Bạn đọc viết:

Vụ voi rừng dính bẫy: Cứu hộ vẫn chưa phù hợp

(Dân trí) - Sự mong manh của phận voi rừng tiếp tục được bạn đọc bày tỏ quan tâm thông qua nhiều phân tích nhận xét, cảnh báo. Trong đó, đa số nhấn mạnh sự thiếu chuyên nghiệp của ta trong công tác cứu hộ động vật hoang dã . Dưới đây là 2 ý kiến như vậy.

vụ voi rừng dính bẫy: Cứu hộ vẫn chưa phù hợp
Chú voi rừng bị dính bẫy đến chiều 11/5 đã di chuyển đến lâm phần trạm kiểm lâm 12 - VQG Yok Đôn (ảnh: Viết Hảo)

 

Tính mạng voi treo đầu sợi tóc

 

Nhân đọc bài Voi rừng dính bẫy vì đâu? đăng trên Dân Trí ngày 13/5, tôi thấy sau mấy ngày voi dính bẫy, chưa ai xác định rõ được. Nhưng đến mức “bộ phận vòi bị dính bẫy đang bốc mùi do hoại tử” mới được đoàn cứu hộ tìm bắt để cứu nhưng không được, theo tôi đã là quá muộn để giữ lại được mạng sống cho cá thể voi này.

 

Ngay hôm 8/5/2012, khi đọc tin này, tôi đã nhận định khả năng bắt được để cứu chữa cho con voi cái sập bẫy này là rất ít. Tôi cũng đã  góp ý kiến: Tính mạng con voi vẫn voi treo trên sợi tóc. Vì thế tôi xin được đề nghị tiếp mấy nội dung sau đây:

 

1.Theo kinh nghiệm mà từ 1976 tôi đã được đi theo và trực tiếp chứng kiến những cuộc đi săn voi hoang dã của các gru (thợ săn voi) ở Bản Đôn, tôi thấy anh Thành (quyền GĐ) chỉ thuê có 2 voi nhà với hai nài voi (quản tượng) với mấy người trong đội cứu hộ là hoàn toàn không hợp lý. Cần huy động thêm 3 đến 5 con nữa với các gru thiện xạ, trong đó phải có ít nhất một voi đực khỏe mạnh mới hy vọng bao vây được con voi cái.

 

Theo mô tả bằng số học và cả bằng ảnh của tác giả Viết Hảo, “chú voi hoang dã khoảng 6 đến 7 tuổi, nặng khoảng 7 tạ, chiều cao 1,2 mét, dài khoảng 3 mét này” - cho thấy  chiều cao của voi chỉ có 1,2 mét. Nhưng tôi nghĩ là số liệu có lẽ chưa chính xác so với tuổi và thân hình chú voi qua hình ảnh. Đây là con voi đực, đã có cặp ngà khá dài để nói lên rằng trên thực tế nó phải trên 7, 8 tuổi và cao hơn anh Hảo mô tả. Nó lại đang bị dính trên vòi - một trong những bộ phận nhạy cảm nhất của cơ thể voi đang bị hoại tử -  một cái bẫy. Như thế, chú voi này đã là chú voi thiếu niên gần trưởng thành, rất mạnh và dữ dằn. Cần phải tăng cường nhiều voi nhà như tôi nói ở trên là điều tiên quyết phải làm, mới hy vọng sớm khống chế được nó để mà cứu hộ. Cả tỉnh Đắc Lak hiện còn 52 cá thể voi nhà, trong số đó phần đông thuộc 2 huyện Buôn Đôn và huyện Lak. Vậy hà cớ gì mà chúng ta lại huy động chỉ có 2 con?

2. Không dùng biện pháp bắn gây mê vì lỡ xảy ra trường hợp xấu voi bị chết do lượng thuốc của các nhà khoa học định lượng có thể sai - quá liều - như trường hợp đã vô tình giết chết con bò tót ở gần sân bay Phú Bài (Huế) cách đây không lâu. Đó là đề xuất của tôi cách đây một tuần, khi chú voi mới được đoàn cứu hộ phát hiện và đuổi kịp này lần đầu tiên. Hơn một tuần trôi qua, con voi lâm nạn, bị thương đã di chuyển qua lại trên khoảng rừng rộng đến nhiều chục km2 trong điều kiện Tây Nguyên đầu mùa mưa. mà những người cứu hộ vẫn chỉ tính “sẽ mời chuyên gia bắn gây mê giải cứu voi rừng”, thì tôi cho đến khi các chuyên gia từ Sài Gòn vượt qua các khâu thủ tục hành chính để tới được Buôn Đôn với đoàn cứu hộ, chắc chú voi này đã chết như 2 chú voi xấu số chết thảm hồi mùa Thu năm ngoái cũng trong lõi Vườn Quốc Gia Yorkđôn rồi.

 

3. Như vậy, đã tới nửa tháng kể từ khi phát hiện con voi bị dính bẫy, công tác cứu hộ ngay trong Vườn Quốc gia vẫn chưa có kết quả. Sự chậm chạp này cho thấy công tác cứu hộ động vật hoang dã, quý hiếm của ta chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, vẫn mang tính hình thức và có lẽ chỉ dừng ở mức làm để... báo cáo.
 
Trước tình thế nguy cấp này, tôi đề nghị đoàn cứu hộ thực hiện ngay việc bắn thuốc mê nhưng với liều lượng rất ít so với định lượng của các chuyên gia của ta, chỉ nhằm mục đích làm suy yếu chú voi dính bẫy. Kết hợp với việc tăng cường thêm voi nhà như tôi dã trình bày ở trên, để bắt cho được con voi rừng lâm nạn này trong thời hạn sớm nhất.
 
Đừng để nó bị chết thảm!!!

 

(Hà Nội, 1g20 ngày 14-5-2013)

 

Trần Định (blog Tiếng nói Trần Gia): dinhtx121147@gmail.com
 
Đàn voi hoang dã tỉnh Đắk Lắk đang bị đe dọa (ảnh: Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk)
Đàn voi hoang dã tỉnh Đắk Lắk đang bị đe dọa (ảnh: Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk)

 

Cứu hộ hay truy đuổi?

 

Tội cho chú voi rừng Buôn Đôn dính bẫy từ hôm 7/5, cả tuần qua đau đớn, đói khát lại còn bị “truy đuổi” (không phải bởi mấy tay thợ săn độc ác, mà là bởi đội cứu hộ của trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk?)

 

Tôi nghĩ, nói truy đuổi quả không ngoa vì xem cách cứu hộ thì biết. Ai cũng hiểu rằng con thú khi dính bẫy lại bị trọng thương thì rất hung dữ, bất cứ động tĩnh gì đều gây cho nó phản ứng quyết liệt, huống hồ đây là một chú voi. Thế nhưng đoàn cứu hộ của Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk, tôi nghĩ là hình như lại không hiểu. Người ta điều 2 thớt voi nhà cùng đoàn người với xe cộ rầm rộ tiến đến chỗ chú voi bị nạn, hòng dùng voi nhà áp sát, khống chế bắt voi để tháo chiếc bẫy mắc ở vòi và ở chân, chẳng khác gì cảnh đi săn voi của đồng bào vùng này.

 

Kết quả là đã nhiều ngày trôi qua, chú voi gặp nạn thì vẫn phải trốn chui, trốn lủi, vết thương thì ngày càng trầm trọng thêm, còn những người đi cứu hộ thì mệt rã rời. Xem trên tivi thấy ở nước ngoài người cứu hộ động vật thật đơn giản, không hề rầm rộ, phô trương lực lượng. Vậy mà ở ta, tôi chỉ thấy thật buồn cho cách làm của các vị!

 

Cái giải pháp thích hợp nhất trong trường hợp này là bắn thuốc gây mê, thì ông giám đốc lại sợ vì lắm rủi ro? Để đến bây giờ, sau mấy ngày truy đuổi, áp sát không hiệu quả, mới tính đến phương án này. Thế nhưng, cái trung tâm nghe thật oách - Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk với những dự án bảo tồn voi tiền tỉ, vậy mà một khẩu súng bắn đạn gây mê cũng không sắm nổi ư? Để đến lúc nước sôi lửa bỏng như thế này lại phải chờ các chuyên gia về động vật hoang dã của Thảo cầm viên TP.HCM lên trợ giúp?

 

Ông Giám đốc trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk còn cho hay: trong vài ngày tới Trung tâm sẽ huy động thêm voi từ khu du lịch Bản Đôn tham gia giải cứu voi rừng bị nạn. Một cuộc truy đuổi rầm rộ và quyết liệt sắp bắt đầu. Chẳng biết đến lúc đó chú voi tội nghiệp có còn đủ sức mà chạy trốn nữa không?

 

Theo tôi nghĩ, cứu hộ kiểu ấy, voi không chết mới là lạ!!!

 

(ngày 11/5/2013)

 

Nguyễn Duy Xuân