Bạn đọc viết:

Xe buýt Hà Nội thiếu tính cạnh tranh

(Dân trí) - Chuyện thái độ phục vụ yếu kém của một bộ phận lái xe và bán vé trên các tuyến xe buýt đã manh nha từ năm 2005. Tuy nhiên, sau vụ lái và phụ xe bắt hành khách quỳ để xin xuống xe, có lẽ đấy chính là “giọt nước làm tràn ly”.

Không được lựa chọn

Tôi không phủ nhận rằng đội ngũ lái xe và bán vé vẫn có người phục vụ rất tốt. Tuy nhiên số “người tốt, việc tốt” hình như càng ngày càng giảm dần, còn số tiêu cực thì lại tăng nhanh chóng. Vậy nguyên nhân do đâu?

 

Nguyên nhân dẫn đến “căn bệnh” này đó là do hiện nay xe buýt Hà Nội thiếu hay dường như không có tính cạnh tranh. Đúng là sinh ra xe buýt là để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân chứ không phải là thỏa mãn “thị hiếu”. Đối với xe khách liên tỉnh, giả sử đi từ tỉnh A đến tỉnh B có 3 doanh nghiệp vận tải khai thác tuyến, chúng ta thấy trong 3 doanh nghiệp này mà doanh nghiệp nào biết “chiều khách” thì sẽ lựa chọn. Nhưng với xe buýt thì khác. Chẳng lẽ lại đợi tuyến mình mong muốn vì “phục vụ tốt”? Như thế đồng nghĩa với việc “muộn giờ”. Từ đó, dường như hiện tượng “độc quyền” đã nảy sinh - nhất là ở các tuyến có số lượng hành khách lớn (thậm chí kể cả giờ không cao điểm). Tức là muốn phục vụ thế nào thì phục vụ, hành khách cần xe buýt chứ xe buýt đâu có cần hành khách, đồng nghĩa với việc chẳng có tính cạnh tranh.

 
Xe buýt Hà Nội thiếu tính cạnh tranh - 1

Xe buýt Hà Nội luôn trong tình trạng quá tải

 

Những người đi xe buýt một vài điểm và nhất là đi xe ở trục đường Hà Đông - Nguyễn Trãi - Ngã 4 Sở hay Kim Mã - Cầu Giấy thì không nói do có nhiều lựa chọn. Nhưng với tôi và những người đi xe buýt với lộ trình dài (tôi là người đi gần hết lộ trình tuyến 22 để đổi xe khác) thì chẳng lẽ lại chờ xe nào mình hài lòng để đổi lấy muộn giờ?

 

Tạo sự cạnh tranh

 

Tôi nghĩ, không có hình thức nào hữu hiệu hơn để nâng cao chất lượng phục vụ bằng cách tạo ra tính cạnh tranh giữa các tuyến xe buýt với nhau và hơn nữa, phải tạo ra tính cạnh tranh giữa các xe trong cùng một tuyến. Cũng cần  lập thêm các số điện thoại mới: ví dụ như 1 số máy chuyên giải quyết những vấn đề còn tồn tại, cần phải giải quyết. 1 số máy để phản ánh gương người tốt việc tốt. Hành khách ngoài việc phản ánh những tật xấu thì cũng nên phản ánh những tấm gương người tốt việc tốt (có thể gọi điện thoại hay gửi email). Thậm chí, trên mỗi xe buýt nên có “Hòm thư góp ý” về chất lượng phục vụ.

 

Ở cấp vĩ mô, ở Tổng công ty vận tải Hà Nội và các đơn vị trực thuộc (Xí nghiệp Xe điện Hà Nội, Xí nghiệp xe buýt Hà Nội, Xí nghiệp Xe buýt Thăng Long, Xí nghiệp xe buýt 10 - 10, Trung tâm Hạ tầng vận tải công cộng, Công ty cổ phần Xe khách Hà Nội, Xí nghiệp Kinh doanh tổng hợp Hà Nội) và cả Công ty Bắc Hà lẫn Bảo Yến nên lập ra Quỹ “Gương người tốt việc tốt”. Cứ cuối tháng, hãy tổng hợp các ý kiến khách hàng để có biện pháp khen và THƯỞNG kịp thời để cho đội ngũ phục vụ tâm huyết với nghề. Khi đã xây dựng được văn hóa cạnh tranh thì tự khắc đội ngũ lái xe và bán vé biết phải làm gì. Vật chất quyết định ý thức mà!

 

Năm 2001, khi xe buýt Hà Nội bắt đầu hình thành và phát triển, tôi lúc đó rất ít đi xe nhưng thực sự thấy thái độ phục vụ ở thời điểm đó phải nói là “trên cả tuyệt vời”. Thậm chí có người còn “phán” vui đại ý là: “Ra Hà Nội mà không đi xe buýt thì chưa phải là ra Hà Nội”. Tôi nghĩ, một khi tạo ra sự cạnh tranh nội bộ, khi đó, hành khách sẽ được thoải mái trên từng chuyến xe. Với tôi, cho dù xe buýt có đông đúc, hơi bẩn một chút, chật chội hay “nhồi nhét” như thế nào đi nữa, nhưng nếu đó là chuyến xe văn minh lịch sự trong ứng xử thì dù có nóng bức đến mấy cũng thấy mát lòng. Thậm chí có tăng gấp đôi giá vé thì tôi vẫn vui vẻ móc ví ra mua.

 

Mong sao câu nói “Ra Hà Nội mà không đi xe buýt thì chưa phải là ra Hà Nội” sẽ trở lại. Để xe buýt mãi mãi là “bạn đồng hành” đối với mỗi người dân.
 
Trần Trung Hiếu