Trăn trở trước những mặt trái của xã hội

(Dân trí) - “Gần đây liên tục xuất hiện những bài viết về các quan chức “có vấn đề” Cô gái chết đuối khi “nhậu” cùng lãnh đạo VKS, Phó Ban Phòng, chống tham nhũng in chức danh trên thiệp cưới của con, CSGT mãi lộ... tôi thực sự lo lắng” - Trần Văn Quận: haiquansontra@yahoo.com chia sẻ.

Bên cạnh đó, độc giả này cũng bày tỏ nỗi thất vọng với cách xử lý không nghiêm với những sai lầm mà các vị quan này mắc phải. “Vẫn kiểu giơ cao đánh khẽ như: chuyển đổi công tác, nhận khiển trách, tạm đình chỉ... sau một thời gian ngắn lại quay về vị trí cũ...Thế thì có mất gì “đồng tiền bát gạo của họ đâu mà họ sợ”... Trong khi người cũng đã chết, thiệp cưới cũng đã nhận phong bì, tiền mãi lộ của tài xế cũng đã mang bỏ túi...

 

Giờ là thời đại của công nghệ thông tin, chúng ta có thể nghiên cứu, xem xét cách các nước bạn xử lý nghiêm từ những việc nhỏ nhất mà các quan lớn cỡ nào cũng không thể lọt tội. Và tôi nghĩ việc đầu tiên mà các giới chức của ta nên học, đó là văn hóa nhận lỗi và từ chức nếu mắc sai phạm”.
 
Trăn trở trước những mặt trái của xã hội - 1

Tên và chức danh của ông Nguyễn Hùng Dũng được in bên ngoài bao thư thiệp mời đám cưới của con trai. (ảnh Q.K)

 

Tương tự, Dinh Hong Nam: dinhhongnam1982@gmail.com cho rằng phải mạnh tay trong hình thức xử lý để răn đe những cán bộ nào có ý định như ông Phó Ban Phòng, chống tham nhũng TP Cần Thơ: “Một lỗi lớn ảnh hưởng đến hình ảnh người cán bộ, đảng viên, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan phòng chống tham nhũng của thành phố Cần Thơ mà chỉ nhận hình thức kỷ luật khiển trách thì nhẹ quá. Sau này sẽ có thể có nhiều người làm những việc tương tự như thế này rồi bị khiển trách vẫn “ngon”. Ông Dũng phải bị hình thức kỷ luật cách chức, chuyển làm công việc khác với vị trí thấp hơn thì mới có thể làm gương cho cán bộ, đảng viên khác và toàn thể nhân dân”.

 

Còn theo Ngo thanh: trangchieu50@yahoo.com.vn, muốn tiến bộ thì phải nhìn vào thực tế để từ đó có cách thay đổi: “Cái gốc của vấn đề đó là công tác cán bộ của ta nói thẳng là vẫn chưa hẳn chọn được những người có đức có tài. Muốn có cán bộ tốt thì phải có sự sàng lọc bằng nhiều hình thức: thông qua thi cử, thông qua đánh giá quá trình công tác vv... Còn ở ta thì nhìn vào bằng cấp (vậy thế mới sinh ra cái luật chạy bằng cấp), chạy chọt được lòng cấp trên, dùng tiền mua chức. Ta chưa có sự giám sát chặt trong khâu tuyển chọn cán bộ nên ít có cán bộ giỏi về nghiệp vụ, tốt về đạo đức phẩm chất, mà lại nhiều những người hợp “cạ” để chia sẻ quyền lực, đặc quyền cũng như lợi ích...”

 

Bài học từ nước Nhật về cách xử lý nghiêm cán bộ sai phạm được nick minhtinhmanba: minhtinhmanbac@gmail.com dẫn ra làm ví dụ: “Tự nhận khiển trách ư? Hãy ngó qua nước Nhật một chút, một Bộ trưởng chỉ có sơ sẩy một câu nói khi đi thăm vùng động đất thôi mà đã tự xin từ chức. Cán bộ chống tham nhũng mà ngay cả điều cơ bản nhất về tham nhũng cũng 'sơ ý' được sao? Cán bộ chống tham nhũng như vậy chả trách chống tham nhũng ở VN khó thế...”

 

Một lần nữa Mai Anh: Maianh_dn@walla.com  nhắc lại trường hợp tương tự xảy ra ở Nhật và hình thức kỷ luật của họ như thế nào: “Một Bộ trưởng ở Nhật bản phát biểu 1 câu chỉ có chuyên gia, nhà chức trách và truyền thông mới hiểu là "hớ" và "có vẻ thiếu trách nhiệm", đã vội vàng từ chức chỉ sau hơn 1 tuần được bổ nhiệm. Vậy mà ở VN không thiếu người làm sai, nói ẩu, vô trách nhiệm hay có biểu hiện trục lợi cá nhân lại luôn nhận là “do sơ xuất” và chỉ xin “tự phê bình” hay bị “khiến trách”? Xem ra ở ta 'phê bình nghiêm khắc' hay 'khiển trách' nặng hơn so với 'cách chức' hay 'từ chức'. Với 1 người là Phó ban chỉ đạo PCTN của TP thì hình thức đó càng bất ngờ hơn”.

 

Nguyễn Bạch Hoàn:  bachhoan@ymail.com kiến nghị một hình thức kỷ luật thật nghiêm: “Không thể kiểm điểm rút kinh nghiệm được, không thể đánh giá việc làm của ông Dũng theo cách của ông Lợi PBT thường trực thành ủy Cần Thơ chỉ là “phần nào gây ảnh hưởng không tốt  trong dư luận”, trong khi thực tế 100% dư luận đều bất bình.

 

Yêu cầu có hình thức xử lý quyết liệt đối với việc làm của ông Dũng. Một phó ban chống tham nhũng không thể mơ hồ chính trị về ý nghĩa việc làm này, khi mà toàn Đảng toàn dân đang quyết liệt chống tham nhũng. Chúng tôi tiếp tục theo dõi việc xử lý của TP Cần Thơ đối với ông Dũng”.

 

Còn về cách xử lý với vụ cán bộ tham gia cuộc ăn nhậu trên “du thuyền”, chuthang37 chuthang37@yahoo.com.vn cho rằng “Đây là một quyết định kịp thời, hợp lòng dân của cơ quan chủ quản. Tuy nhiên, nó mới chỉ là xử phạt hành chính.Các cơ quan chức năng cần vào cuộc để làm rõ trách nhiệm và mức độ phạm tội của các vị quan cấp huyện này.

 

“Một quyết định sáng suốt để làm sạch vết bẩn (dù chưa làm sáng tỏ), để rõ ràng mọi vấn đề - nếu chứng tỏ nó không đúng, thì sẽ phục hồi bằng thông báo lên truyền thông. Mà dù gì đi nữa đối tượng cũng có vết (vi phạm các điều lệ Đảng) cũng phải nên như thế” -  cai toi: bolumane@gmail.com đồng tình.

 

Rồi việc CSGT mãi lộ là chuyện mà ai cũng biết, thậm chí trong chương trình gặp nhau cuối năm năm nào cũng là đề tài được các nghệ sĩ khai thác, vậy mà mãi tới nay người dân vẫn chưa thấy có hồi kết. Đó có phải là do hình thức kỷ luật còn chưa nghiêm, chưa đủ sức nặng răn đe?
 
Như ý kiến của Hồng Na thì với chuyện người thực thi luật pháp mà phạm luật là điều không thể chấp nhận: "Cái tệ nạn này có thể gây tổn hại đến niềm tin của nhân dân, nên chúng ta không thể chỉ dùng biện pháp đuổi ra khỏi ngành, mà nếu cần còn phải khởi tố trước pháp luật để làm gương.Có như vậy chúng ta mới có thể xóa được tình trạng hối lộ hiện nay, cũng như tạo niềm tin cho nhân dân, đảm bảo kỷ cương pháp luật được nghiêm minh".
 
Tất cả những ý kiến trên đều là những tâm sự, những trăn trở mà người dân vẫn đang mong chờ những hành động mạnh mẽ thay cho câu trả lời cụ thể.
 
Trần Bách