Bạn đọc viết:
Truyện Tấm Cám: Sửa truyện hay sửa cách dạy-học?
(Dân trí) - Nếu ta “cởi trói” được tư duy dạy và học thì Tấm Cám vẫn có thể hiện diện trong SGK như trước. Còn học sinh bình luận gì về các nhân vật thì hãy để các em cảm nhận, đánh giá và tự đưa ra cách ứng xử hợp lý trong cuộc sống.
Thời gian gần đây tôi thấy có nhiều bàn cãi xung quanh cái kết truyện cổ tích này. Người muốn sửa, người không muốn sửa, người muốn giữ lại trong sách giáo khoa, người muốn loại bỏ khỏi chương trình giảng dạy.
Chúng ta vốn đã quen với cách dạy học áp đặt từ lâu nên mới xảy ra những tranh cãi như trên. Tôi nhớ ngày đi học, dù phân tích tác phẩm văn học nào thì cuối cùng thầy cô cũng đi đến kết luận là những gạch đầu dòng, ý chính, ý phụ cần phải nhớ để đi thi, để làm bài kiểm tra đạt điểm cao.
Vì sao ư? Các thầy cô đã có barem điểm được hướng dẫn trước, cứ chiểu theo các ý trong chương trình hướng dẫn dạy cho giáo viên mà chấm. Nếu phân tích mà sai đi, chắc chắn không được điểm cao, nếu phân tích có ý hay hơn mà thiếu các ý chính cũng không được điểm cao.
Trong khi đó, em tôi học phổ thông tại Mỹ thì được thầy cô giao cho tác phẩm hoặc một chùm tác phẩm để đọc và tự đưa ra đánh giá. Khi các em có ý trái ngược nhau sẽ đưa ra các luận cứ, luận điểm để bảo vệ cho ý kiến của mình, hình thành kỹ năng đánh giá đa chiều và cởi mở. Cách học này cũng áp dụng cho nhiều môn khác như lịch sử, khoa học tự nhiên… Tôi nghĩ là với phương pháp học cởi mở đó, khả năng sáng tạo, nghiên cứu của các em được phát triển không ngừng.
Còn ở ta thì sao? Đã là Tấm thì nhất thiết phải gắn với sự ngợi ca rằng cô hiền lành, chịu thương chịu khó, đã là Cám thì nhất định là xấu, là ác. Học sinh nói khác đi ư? Điểm kém nhé, bởi barem điểm của thầy cô là cố định theo hướng dẫn của Bộ! Chỉ có giáo viên bản lĩnh mới dám phá cách mà thôi.
Học sinh ngày xưa như tôi dễ bảo (cũng có thể tôi dễ bảo, hiền lành) nên không hề có cảm giác Tấm là xấu, cũng không có ý niệm rằng hành động trả thù của Tấm là dã man và càng không mảy may ý nghĩ là sẽ trả thù người làm hại mình một cách dã man như thế!
Còn học sinh ngày nay tiếp cận với nhiều chiều tư duy, nhiều thông tin nên không dễ bảo như vậy. Các em không dễ bảo vì các em có cá tính hơn, thông minh hơn. Khi gặp những học sinh hay bắt bẻ, nhiều thầy cô bị dị ứng hoặc không lập luận lại được. Bởi lẽ họ được tập huấn là bài này phải dạy thế này, nếu sai đi là sai sách và bị phê bình nếu giờ đó có người dự giờ.
Do đó, nếu chúng ta “cởi trói” được tư duy dạy và học thì Tấm Cám vẫn có thể hiện diện trong sách giáo như từ trước đến nay. Còn các em học sinh bình luận gì về các nhân vật Tấm, Cám thì hãy để các em cảm nhận, đánh giá và tự đưa ra cách ứng xử hợp lý trong cuộc sống của riêng các em.
Hạ Hương