài ra, tôi còn mua một chiếc xe đạp 6 triệu đồng và một số đồ lặt vặt".

Sau khi sắm sửa toàn bộ đồ dùng cần thiết cho cuộc sống hàng ngày, anh còn lại một số tiền ít ỏi. Suốt 2 tháng đầu, Sanh không có thu nhập.

Lúc đầu, anh làm công việc bán hàng ở 2 cửa hàng tiện lợi khác nhau do có bạn bè giới thiệu. Tuy nhiên, một người chủ chỉ trả lương đủ đóng tiền gas, người còn lại thì dùng vũ lực, đánh trực tiếp vào đầu anh buổi đầu đi làm. Ngay sau đó, Phan Văn Sanh quyết định nghỉ việc.

9X chỉ mẹo đi chợ ở Nhật với 100 nghìn, tiết kiệm gần tỷ đồng sau 3 năm - 2

Thanh niên An Giang chật vật chi tiêu trong hai tháng đầu sang Nhật (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Chia sẻ về khoảng thời gian khó khăn, bị chủ xúc phạm, anh nói: "Lúc ra về từ cửa hàng tiện lợi là lúc trời mưa lất phất. Tôi đạp xe trên đường mà nước mắt cứ tuôn rơi. Tôi áp lực không dám gọi về nhà trong vòng hai tuần. Lúc gia đình liên lạc được thì ai cũng khóc vì mừng…".

Một mình nơi xứ người, áp lực chồng chất. Khi không được tôn trọng, nỗi cô đơn như tăng lên gấp bội với Sanh.

Trong thời gian đó, Sanh nhiều lần muốn quay về Việt Nam để tìm một cơ hội mới cho bản thân. Nhưng kỳ vọng từ người thân quá lớn khiến anh không dám bỏ cuộc giữa chừng.

Chạy ngược, chạy xuôi tìm việc, cuối cùng nam thanh niên cũng xin được chân bán hàng tại một cửa hàng tiện lợi. Tháng đầu thử việc không lương cũng là lúc anh không còn đồng nào trong ví.

Không có tiền để mua thực phẩm hàng ngày, anh tận dụng ăn những đồ đã hết hạn trong cửa hàng. Vì thấy những đồ này không ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân nên anh thường xuyên mang về cất vào tủ lạnh để ăn hàng ngày.

Ngày nhận 16 triệu đồng tiền lương, 9X vỡ òa sung sướng. Anh dùng một nửa để trả tiền thuê nhà, tiền gas, điện nước. Nửa còn lại anh chi dùng cho ăn uống hàng ngày. "Hôm có lương, tôi phải đi siêu thị ngay lập tức vì trong tủ lạnh trống trơn", anh nhớ lại.

Những tháng tiếp theo, lương của chàng trai An Giang tăng dần lên. Dù tiền lương tăng nhưng Phan Văn Sanh vẫn chi tiêu rất tiết kiệm. Kết quả sau 3 năm vừa học vừa làm, anh tích góp được 600 triệu đồng và 100 triệu đồng tiền bảo hiểm, tổng là 700 triệu đồng.

Niềm vui từ việc săn đồ giảm giá

Để tiết kiệm chi phí và thời gian, hàng tháng, chàng trai sinh năm 1996 thường đi siêu thị xa nhà để tích trữ đồ ăn. Anh chi từ 1 đến 2 triệu đồng cho mỗi lần mua đồ. Thực phẩm Sanh thường mua là thịt, cá và rau, còn những đồ ăn khô như gạo, mỳ anh thường mua ở cửa hàng gần nhà. Nhiều lần, anh còn săn được đồ giảm giá, có những đồ giảm tới 50%.

9X chỉ mẹo đi chợ ở Nhật với 100 nghìn, tiết kiệm gần tỷ đồng sau 3 năm - 3

Sanh về nước ít năm sau đó lại quay lại Nhật Bản tiếp tục học tập.

Sau 3 năm ở Nhật Bản, Phan Văn Sanh quay trở về Việt Nam phụ giúp gia đình nuôi cá trên bè. Ước mơ được học tập một nghề tử tế khiến Sanh tiếp tục xin visa đi du học và may mắn thuận lợi mọi chuyện.

Hiện tại, Phan Văn Sang đang theo học ngành công nghệ ô tô và đi làm thêm tại một cửa hàng. Trong thời gian này, anh cũng dành thời gian để quay các video trên nền tảng tiktok. Nhờ có duyên ăn nói, anh đã thu hút hàng triệu lượt xem và yêu thích cho kênh của mình.

9X chỉ mẹo đi chợ ở Nhật với 100 nghìn, tiết kiệm gần tỷ đồng sau 3 năm - 4

Anh Sanh theo đuổi ngành công nghệ ô tô sau khi quay trở lại Nhật Bản (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Đối với những du học sinh Việt Nam có ý định du học trong thời gian tới, Phan Văn Sanh đưa ra lời khuyên cần phải tìm hiểu thật kỹ thông tin về nơi đăng ký hồ sơ và chọn ngôi trường phù hợp.

Ngoài ra, việc chuẩn bị tâm lý trước một vài tình huống bất ngờ cũng rất quan trọng, trước tiên là để đỡ bỡ ngỡ, sau là để thích nghi nhanh hơn với môi trường mới. Quan trọng nhất, các du học sinh cần chuẩn bị một vốn từ sơ cấp đủ dùng để có thể thuận tiện giao tiếp với người bản địa trong quá trình sinh sống và làm việc.

Đàm Yến

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm