Viwasupco: Cấp nước sinh hoạt bẩn cho dân và 21 lần vỡ ống sông Đà
Cấp nước sinh hoạt nhiễm dầu cho người dân, Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) đang phải đối mặt với sự lên án từ phía dư luận. Trước đó, doanh nghiệp này cũng từng lao đao khi đường ống sống Đà vỡ tới 21 lần ảnh hưởng cuộc sống của hàng nghìn hộ dân.
Bê bối nước sạch tại Viwasupco
Những ngày qua hàng vạn người dân đang sinh sống tại các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội... đang lo lắng khi nước sinh hoạt bốc mùi lạ. Nguồn nước sinh hoạt này do công ty Viwasupco cung cấp.
Trong khi người dân đang lo lắng cho sức khoẻ của gia đình khi sử dụng nước bẩn, thì Viwasupco lại ra thông báo cho biết sẽ tiến hành kiểm tra và có kết quả sau 7 ngày.
Trong khi đó, một số người dân tại xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình cho biết từ 21h ngày 8.10 quanh khu vực suối đầu nguồn gần nhà máy nước sạch Sông Đà xuất hiện dầu nhớt đã qua sử dụng, có mùi khét rất khó chịu.
Trước sức ép của dư luận, đại diện công ty nước sạch sông Đà cho biết doanh nghiệp đã báo cáo sự việc đến Công an tỉnh Hòa Bình khi xảy ra sự việc, vào ngày 10.10,
Tuy nhiên, lời giải thích này của lãnh đạo công ty lại không nhận được sự đồng tình của dư luận. Nhiều người dân cho rằng, Viwasupco đã "cố tình che giấu thông tin", cho đến khi người dân và báo chí phát giác ra thì lãnh đạo doanh nghiệp mới lên tiếng.
Trong khi ông Nguyễn Văn Tốn - Tổng Giám đốc Viwasupco khẳng định nước có hàm lượng clo cao chứ không có độc tố thì sáng 15.10, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch TP Hà Nội cho biết: Do không kiểm soát tốt nên dầu phế thải mà người dân đổ xuống suối đầu nguồn đã chảy vào hệ thống lọc nước của nhà máy và tạo ra mùi bất thường nói trên. TP Hà Nội sẽ có công văn gửi tỉnh Hòa Bình đề nghị cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm của Viwasupco.
Trước đó, Viwasupco cũng từng dính bê bối khi đường ống nước sông Đà vỡ 21 lần, ảnh hưởng cuộc sống của 177.000 hộ dân khiến ban lãnh đạo của công ty này và một số lãnh đạo trực thuộc các công ty của Vinaconex bị truy tố. Ông Hoàng Thế Trung, nguyên giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà, cựu chủ tịch Viwasupco bị tuyên án 24 tháng tù.
Doanh nghiệp vẫn lãi khủng, trả lương cao
Bất chấp những bê bối trong quá khứ, doanh thu và lợi nhuận của Viwasupco tăng trưởng đều trong các năm qua.
Năm 2018, lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp công ty đạt 218 tỉ đồng, tăng 28,6% so với năm 2017 và đạt 117% so với kế hoạch năm. Theo lãnh đạo doanh nghiệp, lợi nhuận tăng là do doanh thu bán nước sạch tăng 13,2% tương ứng 54 tỉ đồng. Chi phí lãi vay giảm 51,6% tương ứng với 6 tỉ đồng so với năm 2017.
Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019, nước sạch Sông Đà vẫn có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ, doanh thu thuần đạt gần 264 tỉ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 126,5 tỉ đồng tăng 31% so với nửa đầu năm 2018 và vượt 68% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm mà đại hội cổ đông giao phó.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên, tại thời điểm 30.6.2019, Viwasupco có 1.477 tỉ đồng tổng tài sản, tăng 125 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Vốn chủ sở hữu cũng tăng lên 1.023,6 tỉ đồng vào cuối tháng 6.
Với kết quả kinh doanh thuận lợi, Viwasupco đã thông qua phương án trích sử dụng lợi nhuận để lại của năm 2018 để công bố chi cổ tức với số tiền 75 tỉ đồng và đã quyết định tạm ứng 2% cổ tức năm 2019.
Ngày 9.9 vừa qua, Viwasupco đã chốt danh sách cổ đông thực hiện chi tạm ứng cổ tức đợt 2 năm 2019 bằng tiền tỉ lệ 8%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận về 800 đồng. Như vậy, Viwasupco chi khoảng 60 tỉ đồng tạm ứng cổ tức đợt này cho cổ đông. Tổng cổ tức mà cổ đông Viwasupco nhận được năm 2019 là 10% bằng tiền mặt.
Năm 2018, những vị trí chủ chốt của doanh nghiệp được trả thù lao không hề nhỏ. Theo đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị được trả hơn 1 tỉ/năm, Tổng giám đốc công ty được trả gần 1 tỉ đồng/năm, các vị trí trong doanh nghiệp cũng nhận lương không nhỏ.
Theo Thiên Bình
Báo Lao động