Công chức nói “không” với dân lập, tại chức: Nhìn từ nhiều phía
(Dân trí) - Câu chuyện trường tư trường công luôn là đề tài nhận được sự quan tâm từ dư luận, và việc tỉnh Nam định mới đây thông báo không tuyển SV dân lập, tại chức vào công chức đã làm nóng hơn vấn đề này dưới góc nhìn từ nhiều phía.
(ảnh minh họa - nguồn ảnh: internet)
“Tôi rất đồng tình với quyết định của tỉnh Nam Định. Quyết định này đã được Tỉnh uỷ, UBND tỉnh thông qua nên đây là quyết định cao nhất của địa phương về xét tuyển công chức. Tôi hy vọng nhiều tỉnh, thành khác cũng có được quyết định như vậy. Và cũng thành thật chia buồn với các bạn cử nhân, kỹ sư đã từng học dân lập và tại chức ra trường. Các bạn nên chấp nhận vì đầu vào của các bạn quá thấp, chất lượng đạo tạo của các bạn cũng vậy, nhất là Tại chức. Cũng phải nói với các bạn rằng, Tỉnh Nam Định cũng chỉ không lấy các bạn vào công chức, còn viên chức và doanh nghiệp Nhà nước và nhiều loại hình cơ quan, doanh nghiệp khác đang đón chào các bạn. Từ Quyết định của Tỉnh Nam định, tôi hy vọng rằng Tỉnh sẽ chọn được đội ngũ công chức có trình độ, năng lực và thực sự là công bộc của nhân dân” - Nguyễn Biên Cương: daicuong261280@yahoo.com ủng hộ.
Dưới góc nhìn của một người làm giáo dục Tran Bach: bachtran80@gmail.com ý kiến: “Tôi là một giảng viên đại học của một trường ĐH chính quy tại Hà Nội, tôi cũng tham gia giảng dạy tại chức tại một số trường ĐH dân lập và tại chức cả khu vực phía bắc và phía nam. Chất lượng sinh viên các trường dân lập và tại chức thế nào tôi thừa hiểu, có lẽ không nên gọi các sv tốt nghiệp ở các trường này là yếu, mà còn hơn thế. Những người có khả năng thật sự từ các trường này còn hiếm hơn lá mùa thu. Nếu dân lập vẫn tạm chấp nhận được thì tại chức không nên chấp nhận. Và tôi cũng đề nghị Bộ GDĐT cần xem lại hệ thống đào tạo tại chức tràn lan hiện nay trên cả nước”.
“Xem điểm tuyển sinh của DH dân lập và tại chức thì trả lời được tại sao người ta không nhận. Với đầu vào quá kém như vậy mà làm công chức thì lại gây phiền hà cho người dân thôi. Bây giờ thấy vào đại học quá dễ, đại học tại chức lấy có 6 điểm mà thật ra toàn người bận rộn có học hành gì đâu, cứ đến kỳ thi là phong bì cho thầy, còn dân lập thì đủ chuẩn là vào. Các bạn bênh vực cho đại học DL, TC nhưng làm công chức là người của nhà nước thì lúc đầu phải giỏi đã, làm gì có trường Y dân lập vì nếu lấy đầu vào như vậy bệnh nhân chết hết” -đỗ dũng: đotungungbrvt@yahoo.com nêu quan điểm.
“Cải cách hành chính. Loại bỏ lao động kém chất lượng ra khỏi khu vực hành chính công. Tuyển dụng lao động tốt. Mạnh dạn thực hiện cái hay cái mới để cải cách, cải thiện bộ máy điều tiết kinh tế xã hội ... và từng bước đi lên (nói gọn là thay máu) thì việc làm trên là cần thiết.
Trình độ học vấn thấp, con ông cháu cha, chạy tiền ... mới chạy vào khu vực nhà nước để không làm gì cũng hưởng lương. Uổng công cho bao người khác trong khu vực nhà nước và dân đóng thuế để nuôi.
Còn việc không tuyển dân lập trong khu vực Nhà nước cũng có cắt nguồn sống của một bộ phận nhỏ học dân lập có trình độ đâu. Họ vẫn có thể làm cho các doanh nghiệp tư nhân với mức đãi ngộ tương xứng. Tôi là một công dân ở Lào Cai, chả có gì liên quan nhưng tôi vẫn ủng hộ quyết định này. Hy vọng sẽ lan rộng ra tất cả” - tuongdl: daolytuong@yahoo.com bày tỏ.
“Việc tuyển dụng là quyền của mỗi cơ quan. Từ thực tế và kinh nghiệm thực tiễn mà cơ quan mình có được nên Nam Định ra quyết định như vậy là điều dễ hiểu đối với giáo dục Đại học hiện nay. Kì thi tuyển sinh vừa qua cho thấy gì, chất lượng đầu vào ở các trường Dân lập cực thấp, nhưng đầu ra thì sao? Loại giỏi và khá đa số, trong khi cơ sở vật chất thiếu và giảng viên thì chủ yếu là thỉnh giảng. Khó có thể so sánh giữa một sinh viên trung bình ở trường Công lập (Kiến Trúc TP HCM (tỷ lệ khá giỏi 3%), Bách Khoa TPHCM, Kinh tế TPHCM...)và một sinh viên giỏi ở một trường dân lập. Một sản phẩm tốt thì cần một nguyên liệu đầu vào tốt, một dụng cụ sản xuất tốt và một môi trường thuận lợi” - Lê Nguyễn: chotrenthangnam8487@yahoo.com nhận định.
“Tôi là nhà tuyển dụng, tôi có quyền yêu cầu về bằng cấp đối với người dự tuyển. Đây là việc làm chứ không phải tổ chức từ thiện mà đòi hòi mọi thứ phải như nhau. Các công ty thậm chí còn yêu cầu bằng khá, giỏi là đằng khác. Tại sao phần lớn trong công ty và cơ quan nhà nước đều là bằng cấp chuyên tu với tại chức, cái đó mới là lệ thuộc bằng cấp. Hoan nghênh Nam Định và Đà Nẵng, hi vọng các địa phương khác cũng lấy đó làm gương” - pharmacist207@yahoo.com: pharmacist207@yahoo.com dưới góc nhìn của người trong cuộc.
Bên nói không
Và bên nói không cũng đưa ra những minh chứng mà họ cho rằng việc từ chối dân lập, tại chức vào công chức của tỉnh Nam định là quá vô lý. Đa phần đều đặt câu hỏi tại sao cấp phép Đại học Dân lập ồ ạt giờ lại “chê” rồi việc thi công chức là tìm người có tài chứ không phải người có bằng chính quy,...?
“Theo tôi nghĩ, khi tổ chức thi công khai, minh bạch hóa như hiện nay thì không nên phân biệt dân lập hay công lập, hãy dựa vào trình độ thật sự của thí sinh. Có làm như vậy mới mong “diệt” được nạn chạy bằng cấp. Chỉ có việc mờ ám trong việc tuyển sinh hoặc có sự chạy chỉ tiêu nào đó ở đây thì người ta mới phân biệt dân lập và công lâp.
Ở các nước phát triển thì các trường dân lập được đầu tư rất lớn, chất lượng giáo dục cao, sinh viên ra trường có thể làm ngay được, ví dụ như ở Việt Nam là đại học FPT vậy. Ở Việt Nam, Chính phủ đang đặt ra mục tiêu nâng cao chất lượng, trình độ của công chức, lấy hiệu quả công việc là trên hết. Do vậy, cần tuyển những người làm được việc chứ không nên tuyển những người có bằng công lập mà chẳng làm được việc gì” - Hong: nguyenlienhong@gmail.com viết.
Cho rằng việc tuyển chọn được người tài, người giỏi là do nhà quản lý, người tuyển dụng chứ bằng cấp không có tội, vì vậy không thể vì cái bằng mà khiến SV Dân lập mất cơ hội thử sức mình,HT: tuyengl@gmail.com nêu: “Dân lập cũng như công lập, cũng có những SV có trình độ khá, giỏi, có kỹ năng thực tiễn và cũng có những sv kém. Vì vậy, đó là trách nhiệm của Bộ Giáo dục, của nhà quản lý chứ không phải của sv. Phải cho sv dân lập công bằng như sv công lập. Riêng đối với sv tốt nghiệp đại học tại chức thì phải xem lại, không thể đánh đồng sinh viên tại chức với chính quy. Đã nói là "tại chức" thì phải đi làm rồi, đi học để nâng cao trình độ, để làm việc tốt hơn chứ sao lại phải xin tuyển dụng nữa?. Đó cũng chính là câu hỏi đối với các nhà quản lý, với Bộ Giáo dục về quy chế tuyển SV tại chức. Hệ tại chức mà cứ tốt nghiệp 12, chưa đi làm ngày nào cũng vào học được thì cần phải cân nhắc và xem lại”.
“Nếu quá trọng bằng cấp thì đừng cho ra đời các trường dân lập. Tôi cũng là một công chức và cũng từ một trường dân lập ra nhưng tôi thấy khả năng của mình làm việc chẳng thua một công chức có bằng công lập nào nếu không nói là tốt hơn. Nếu nói không tuyển công chức đối với SV có bằng dân lập thì chẳng khác nào đem con bỏ giữa chợ chăng. Không thể hiểu nổi việc tỉnh nghĩ như thế nào về cảm giác của sv của tỉnh khi đang theo học ở các trường dân lập” - Lê Văn Bằng: levanbangcntt@yahoo.com bức xúc.
“Nếu đem so sánh giữa bằng công lập và dân lập hay tại chức đôi khi cũng là một cách so sánh quá khập khiễng và khiên cưỡng. Học Đại học công lập, dân lập hay học hệ tại chức chưa hẳn đã nói lên được kết quả, chất lượng giữa những tấm bằng này mà điều quan trọng, yếu tố quyết định ở đây là chất lượng của người học. Nếu như tỉnh Nam Định đem so sánh những tấm bằng công lập với dân lập và tại chức để xét thi tuyển công chức thì điều đó thật là vô lý và vô hình chung nó đang “ghẻ lạnh” những đứa con mà do chính họ đẻ ra.
Tôi đồng ý với quan điểm là phải tuyển chọn những người có đức, có tài, có trình độ chuyên môn vào làm việc trong các cơ quan hành chính Nhà nước, nhưng không phải đem vấn đề phân biệt hình thức đào tạo ra làm điều kiện, căn cứ để xét thi tuyển công chức” - Trần Đình Toàn: trandinhtoanhn@yahoo.com.vn chia sẻ.
Trần Bách