Từ chuyện cựu sếp giáo dục Sơn La đối diện án tử
Một kỳ thi trung học phổ thông, tỉnh Sơn La có nhiều cán bộ phải ra tòa. Điều đáng nói là có những cán bộ đối diện với mức án tử hình. Thật đau lòng khi điều đó xảy ra trong ngành giáo dục của đất nước.
Một kỳ thi trung học phổ thông, tỉnh Sơn La có nhiều cán bộ phải ra tòa. Điều đáng nói là có những cán bộ đối diện với mức án tử hình. Thật đau lòng khi điều đó xảy ra trong ngành giáo dục của đất nước.
Vụ nâng điểm cho 44 thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 ở Sơn La chuẩn bị đưa ra xét xử. 8 người phải hầu tòa về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ.
Về nhóm bị can có hành vi đưa và nhận hối lộ, đáng chú ý là Lò Văn Huynh (cựu phó trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo), Cầm Thị Bun Sọn (cựu phó trưởng phòng Chính trị Tư tưởng), Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng) bị cáo buộc phạm tội Nhận hối lộ.
Với số tiền nhận hơn 1 tỉ đồng, hai bị can Nga và Huynh bị truy tố tới mức tử hình. Có lẽ lần đầu tiên, có cáo trạng truy tố mức tử hình trong ngành giáo dục.
Chỉ một kỳ thi, ở một tỉnh nghèo miền núi, cán bộ trong ngành giáo dục có thể khai thác để kiếm tiền tỉ. Vì tiền, họ phá nát nền khoa cử và nền giáo dục của nước nhà.
Nhìn rộng ra, họ phá hoại cả xã hội. Bởi vì, những "sinh đồ ba quan" này vào trường đại học, cướp mất cơ hội của những người có thực học. Người đạt điểm thi thật, học lực thật lại bị tước đoạt chỗ ngồi trong trường đại học, mất cơ hội tiến thân. Đây là sự bất công rất lớn.
Rồi những người này dùng tiền để ra trường, dùng tiền và quyền của cha mẹ để kiếm một vị trí công tác. Tương lai đất nước sẽ như thế nào khi có nhiều cán bộ "trưởng thành" bằng sự gian dối thì ai cũng biết, khỏi cần phải nói.
Nhưng có một điều chưa được làm rõ, cũng có thể bị nhấn chìm, đó là không phải chỉ kỳ thi năm 2018, mà còn những kỳ thi khác, đã từng có những cuộc mua bán, gian lận thi cử. Người có hành vi vi phạm vẫn nhở nhơ ngoài vòng pháp luật, những "sinh đồ ba quan" vẫn đang tung tăng trong các trường đại học, cũng có thể nhiều người từng gian lận thi cử, nay đang chễm chệ trên những chiếc ghế quan quyền.
Giáo dục là quốc sách, ai cũng nói được điều đó, nhưng thực tế cho thấy còn quá nhiều tồn tại làm nguy hại đến quốc sách này và gian lận thi cử là một điển hình.
Gian lận ở một kỳ thi quốc gia, gian lận bằng cấp xảy ra ở một số trường đại học, gian lận trong học vị, học hàm. "Hiền tài là nguyên khí quốc gia", và thật không may khi "hiền tài" bị thay thế bởi những kẻ bất tài đi lên bằng sự dối trá, nguyên khí quốc gia bị hao tổn.
Vụ án gian lận thi cử ở Sơn La như một tiếng chuông cảnh tỉnh đối với nền giáo dục nước nhà.
Theo Lê Thanh Phong
Báo Lao động