Vun trồng, bồi đắp niềm tin vào thế giới quan khoa học
Một trong những yếu tố cơ bản góp phần làm nên phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên là niềm tin vào thế giới quan khoa học. Thế giới quan khoa học không chỉ trang bị cho cán bộ, đảng viên tình cảm cao đẹp, lý tưởng tiến bộ, niềm tin tích cực vào những giá trị văn minh của chế độ xã hội chủ nghĩa, mà còn giúp mỗi người không bị “lạc lối” vào thế giới siêu nhiên, huyền bí, phản khoa học.
Cảnh báo về một biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống
Nhân loại đang bước vào thập niên thứ hai của thế kỷ 21-thế kỷ của văn minh trí tuệ với đặc trưng là nền kinh tế tri thức đang trở thành xu hướng phát triển chủ đạo. Theo tiến trình lịch sử, khi xã hội càng văn minh, con người càng có cơ hội hiểu biết đầy đủ, nhận thức sâu sắc hơn về thế giới, tự nhiên và chính bản thân mình. Đó cũng là cơ sở giúp con người “giải mã” và không bị lệ thuộc vào thế giới siêu nhiên, huyền bí, không có thật trong đời sống xã hội.
Thế nhưng đang có một nghịch lý xảy ra. Tưởng như xã hội càng văn minh, tri thức khoa học càng phát triển, những biểu hiện sùng bái vào thế giới huyễn hoặc, “u u minh minh” sẽ ngày càng bị đẩy lùi lại phía sau. Tuy nhiên, hiện một bộ phận người dân và cán bộ, đảng viên vẫn bị ảo tưởng, lệ thuộc vào thế giới siêu nhiên huyền bí, phản khoa học, từ đó có những suy nghĩ, hành vi chưa phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc và đạo đức cách mạng. Số cán bộ, đảng viên này không những không đề cao trách nhiệm nêu gương trong thực hiện nếp sống văn hóa mới khi tham gia các hoạt động tín ngưỡng, mà còn có biểu hiện “mê tín dị đoan, vi phạm thuần phong, mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội”-một trong những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ ra. Trong thời gian gần đây, dư luận từng xôn xao ở một số địa phương xuất hiện một số nhóm tà đạo mang tên “Hội thánh đức chúa trời mẹ”. Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của một bộ phận người dân, trong đó có cả học sinh, sinh viên và số ít đảng viên ở cơ sở, nhóm tà đạo này dụ dỗ, lôi kéo họ từ bỏ cuộc sống hiện thực, từ bỏ phong tục tập quán thờ cúng tổ tiên, từ bỏ gia đình, công việc để về với “đấng linh thiêng”, về với “đức chúa trời mẹ”(!)…
Theo các chuyên gia văn hóa, mê tín dị đoan, đi theo tà đạo là một hiện tượng phản văn hóa, trái khoa học, không phù hợp chuẩn mực đạo đức cộng đồng. Một khi cán bộ, đảng viên sa đà vào mê tín dị đoan hay bị tà đạo huyễn hoặc, dụ dỗ không chỉ là hành vi đi ngược lại với thế giới văn minh, mà còn vô hình trung phủ nhận những giá trị khoa học tiến bộ của nhân loại, tự làm thui chột và mất động lực, ý chí phấn đấu của bản thân. Nguy hại hơn, thông qua những hành vi tín ngưỡng thiếu chuẩn mực của một bộ phận cán bộ, đảng viên-những người vốn có hiểu hiết xã hội và được Đảng, Nhà nước và nhân dân trao truyền quyền lực công và gửi gắm niềm tin-đã tác động tiêu cực đến môi trường văn hóa và các hoạt động tín ngưỡng, từ đó nuôi dưỡng, gieo rắc niềm tin mù quáng, thậm chí tiêm nhiễm thêm những thói hư, tật xấu cho một bộ phận người dân thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin.
Bền bỉ giáo dục và bồi đắp niềm tin tích cực, lành mạnh
Những biểu hiện, hành vi mê tín dị đoan, thể hiện niềm tin vào thế giới phản khoa học của một bộ phận cán bộ, đảng viên cần phải được ngăn chặn, giải quyết tận gốc. Bởi nếu để vấn nạn này tồn tại sẽ làm xói mòn các giá trị đạo đức văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tác động tiêu cực đến việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Một trong những việc làm cần tiến hành thường xuyên, bền bỉ là các cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường công tác giáo dục thế giới quan khoa học, giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục đạo đức, giáo dục truyền thống văn hóa, truyền thống lịch sử cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Giáo dục thế giới quan khoa học để cán bộ, đảng viên có tình cảm lành mạnh, có tri thức đúng đắn, có niềm tin sâu sắc vào tương lai tốt đẹp, ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa. Giáo dục chính trị tư tưởng để cán bộ, đảng viên (nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi) nhận thức sâu sắc những giá trị khoa học của chủ nghĩa duy vật biện chứng, từ đó bồi đắp niềm tin chân chính vào mục tiêu, lý tưởng cách mạng cao đẹp, không bị mê hoặc vào thế giới thần thánh, ma quỷ. Giáo dục đạo đức để cán bộ, đảng viên hiểu biết, thấm nhuần những giá trị tốt đẹp của con người, của xã hội, từ đó không bị lệ thuộc, ám ảnh vào những điều siêu nhiên, huyền bí, không có thật. Giáo dục văn hóa để mọi người nâng cao trình độ ứng xử văn minh, thấm sâu giá trị văn hóa làm người, biết chọn lọc những nét đẹp văn hóa của ông cha để thể hiện, hành động trong cuộc sống, sinh hoạt và công tác, đồng thời chủ động tránh xa tà đạo và mê tín dị đoan vốn là sản phẩm lỗi thời của xã hội lạc hậu. Giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng để cán bộ, đảng viên thấm thía rằng, chỉ có con đường tu dưỡng, rèn luyện, học tập trong thực tiễn phong trào cách mạng sôi động, phong phú và “tắm mình” vào cuộc sống cần lao của nhân dân mới thực sự đem lại niềm vui, động lực, tiền đề để mỗi người phấn đấu trưởng thành, qua đó góp công, góp sức vào sự vững mạnh của tổ chức, cơ quan, đơn vị và sự phát triển của đất nước.
Bên cạnh đó cần quan tâm quán triệt, phổ biến cho đội ngũ cán bộ, đảng viên nắm vững các quy định của Đảng, Nhà nước về việc xây dựng nếp sống văn hóa và thực hiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng. Trong Quy định số 47-QĐ/TW ngày 1-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Về những điều đảng viên không được làm”, có quy định đảng viên không được phép: “Mê tín, hoạt động mê tín (đốt đồ mã, hành nghề đồng cốt, thầy cúng, thầy bói); lập đền, miếu, nơi thờ tự của các tôn giáo trái phép; ủng hộ hoặc tham gia tôn giáo bất hợp pháp; tham gia các tổ chức do tôn giáo lập ra chưa được cấp có thẩm quyền cho phép”.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của đảng viên đã được quy định rõ tại Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng viên không chỉ có trách nhiệm nêu gương trong thực hiện, tuyên truyền và bảo vệ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; mà còn có nghĩa vụ tuyên truyền, vận động gia đình và nhân dân thực hiện đường lối, chính sách, pháp luật. Mỗi cán bộ, đảng viên phải là cánh tay nối dài của Đảng, Nhà nước trên mặt trận tuyên truyền, vận động gia đình, người thân và nhân dân nơi cư trú chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; đồng thời nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để xâm phạm lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và công dân.
Bày tỏ tình cảm, niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo là một nhu cầu chính đáng của nhân dân, trong đó có cán bộ, đảng viên. Nhưng khi cán bộ, đảng viên đi quá giới hạn cho phép, thể hiện thái độ, hành vi thiếu chuẩn mực trong hoạt động này thì cần nhắc nhở, uốn nắn kịp thời, nếu trường hợp nào sai phạm đến mức xử lý thì phải kỷ luật bằng các hình thức tương ứng với tính chất, mức độ, hậu quả sai phạm theo Điều 34 “Vi phạm về tín ngưỡng, tôn giáo” tại Quy định số 102-QĐ/TW ngày 15-11-2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.
“Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách: a) Biết mà không có biện pháp giáo dục, ngăn chặn để vợ (chồng) hoặc con cùng sống chung trong gia đình tham gia các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp, truyền đạo trái phép. b) Mê tín, dị đoan: Tổ chức lễ cầu lên chức; xem bói, xóc thẻ, nhờ thầy yểm bùa trừ tà ma và những việc mê tín, dị đoan khác. c) Có hành vi cưỡng ép, ngăn cản hoạt động tự do tín ngưỡng, tôn giáo hợp pháp của người khác”.
(Trích Khoản 1, Điều 34, Quy định số 102-QĐ/TW của Bộ Chính trị)
Theo Thiện Văn
Báo Quân đội nhân dân