Thanh Hóa:
8X rời phố thị về miền núi "đánh thức" du lịch cộng đồng
(Dân trí) - 10 năm trước, anh Hoàng Xuân Hải (SN 1983) rời bỏ thủ đô Hà Nội về Phả Ban (Bá Thước, Thanh Hóa) tìm hiểu, nghiên cứu về du lịch cộng đồng, sau đó "lôi kéo" bà con tham gia cùng anh.
Biến núi rừng thành điểm du lịch "săn mây", "đón tuyết"
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Thái Bình, năm 2009, trong một chuyến về miền núi xứ Thanh, anh Hoàng Xuân Hải phát hiện ra tiềm năng du lịch cộng đồng ở đây. Sau quá trình tìm hiểu, nghiên cứu, năm 2019, anh bắt tay vào thực hiện việc dựng nhà đặt những nền móng đầu tiên cho du lịch cộng đồng Phả Ban.
Phả Ban là bản thuộc xã Thành Sơn, huyện Bá Thước nơi giáp ranh với huyện Quan Hóa (Thanh Hóa), Tân Lạc, Mai Châu (Hòa Bình). Bản Phả Ban, thuộc vùng đệm của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông có hơn 70 hộ dân sinh sống. Bản còn giữ nguyên những nếp nhà sàn truyền thống, nằm trong thung lũng có khí hậu mát mẻ quanh năm; cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, hoang sơ của những cánh rừng nguyên sinh và được ví như Sa Pa của xứ Thanh.
Anh Hải chia sẻ, khi đến Phả Ban mình phát hiện có những dãy núi trải dài ẩn hiện trong làn sương mây bao phủ, nếu trở thành điểm du lịch sẽ thu hút rất nhiều bạn trẻ mê "săn mây", "đón tuyết" khắp nơi tìm đến. Ngoài ra, để vào được Phả Ban, sẽ đi qua những cung đường rất thú vị, uốn lượn, quanh co. Một bên là vách núi, một bên thoai thoải với những thửa ruộng bậc thang xanh mướt, những cánh rừng ngút ngát.
Không những vậy, đời sống sinh hoạt đậm đà bản sắc của dân tộc Mường gợi cho ai đến cũng có cảm giác nơi đây giống một vùng đất bình yên, trong lành và nên thơ; người dân bản địa chân chất, mộc mạc, thân thiện, thật thà. Đó là những điểm đặc biệt mà du khách sẽ thích thú khi tìm đến đây. Bởi vậy, mình nghĩ ngay đến việc nuôi ý định biến nơi đây thành mảnh đất du lịch.
"Bây giờ du khách đến với bản Phả Ban ngoài được ngắm những cảnh quan tuyệt đẹp, sẽ có những đêm đốt lửa trại, uống rượu cần, cùng giao lưu văn nghệ với điệu múa người Mường, khặp Thái với các thiếu nữ xinh đẹp trong trang phục dân tộc, tiếng nhạc cụ truyền thống làm mê đắm lòng du khách" - anh Hải chia sẻ thêm.
"Lôi kéo" bà con cùng làm du lịch
Theo anh Hải, gắn bó hơn 10 năm với nơi này, anh hiểu được sự khó khăn của đồng bào. Ở đây, người Mường chiếm 95%, còn lại là người dân tộc Thái và các dân tộc khác. Họ sống bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi, kinh tế không mấy khá giả.
Với suy nghĩ nếu "lôi kéo" được bà con cùng tham gia làm du lịch cộng đồng sẽ khiến cho kinh tế bà con được cải thiện, du lịch cộng đồng ở đây được "đánh thức".
"Bắt tay cùng người dân ở bản dựng nhà du lịch cộng đồng Palm House mình lắng nghe chia sẻ cùng bà con. Mình nói với bà con, Palm House sẽ là ngôi nhà đầu tiên để làm du lịch, sau đó sẽ nhân lên từ chính ngôi nhà bà con đang ở" - anh Hải kể lại.
Tiếp đó, anh kết nối những bạn trẻ nước ngoài tình nguyện hỗ trợ dạy anh ngữ cho người bản địa, không chỉ người lớn, thanh niên mà cho cả các em nhỏ. Mục đích anh hướng đến, đó là trong 1-2 năm tới ai ở Phả Ban cũng có thể làm được du lịch cộng đồng, có thể trở thành những hướng dẫn viên không chuyên bản địa. Có như thế, bà con mới không còn phải vào rừng tìm lâm sản, không phải đi tha phương cầu thực làm kinh tế.
Hiện nay, trong căn nhà Palm House, anh đã tạo công ăn việc làm cho 10 lao động, ngoài ra, còn có đội múa 7-8 người trình diễn những điệu múa xòe, khặp… mang bản sắc văn hóa của người Mường như những món ăn tinh thần gửi đến du khách.
Chị Vi Thị Dinh, người trong đội múa văn nghệ Phả Ban cho biết: "Chúng mình đang học anh Hải cách làm du lịch. Hy vọng du lịch cộng đồng ở Phả Ban phát triển để người dân bản bớt khổ, có thể kiếm tiền từ cách làm du lịch cộng đồng. Đội múa cũng rất chăm chỉ luyện tập và tìm tòi lại các bài hát, điệu nhảy của người dân bản xưa, hướng dẫn du khách cách trải nghiệm cuộc sống với thiên nhiên".
"Khi du khách đến với Phả Ban sẽ được người bản địa làm hướng dẫn viên dẫn đường, giới thiệu về bản, dẫn đi thăm bản lân cận khác. Ngoài ra, còn được khám phá hệ sinh thái phong phú của rừng Pù Luông hay tham quan vườn cam, quýt đặc sản của Thành Sơn; tham gia trải nghiệm các hoạt động lao động sản xuất cũng như đời sống sinh hoạt hàng ngày với người dân bản địa" - chị Dinh cho biết thêm.