1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Thành phố Thủ Đức

Đắk Lắk:

Voi rừng dính “bẫy” vì đâu?

(Dân trí) - Không chỉ bị đe dọa từ việc mất dần sinh cảnh do sự phá rừng ào ạt của con người, voi hoang dã Đắk Lắk đang bị rình rập bởi một mối nguy hiểm khác là từ các tay săn thú “ngang nhiên” mang súng săn, bẫy thú đi lại trong Vườn quốc gia Yok Đôn.

Sẽ mời chuyên gia bắn gây mê "giải cứu" voi rừng

Mấy ngày qua dư luận đang “nóng” lên thông tin một chú voi hoang dã khoảng 6 đến 7 tuổi, nặng khoảng 7 tạ, chiều cao 1,2 mét, dài khoảng 3 mét được phát hiện bị dính bẫy thú ở vòi chiều ngày 7/5, di chuyển luẩn quẩn ở tiểu khu 453, lâm phần Ban quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn. Sau khi nhận được tin báo, Vườn quốc gia Yok Đôn đã phối hợp với Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk huy động 2 voi nhà, 4 nài voi, 1 xe ô tô chở thức ăn (mía, chuối) và hơn 10 cán bộ, bác sỹ thú y… tổ chức vào rừng “giải cứu” chú voi. 

Voi rừng dính “bẫy” vì đâu?
Chú voi rừng bị dính bẫy đến chiều 11/5 đã di chuyển đến lâm phần trậm kiểm lâm 12 - VQG Yok Đôn. (Ảnh: Viết Hảo).

Trưa ngày 8/5, đoàn cứu hộ đã tiếp cận được chú voi rừng và cho triển khai công tác cứu hộ bằng cách dùng 2 voi nhà, cùng 4 nài voi giàu kinh nghiệm cố gắng áp sát voi rừng để tháo gỡ chiếc bẫy nhưng chưa một lần áp sát thành công. Cuộc truy đuổi bất thành, tưởng chừng có lúc đoàn cứu hộ mất dấu chú voi vì voi rừng tháo chạy rất nhanh (đây là bản tính của voi rừng) khiến công tác cứu hộ có lúc rơi vào bế tắc. Trước tình hình này, đoàn cứu hộ đã thống nhất phương án cho “tiếp viện” thêm một voi nhà tại Bản Đôn (huyện Buôn Đôn) có khả năng thiện chiến, sức bền, di chuyển liên tục trong nhiều giờ và được cầm trịch bởi một nài voi “kỳ cựu” tại địa phương.

Sau 4 ngày theo chân voi rừng, đến chiều 11/5, ông Trần Văn Thành - quyền giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn - cho biết, chú voi rừng đã di chuyển đến lâm phần của trạm kiểm lâm số 12 - Vườn quốc gia Yok Đôn, đoàn cứu hộ vẫn đang theo sát nhưng vẫn chưa thể tháo chiếc bẫy. Thời gian cứu hộ bằng phương pháp áp sát, tiếp cận từ voi nhà kéo dài, trong khi vết thương của voi rừng đã bắt đầu hoại tử, có nguy cơ đe dọa tính mạng. 

Do vậy, phương án mời các chuyên gia của Thảo cầm viên TP.HCM để bắn gây mê đã được tính đến. Trong trường hợp voi nhà không khống chế được voi rừng dính bẫy, các chuyên gia sẽ bắn gây mê chú voi, dự kiến sau khi tháo chiếc bẫy, đoàn cứu hộ sẽ thả chú voi về rừng. Thông tin này được ông Trần Văn Thành - quyền giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn cho biết vào chiều 11/5.

Tuy nhiên, việc bắn gây mê luôn tiềm ẩn bất trắc nằm ngoài ý muốn, PGS.TS Bảo Huy - Trường Đại học Tây Nguyên - người có nhiều năm nghiên cứu về voi, chủ nhiệm Dự án Bảo tồn voi Đắk Lắk được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt năm 2010, cho rằng, liều thuốc khi bắn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, cân nặng… bên cạnh đó còn phụ thuộc vào tình hình sức khỏe của voi rừng. Điều này cho thấy các chuyên gia chắc chắn đã tính toán rất kỹ trước khi triển khai phương án này.

Mong manh phận voi

Rừng bị “bứt tử” khiến sinh cảnh sống bị thu hẹp, voi hoang đã lũ lượt kéo về tận nương rẫy vô hình chung tạo cơ hội cho các tay thợ săn ngày đêm rình rập trong rừng. Còn nhớ, cuối tháng 8/2012, tại tiểu khu 257, trạm kiểm lâm số 11 (địa bàn hành chính xã Ea Bung, huyện Ea Súp) 2 voi rừng bị hạ sát dã man để lấy ngà (phần đầu bị đục tung) nhưng đến nay cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra thủ phạm. Bằng chứng mới đây nhất là đêm 29/4, Kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn đã phát hiện 2 đối tượng ngang nhiên mang ô tô, 1 khẩu súng quân dụng được độ chế thành súng săn vào Vườn quốc gia Yok Đôn săn bắn động vật hoang dã. Ngay sau đó, kiểm lâm đã lập biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện và gần 20kg thịt thú rừng.

Sau vụ đôi voi rừng bị kẻ gian xuống tay hạ sát, vị quyền giám đốc VQG Yok Đôn - Trần Văn Thành từng thẳng thắn nêu quan điểm: “Hiện nay tất cả động vật rừng ở nước ta đều quý hiếm chứ không phải một số con quy định trong sách đỏ của nghị định 32. Theo tôi nghĩ, nếu người dân vào rừng săn bắn thú rừng nghĩa là đã đủ yếu tố khởi tố vụ án, người dân vào rừng cưa gỗ không nên phải đủ số lượng, khối lượng mới có thể xử lý”. 

Đàn voi hoang dã tỉnh Đắk Lắk đang bị đe dọa. 
Đàn voi hoang dã tỉnh Đắk Lắk đang bị đe dọa. (Ảnh: Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk).

Còn về việc bẫy thú của thợ săn, chiều 11/5, vị quyền giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn tuy không nói cụ thể số bẫy thú mà thợ săn “giăng” ở vườn, nhưng khẳng định kiểm lâm của vườn vẫn thường bắt gặp, thu giữ trong lúc đi tuần tra.

Xung đột giữa voi và người tại huyện Ea Súp chưa lúc nào gay gắt như hiện nay, đã có một nạn nhân tại xã Ea Lê (huyện Ea Súp) bị voi rừng quật chết tại chỗ trong lúc vào rừng đào mai. Mới đây nhất, trên các trang báo lại “nóng” lên thông tin hơn 20 con voi rừng kéo các vùng canh tác hoa màu của bàn con các xã Ia Lốp, Ia J’lơi (huyện Ea Súp) kiếm ăn, rồi phá tan hoang 8ha hoa màu làm người dân vốn lo lắng, lại càng lo lắng hơn. 

Voi rừng kiếm ăn gần các điểm dân sinh rồi sụp nước chết là chuyện có thật. Điển hình nhất, ngày 18/3/2013, một cá thể voi rừng 2 đến 3 tháng tuổi, giống đực, cân nặng 50 đến 60 kg trong lúc theo đàn kiếm ăn đã ngạt nước chết tại khu vực hồ Ea Súp Thượng, tiểu khu 289, thuộc xã Cư M’lanh, huyện Ea Súp. Trước đó ít tháng, tháng 12/2012, lực lượng kiểm lâm VQG Yok Đôn phát hiện một voi con hoang dã khoảng 1 đến 2 tháng tuổi chết tiểu khu 290, thuộc trạm kiểm lâm số 7 – Vườn quốc gia Yok Đôn.

Theo kết quả khảo sát và kiểm định thống kê sinh học của nhóm tác giả nghiên cứu Trường Đại học Tây Nguyên, năm 2009, số lượng voi hoang dã tại Đắk Lắk có khoảng 80 đến 110 cá thể. Phạm vi phân bố gồm: huyện Buôn Đôn (VQG Yok Đôn, Ban quản lý phòng hộ Buôn Đôn); huyện Ea Súp (Ya Lốp, Ea H’Mơ) và huyện Ea H’Leo.

Tuy nhiên, mấy năm gần đây, năm nào tỉnh Đắk Lắk cũng có ít nhất 2 đến 3 con voi rừng bị chết. Theo PGS.TS Bảo Huy - bản chất việc voi chết là do không có quy hoạch khu bảo tồn voi tự nhiên, từ đó PGS.TS Bảo Huy cho rằng, việc làm ngay lúc là tiến hành quy hoạch ngay khu bảo tồn voi tự nhiên, bên cạnh khu vực VQG Yok Đôn, khu ngoài VQG Yok Đôn gồm các vùng: Ya Lốp, Ea H’Mơ - phía Bắc huyện Ea Súp - hành lang nối với VQG Yok Đôn; một phần xã Ea Bung (huyện Ea Súp) giáp với VQG Yok Đôn cũng cần được quy hoạch.

Voi chết, việc cứu đàn voi Đắk Lắk thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng đã được vạch ra cụ thể, nhưng Dự án bảo tồn voi Đắk Lắk vẫn đang ì ạch. Ông Phạm Văn Láng - Phó giám đốc phụ trách mảng voi hoang dã Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk - khi trao đổi với PV Dân trí, cho biết, Dự án bảo tồn voi Đắk Lắk giai đoạn 2012-2020 được gửi ra Bộ NN&PTNT thẩm định từ tháng 10 năm 2012 để trình Thủ tướng nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt. “Để thực hiện dự án bảo tồn voi phải có nguồn vốn, trung ương phải phê duyệt dự án đã khi đó mới nói đến nguồn kinh phí. Hiện nay tỉnh vẫn đang cung cấp kinh phí để nuôi bộ máy bảo tồn voi”, ông Láng nói.

Viết Hảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm