Xây nhà hát không phải là chuyện “lửa cháy ngang mày”
Xây dựng nhà hát giao hưởng có gì bất thường không mà phải “họp bất thường”? Nếu như họp bất thường thì TPHCM hãy dành cho những việc khẩn cấp khác như dự án 10.000 tỉ chống ngập đang bị ngập, sai phạm ở Thủ Thiêm phải giải quyết cấp bách để dân oan không oan thêm một ngày, còn xây nhà hát không phải là chuyện “lửa cháy ngang mày”.
Cho nên, Hội đồng nhân dân TPHCM họp bất thường và biểu quyết thông qua việc xây Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ Kịch có là bình thường không?
Nếu hỏi có cần xây nhà hát giao hưởng không thì bất cứ người dân nào cũng đủ hiểu biết để trả lời là cần, nhưng cái câu “đây là công trình thế kỷ, được nhân dân thành phố chờ đợi từ lâu” - như bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND thành phố đã nói liệu có thỏa đáng?
Bao nhiêu người dân TPHCM nói với quý vị là chờ đợi từ lâu, mời bà Chủ tịch HĐND TPHCM chứng minh, trước hội đồng, trước dân. Lựa chọn thời điểm này để họp bất thường, và thông qua dự án nhà hát 1.500 tỉ đồng trên đất Thủ Thiêm thì đã đánh mất hai chữ “nhân hòa”. Ở Thủ Thiêm, chuyện khẩn cấp không phải xây nhà hát, mà an dân, lo cho những hộ dân bị mất đất oan ức, chịu nhiều bất công trong 20 năm qua. Khi việc an dân đã định xong, mới tính đến chuyện khác. Xây nhà hát cũng là chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho dân, nhưng biết việc gì làm trước, việc gì làm sau, biết nơi cần rút bớt củi lửa.
Đừng lo hết đất xây nhà hát như ai đó nói, cứ quy hoạch khu đất này hoặc nơi nào khác phù hợp, làm công viên, trồng cây xanh, để là lá phổi nhỏ, phục vụ cho người dân vui chơi, tập thể dục. Khi nào đúng thời cơ “nhân hòa”, thì xây cũng chưa muộn.
Rất cần có một công trình văn hóa, kiến trúc tầm cỡ thế giới ngay tại thành phố này, không phải chỉ 1.500 tỉ đồng mà có thể nhiều hơn, nhưng không phải ngay hôm nay.
Hãy dành hết trí tuệ, tấm lòng để lo cho những hộ dân Thủ Thiêm bị ảnh hưởng do những sai phạm trong việc thực hiện dự án Khu đô thị Thủ Thiêm, cho họ có chỗ ăn, chỗ ở, con cái được ưu tiên học hành, có việc làm. Hãy thu xếp những ngổn ngang trong khu đô thị, những bức xúc của dân khi đó nhạc mới nghe lọt tai được.
Năm 1437, Vua Lê Thái Tông cử Nguyễn Trãi định ra lễ nhạc, ông đã chả từng nói: “Dám mong bệ hạ rủ lòng yêu thương và chăn nuôi muôn dân khiến cho trong thôn cùng xóm vắng không có một tiếng hờn giận oán sầu. Đó tức là giữ được cái gốc của nhạc”. Nay ngẫm lại thấy vẫn mới và trúng dù câu nói này đã có lịch sử non 600 năm!
Theo Lê Thanh Phong
Báo Lao động