Đề tài “Tấm Cám” lại sôi động qua góc nhìn bạn đọc

(Dân trí) - Dù được đem ra bàn luận, chỉnh sửa nhiều lần nhưng cái kết của truyện Tấm Cám có vẻ vẫn là "ẩn số". Quan điểm mới đây thể hiện qua bài “Truyện Tấm Cám - Một cách nhìn khác”, lại khơi dậy cuộc luận bàn sôi nổi quanh chủ đề cũ mà mới này.

Áp đặt suy nghĩ, nên chăng?
 

Lê Thị Ái - Nữ - 19 tuổi - Từ Thừa Thiên - Huế viết: “Cách phân tích của tác giả không hay cho lắm. Đúng là bạn nhìn nhận cái đoạn kết rất có lí, nhưng câu chuyện mình nghĩ không có hàm ý sâu sắc đến thế đâu. Đừng quên câu chuyện này chỉ đưa vào chương trình phổ thông thôi, các em học sinh chưa có cái nhìn sâu đến thế. Thêm nữa, với cách hiểu câu chuyện như thế thì ta đã phủ nhận toàn bộ nội dung câu chuyện từ đầu tới cuối, làm mất hoàn toàn hình tượng nhân vật Tấm đã được xây dựng rất đẹp. Đúng là khi đọc lại, mình giật mình với cái đoạn kết câu chuyện, nên nghĩ có thể chỉnh sửa lại đoạn kết để câu chuyện không tạo ra mâu thuẫn trong tính cách nhân vật. Vì câu chuyện này rất hay và được các bạn biết đến từ khi còn rất nhỏ, nên việc bỏ câu chuyện ra khỏi chương trình học không phải là ý kiến hay đâu.

 

“Vật chất sinh ra ý thức. Các Mác đã nói thế còn gì. Theo tôi thì nên giữ nguyên cốt truyện như nguyên bản của nó. Thay vì chỉnh sửa nội dung làm cho tam sao thất bản, các nhà giáo hãy phân tích cho học sinh hiểu được hết các khía cạnh của câu truyện. Từ đó mà rút ra được những bài học cho chính bản thân mình. Đó cũng là 1 cách giáo dục vậy” - Long Vân - Nam - 22 tuổi - Từ Hà Nội nhận định.
 
Đề tài “Tấm Cám” lại sôi động qua góc nhìn bạn đọc - 1

(ảnh minh họa - nguồn ảnh: internet)
 

 “Xét về truyện Tấm Cám tôi cũng có đôi điều chia sẻ: Nhân vật Tấm ở đây là tức nước vỡ bờ. Một con người bị mưu hại nhiều lần mà không đứng lên chống lại như vậy mới gọi là hiền sao? Một dân tộc bị nhiều lần xâm hại mà không đứng lên chống lại để ngoại bang xâm chiếm hay sao? Tấm phải đấu tranh. Có điều cách đấu tranh hay phải là đưa ra xét xử hai mẹ con nhà Cám. Nhưng trong truyện cổ tích thì hình như như vậy làm mất hay, mất kỳ bí thì phải. Nên tôi chưa thấy truyện cổ tích nào có cách xử như vậy, thường để trời, thần xử hoặc người giết, con vật ăn thịt. Vì vậy có lẽ truyện Tấm Cám cũng không nằm ngoài lệ đó. Nên theo tôi đó không phải là sự tha hoá của quyền lực. Đó là điều tất yếu phải làm, có điều mỗi người có một cách đấu tranh mà thôi” - Thu Hang - Nữ - 28 tuổi - Từ Hưng Yên phân tích.

 

“Theo mình cốt truyện đã có từ bao đời này là hợp lí , không nên chỉnh sửa làm gì vì đó là nét đặc sắc mà mỗi người cần phải suy ngẫm. Không lí do gì mà ông cha ta lại để lại cho con cháu 1 cốt truyện không có nghĩa, đó là những ý nghĩa mà mỗi người nhìn nhận trên một phương diện khác nhau. Theo đoạn cuối bài báo cũng là 1 phương diện hợp lí . Còn thực sự 1 tác phẩm hay và nổi tiếng của dân tộc ta tồn tại được đến nay theo cách nhìn của những nhà văn trẻ bây giờ là không có lí, thì thử hỏi tại sao trước đó bao nhiêu nhà văn lỗi lạc đã từng đi qua phải chăng họ chưa đọc được truyện Tấm Cám bao giờ? Còn nếu đọc rồi sao họ vẫn để truyện Tấm Cám tồn tại như vậy đến bây giờ ...” - lưu minh thắng - Nam - 21 tuổi - Từ Hải Phòng nêu quan điểm.

 

“Tôi thấy truyện Tấm Cám tồn tại trong dân gian, phản ánh đúng tư duy, quan niệm thiện - ác của người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam: hiền lành thật đấy, nhưng cái ác chèn ép quá đáng là phải dũng cảm diệt trừ cái ác tận gốc. Trong truyện Tấm Cám phản ánh đủ cả BI - TRÍ - DŨNG. Cô Tấm là một nhân vật dân dã, ở hiền thì gặp lành. Cô Tấm có đức độ nên vẫn được ông Bụt hiện ra giúp đỡ. Ông Bụt hay còn gọi là ông Phật. Các cụ ngày xưa gọi ông Bụt là phiên âm từ "Buddha" tiếng Phạn (Ấn Độ cổ). Về sau, người Việt Nam có thói quen gọi ông Phật là dịch từ tiếng Hán (Trung Quốc). Trong giáo lý nhà Phật, chúng sinh trong luân hồi phải biết bảo vệ cái thiện, phát triển cái thiện. Trong các ngôi chùa ở miền Bắc Việt Nam, hình tượng của hai vị Hộ pháp thiện - ác là lời nhắc nhở rằng: hãy bảo vệ cái thiện và diệt trừ cái ác. Nhờ có trí tuệ mà chúng ta phân biệt được thiện - ác. Thấy ác mà làm ngơ thì là thiếu TRÍ - DŨNG, gặp ác thì có thể nhân nhượng, bao dung để hòa giải, nếu cái ác tiếp diễn thì dũng cảm ra tay diệt trừ cái ác tận gốc. Do đó, ba đức tính BI - TRÍ - DŨNG của cha ông ta đã "in dấu vết" trong cả chuyện Tấm Cám. Cô Tấm không phải là một vị Thánh, nên không cần sửa đoạn kết. Người Việt Nam qua bao thăng trầm từ thủa hồng hoang đến nay, bản chất hiền lành chịu đựng và dũng cảm đấu tranh với cái ác. Hãy cứ tôn trọng nguyên bản gốc của truyện Tấm Cám để tôn trọng lịch sử!” - Bạch Tầm Xuân - Nữ - 36 tuổi - Từ Hà Nội nhấn mạnh.

 

“Tôi đồng ý với tác giả bài viết. Câu truyện đã từng tồn tại như vậy thì hãy để nguyên nó như vậy. Thay đổi cốt truyện dù cho là chỉ ở cái kết cũng sẽ làm nảy sinh "mâu thuẫn thế hệ" khi cha mẹ kể chuyện cho con nghe theo trí nhớ của mình, con cái thời nay sẽ cho rằng bố mẹ đang bịa chuyện vì không giống với chúng được học ở trường. Còn nếu giữ nguyên cái kết thì sợ trẻ sẽ bị ảnh hưởng xấu về cách "xử nhau" tàn bạo, dã man như thế. Xã hội hiện tại vốn đã có nhiều bạo lực tồn tại đến ghê rợn rồi. Vì vậy phải phân tích rõ khi giảng dạy là điều cần thiết, và giữ nguyên cốt truyện cũng như lịch sử đương nhiên là không thể thay đổi. Mong các nhà làm giáo dục lưu ý chọn lọc để luôn có những thế hệ biết yêu thương trân trọng lịch sử và sống nhân ái, bao dung” - Le Phuong - Nữ - 30 tuổi - Từ Bắc Ninh có chung quan điểm với tác giả bài báo "Truyện Tấm Cám - Một cách nhìn khác" Bùi Hoàng Tám.

 

Ngược lại, Chu Huong - Nữ - 25 tuổi - Từ Tp.Hồ Chí Minh viết: “Theo cách suy nghĩ của tác giả Tám, tôi thấy không hợp lý và có phần suy diễn, sai lệch trong việc phân tích kết thúc của truyện. Cả truyện là cả quá trình đấu tranh giữa cái thiện và ác. Kết thúc truyện, cái ác bị trừng trị đích đáng, đúng như mong muốn của người xưa và người thời nay. Vì sao Tấm lại giết Cám dã man đến vậy. Hành động đó là sự đồng tình của cha ông. Tấm đại diện cho suy nghĩ của ông cha, đại diện cho người thực thi công lý. Cái ác phải bị diệt trừ tận gốc. Quay lại cách suy diễn của tác giả Tám, bản chất của cô Tấm là lương thiện, tốt đẹp. Ông cha ta không hề nhắn nhủ trong truyện rằng, quyền lực cộng sự ngu dốt làm tha hóa bản chất con người. Ông cha ta chỉ nhắn nhủ, cái thiện luôn đúng, luôn thắng thế, phải hành động sao cho thiện. Chỉ thế thôi. Chúng ta đang áp đặt suy nghĩ của chúng ta trong thời đại mới, trong xã hội mới trong khi vấn đề tâm lý con người cực kỳ phức tạp và mạch truyện là theo suy nghĩ thuần phác của cha ông. Kết thúc truyện chỉ là cách thể hiện sự hả hê sung sướng khi cái thiện đã chiến thắng hoàn toàn cái ác. Tóm lại, theo tôi vẫn đưa vào chương trình dạy học bình thường, và dạy cho các em biết cuộc sống phải luôn nhìn về cái thiện, và không khoan nhượng cho tội ác”.

 

Không nhất thiết phải đưa vào SGK

 

Bùi Huệ Chi - Nữ - 26 tuổi - Từ Hà Nội cho rằng: “Truyện Tấm Cám từ xưa đến nay nội dung chính là ca ngợi cô Tấm và phê phán cô Cám. Người viết lại nói đến sự tha hóa của cô Tấm, phải chăng là sự chủ quan và hơi lệch lạc?Về ý nói cô Tấm là không có học, theo quan điểm tôi: Những câu chuyện dân gian đều bắt nguồn từ những câu chuyện, những ước muốn của người nông dân vất vả. Sao có thể đưa sự có học và vô học ở đây? Tấm Cám là một câu chuyện chủ yếu răn dạy người đời: người tốt sẽ có phúc, gặp dữ hóa lành. Còn người ác sẽ phải chịu quả báo. Những hình phạt mà cô Cám phải chịu đó chính là ước muốn của người dân lao động xưa kia, muốn trừng trị cái ác. Chúng ta hãy nhìn nhận câu chuyện theo cách mà người xưa vẫn nhìn. Đừng biến hóa, phân tích, mổ xẻ sai lệch đi. Đó là câu chuyện truyền miệng thì hãy để là câu chuyện truyền miệng, đời trước kể lại cho đời sau. Theo tôi không nhất thiết phải đưa vào SGK, mà đưa vào các tuyển tập kho tàng truyện VN thì hơn”.

 

giangchien - Nữ - 30 tuổi - Từ Lào Cai đề xuất: “Tôi nghĩ nên bỏ truyện ra khỏi sách giáo khoa khi còn nhiều tranh cãi. Từ nhỏ tới lớn tôi luôn nghĩ cô Tấm là người thảo hiền, đại diện cho cô gái Việt Nam chịu thương chịu khó... Đọc bài viết của bạn Bùi Hoàng Tám tuy có khía cạnh đúng, nhưng vô tình đã làm mất đi hình ảnh đẹp của cô Tấm trong lòng bao thế hệ. Truyện là thể truyện cổ tích do người xưa truyền lại có thể đã bị thay đổi... Vậy tại sao chúng ta không thay đổi để cho câu chuyện đúng hơn để con cháu chúng ta có hiểu hình ảnh trong sáng của cô Tấm như thế hệ ông bà chúng ta”.

 

Poeme - Nữ - 24 tuổi - Từ Hà Nội gay gắt:“Tôi không đồng ý với tác giả bài viết. Tấm sau khi trở thành hoàng hậu vẫn đối xử rất tốt với mẹ con Cám chứ không có chuyện vì vinh quang phú quý mà vội trở mặt. Chỉ khi tiếp tục bị hại, bị giết hết lần này tới lần khác mới trở nên ác như vầy. Truyện cổ tích thường có cái kết hậu, người tốt được hạnh phúc còn kẻ ác bị trừng phạt, vấn đề sẽ đơn giản hơn nếu điều trừng phạt đến từ 1 thế lực siêu nhiên (trời phạt, gặp vận đen, ác giả, ác báo ...) Theo tôi không nên đưa truyện vào SGK, vì cơ bản thể hiện quan điểm trong vấn đề này rất khó, ngay thậm chí cả những người lớn ở đây còn chưa đưa ra 1 quan điểm chung, vậy hỏi phải dạy lũ trẻ ra sao. Bạn viết bài viết này, nếu bạn đang học lớp 10 thì tôi sẽ cho bạn điểm 8 hoặc 8,5 về lối tư duy sáng tạo của bạn. Nhưng bạn - với cương vị là 1 người làm báo, 1 người viết cho xã hội học theo - thì với quan điểm của tôi, tôi chỉ cho bạn điểm 2 vì sự phiến diện và tương đối vật chất trong bài viết”.

 

Tương tự,huong - Nữ - 28 tuổi - Từ Hà Nội phản biện: “Tôi đã đọc nội dung bài viết của Bùi Hoàng Tám và thấy không đồng tình với một số suy nghĩ của bạn. Khi bạn nói về Tấm của ngày xưa thì đúng, nhưng khi bạn phân tích Tấm của hiện tại thì tôi không đồng tình bởi lẽ: Ngày xưa Tấm cũng được làm Hoàng hậu rồi đấy thôi, tại sao khi đó Tấm không bị quyền lực che mắt, mà khi về giỗ bố vẫn trèo lên hái cau và bị chết. Chỉ có thể hiểu rằng sau những lần chết đi và được sống lại, Tấm đã hiểu đâu là người tốt và đâu là người xấu. Đúng là cái kết của câu chuyện không hợp với người Việt Nam và càng không hợp với một cô gái như Tấm. Tôi nghĩ nên thay đổi cái kết của câu chuyện. Ví dụ như sau khi nhìn thấy chị trở về cùng Vua, Cám thấy xấu hổ và bỏ khỏi hoàng cung trong một đêm mưa gió và đã bị sét đánh chết. Khi mẹ Cám biết tin con mình chết thì đau khổ và cô đơn rồi chết theo. Tóm lại là phải làm cho hai mẹ con họ chết như vậy người đọc mới không bị ức chế, vì theo như phim Bao Thanh Thiên đó, giết người là phải đền mạng. Đó là những dòng suy nghĩ của tôi, còn nếu mà phân tích như bạn trong bài viết trên thì ý nghĩa câu chuyện lại không còn đúng nghĩa nữa. Và như vậy thì trong chuyện không còn lại ai là người tốt nữa. Còn một chi tiết nữa tôi thấy đó là ông Vua. Vua thì phải có quyền lực, tại sao ta không nghĩ đến việc để Vua xử tội mẹ con Cám. Nói chung là tôi vẫn nghĩ nên thay đổi cái kết, hãy để hình tượng cô Tấm luôn trong sáng và thánh thiện trong mắt trẻ em hiện nay”.

 

“Tôi không đồng tình với ý kiến của tác giả về luận điểm Tấm bị tha hóa bởi quyền lực và trở nên độc ác. Tại sao lại như vậy? Nên nhớ đến cuối truyện đoạn Tấm ở cùng bà lão, hình ảnh nhân vật Tấm vẫn là một cô gái hiền lành nết na, nhân hậu. Vậy không có cơ sở để nói càng về sau nhân vật Tấm bị quyền lực tha hóa trở nên độc ác. Về đoạn kết của truyện, tôi cho rằng ông cha ta chẳng ẩn ý gì cả đâu. Đơn giản là cái Thiện trừng phạt cái ác. Còn chúng ta cho rằng nó dã man, nó tàn bạo, đi ngược lại truyền thống nhân ái của người Việt Nam là vì chúng ta nhìn nó bằng con mắt của người hiện đại. Nên nhớ rằng thời phong kiến người ta còn ngũ mã phanh thây, làm phản thì tru di cả tam tộc, cửu tộc, ăn cướp thì chặt tay, ngoại tình thì thả trôi sông. Thời đó người ta coi hình thức trả thù này là bình thường. Ngày nay chúng ta không thể chấp nhận điều đó được nữa. Thế nên, tốt nhất câu chuyện này không nên để giáo dục nhân cách con người. Còn để giáo dục cho học sinh về bối cảnh của xã hội cũ thì được. Xin cảm ơn! (Thành from Tokyo)” - Thành - Nam - 21 tuổi nêu quan điểm của mình....
 

Trần Bách

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm