Vụ sập cầu treo ở Lai Châu: Nỗi oan của con ốc

Khi clip về vụ sập cầu Chu Va kinh hoàng ở Lai Châu được đưa lên mạng, có lẽ bất cứ người xem nào cũng sốc nặng.

Thật khó để nói chừng đó con người tham dự một đám tang đi qua, và chiếc cầu treo đứt lật nghiêng quăng cả người sống lẫn người chết xuống dòng suối cạn lốc nhốc đá.

Câu chuyện đáng bàn xung quanh thảm họa cầu treo là cái cách giải thích nguyên nhân vụ sập cầu, rằng “số lượng người đi trên cầu vượt quá tải trọng 1,5 tấn” - cái cách mà chính Cục trưởng Quản lý chất lượng và công trình giao thông (Bộ GTVT) Trần Xuân Sanh cũng cho rằng: “Thời điểm này mà đặt vấn đề do người dân đi quá đông là phản cảm. Trước hết phải xem xét chất lượng cầu. Khi chất lượng có vấn đề, tuỳ theo kết quả mà xem trách nhiệm của đơn vị thiết kế, giám sát hay thi công”.

Xin cảm ơn sự tế nhị của ông Sanh, một quan chức có trách nhiệm của Bộ GTVT. Bởi đó không chỉ là sự tế nhị. Chẳng có sự tế nhị nào khi cách giải thích giống y với sự đổ vấy trách nhiệm lên những người đang còn nằm trong bệnh viện, trách nhiệm cả với những người đã mất. Bởi ngay trong câu chuyện tải trọng 1,5 tấn, chính các chuyên gia cầu đường đã xác định 1,5 tấn là tải trọng thiết kế trên mỗi mét dài. Chứ nếu là tải toàn bộ thì trên mỗi mét chỉ là 1,5/54 = 0,028 T/m = 28 kg/m, mức tải trọng, nói chua chát “chỉ cho gián, hoặc cùng lắm là chuột đi qua cầu”. Và còn bởi chừng nào mà những người có trách nhiệm chỉ nhìn thấy lỗi của người dân thì chừng đó, thảm họa vẫn cứ còn tiếp tục xảy ra.

Hôm qua, tổ điều tra tai nạn của Bộ GTVT và UBND tỉnh Lai Châu được thành lập, và, cái mà các quan chức cũng như những người còn sống có thể nhìn thấy bằng mắt thường là ngay đầu dây cáp gắn với hố neo, chiếc tăng đơ bằng sắt - ốc nối giữa cáp với hố neo, to bằng cổ chân người lớn đã “đứt đôi như gạch vỡ”. Chính từ điểm đứt gãy này, cáp bị lôi đi làm nghiêng mặt cầu, hất văng toàn bộ người trong đám tang xuống cầu, gây ra một hậu quả là “một đám tang nhân lên thành nhiều đám tang”.

Nhưng sẽ thật oan ức cho con ốc nếu đó chính là nguyên nhân gây ra thảm họa thảm khốc. Con ốc không tự mình bớt xén. Con ốc không tắc trách. Và nếu con ốc có miệng, nó hẳn sẽ phải bảo rằng chẳng còn ký lạng lương tâm con người nào trong những con ốc ấy.

Điều gì sẽ xảy ra khi vụ tai nạn thảm khốc được nhìn nhận bằng việc con ốc nối “ngẫu nhiên đứt đôi như gạch vỡ” hay cả cây cầu treo sập đổ vì một đám tang vài chục người?

Thật không dám tưởng tượng nữa!

Theo Đào Tuấn
Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm