7 bệnh dịch nguy hiểm nhất thế giới

(Dân trí) - Không chỉ khiến các tế bào chảy máu, nhiều bệnh dịch còn khiến người bệnh ngủ thiếp đi đến khi chết, hoặc xuất hiện giun trong các vết loét trên cơ thể.

1. Ebola

7 bệnh dịch nguy hiểm nhất thế giới - 1

Ebola lần đầu tiên xuất hiện là vào năm 1976 ở Zaire và Sudan. Các nghiên cứu cho thấy Ebola có nguồn gốc từ dơi ăn quả. Từ năm 2013 đến 2016, Tây Phi đã trải qua đợt bùng phát Ebola lớn nhất trong lịch sử, trong đó Liberia và Sierra Leone bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Khi virus Ebola đi vào cơ thể, nó sẽ tấn công các tế bào ở thành mạch máu, khiến các cơ quan nội tạng bị chảy máu.

2. Bệnh Kuru

7 bệnh dịch nguy hiểm nhất thế giới - 2

Kuru còn gọi là bệnh ăn thịt người hay bệnh cười vì một trong những triệu chứng đầu tiên là những tiếng cười điên dại từ những người mắc bệnh. Ban đầu, người mắc bệnh sẽ mất kiểm soát cảm xúc nhanh chóng, sau đó họ mất kiểm soát bản thân. Người bệnh sẽ rung lắc toàn thân và không kiểm soát nổi các chuyển động cơ thể của mình.

Bệnh mới được tìm thấy trong các thành viên thuộc bộ tộc Fore ở Papua New Guinea. Tại đây có truyền thống ăn thịt người thân trong đám tang. Căn bệnh này vô cùng hiếm gặp. Theo một nghiên cứu của đại học Curtin ở Úc, bệnh nhân Kuru cuối cùng đã chết vào năm 2009, và họ tin rằng bệnh dịch này đã hoàn toàn biến mất.

3. Bệnh Naegleria Fowleri

7 bệnh dịch nguy hiểm nhất thế giới - 3

Naegleria Fowleri còn được gọi là am amip ăn não, nó là một vi khuẩn thường sống trong các hồ nước và sông suối. Nó xâm nhập vào cơ thể qua mũi và tấn công não, ăn dần não cho đến lúc người bệnh bị chết.

Bệnh Naegleria Fowleri chủ yếu được tìm thấy ở các vùng có khí hậu nhiệt đới và khí hậu nóng, mặc dù vào năm 2013, một số trường hợp đã được phát hiện ở Hoa Kỳ, trong đó có một bé gái 12 tuổi ở Arkansas.

4. Bệnh giun Guinea

7 bệnh dịch nguy hiểm nhất thế giới - 4

Giun Guinea là một bệnh nhiễm ký sinh trùng gây ra bởi một loại giun tròn nếu người bệnh uống nước có nhiễm ấu trùng giun. Một năm sau khi bị nhiễm trùng, các mụn nước sẽ hình thành trên cánh tay và chân, gây đau đớn và sau đó vỡ ra để lộ ra một con giun nhỏ. Giun có thể tồn tại trong mô dưới da trong nhiều năm và chỉ có thể loại bỏ bằng cách rút nó ra từng chút mỗi ngày. Bệnh giun Guinea được tìm thấy ở một số vùng của Châu Phi như Ghana, Nigeria, Togo và Bờ Biển Ngà.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh giun Guinea hiếm khi gây tử vong, mặc dù bệnh tật kéo dài hàng tháng đến hàng năm, thường khiến bệnh nhân phải nằm liệt giường.

5. Bệnh sán lá gan châu Phi

7 bệnh dịch nguy hiểm nhất thế giới - 5

Bệnh sán lá gan châu Phi còn được gọi là bệnh ngủ gây ra khi bị ruồi giấm cắn. Một khi bị nhiễm bệnh, nạn nhân trở nên ngơ ngác và liên tục vấp ngã. Họ cứ ngủ thiếp đi, ngay cả khi đang đứng.

Khi bệnh bị nặng thêm, giấc ngủ trở nên dài hơn thậm chí kéo dài đến hôn mê, sau đó tử vong. Phát hiện sớm, bệnh có thể được điều trị bằng thuốc.

Có hai loại bệnh sán lá gan châu Phi. Đó là Trypanosoma brucei gambiense, xuất hiện ở 24 quốc gia ở Trung và Tây Phi. Thứ hai là Trypanosoma brucei rhodesiense, một loại ký sinh trùng được tìm thấy ở 13 quốc gia phía đông và nam châu Phi.

Các trường hợp mắc bệnh sán lá gan châu Phi đã giảm nhanh chóng trong 10 năm qua. Năm 2009, toàn thế giới phát hiện 10.000 trường hợp. Đến năm 2018 đã giảm xuống chỉ còn 997 trường hợp. WHO báo cáo rằng dịch lớn cuối cùng kéo dài từ thập niên 1970 đến 1990, và tổng số ca đã giảm 95% từ năm 2000.

6. Bệnh mù sông

7 bệnh dịch nguy hiểm nhất thế giới - 6

Bệnh mù sông gây ra bởi vết cắn từ ruồi đen bị nhiễm bệnh. Nó sẽ truyền một loại giun ký sinh có tên Onchocerca volvulus vào cơ thể và gây phát ban nghiêm trọng, ngứa dữ dội. Sau đó gây tổn thương mắt, có thể dẫn đến mù lòa.

Bệnh mù sông là phổ biến ở các ngôi làng châu Phi xa xôi gần các con suối hoặc dòng sông chảy xiết. Bệnh cũng xuất hiện ở Yemen, trên bán đảo Ả Rập và ở sáu nước Mỹ Latinh.

7. Bệnh loét Buruli

7 bệnh dịch nguy hiểm nhất thế giới - 7

Bệnh loét Buruli bắt đầu với một vết sưng tưởng như vô hại trên cánh tay hoặc chân. Từ đó, vi khuẩn Buruli phá hủy các mô khỏe mạnh và gây ra các vết loét nặng, dẫn tới hạn chế vận động khớp.

Vi khuẩn Buruli có cùng họ với vi khuẩn gây bệnh phong và bệnh lao. Thông thường, người bệnh sẽ phải phẫu thuật để loại bỏ các vết loát, tuy nhiên, năm 2005 đã có kháng sinh điều trị căn bệnh này.

85% các trường hợp loét Buruli xuất phát từ Bénin, Ghana, Cộng hòa Dân chủ Congo, Côte d'Ivoire và Cameroon. Bệnh đã được phát hiện ở 33 quốc gia, tính đến năm 2017, trên khắp Châu Phi, Châu Á, Trung và Nam Mỹ và Tây Thái Bình Dương.

Hữu Nguyên

Theo Wanderlust