Tội ác ghê gớm nhất
(Dân trí) - Vụ lật xe buôn gỗ lậu ở Nghệ An đã gây sốc trong dư luận bởi lẽ nó chứa đựng quá nhiều tội ác và nhiều nỗi đau thương, bi phẫn.
Vụ lật xe ngày 7/12 tại Nghệ An, nay CQĐT tiếp tục triệu tập thêm hai kiểm lâm viên để làm rõ.
Một vài ông trùm đã lộ diện. Cho đến nay ít nhất đã có bốn cán bộ kiểm lâm bị bắt, trong đó có người là hạt trưởng, phó giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống. Kiểm lâm ăn lương của nhân dân và nhận công cụ của nhà nước để giữ rừng, nhưng chính họ là lâm tặc. Ngôn ngữ người đời thường nói, họ là những cán bộ thoái hóa, biến chất.
Nhưng trong vụ này, điều đáng sợ nhất không phải là sự thoái hóa biến chất của các cán bộ kiểm lâm này trong việc phá rừng, mà chính là sự lạnh lùng đến tàn nhẫn của họ trước sinh mạng của người khác. Sau khi lật xe, cán bộ kiểm lâm Đào Công Thắng và kiểm lâm viên Nguyễn Kim Hùng thoát chết nhưng đã bỏ mặc những người bị thương rất cần được cấp cứu kịp thời. Họ không quan tâm đến những phu bốc vác phục vụ cho canh bạc của họ đang quằn quại rên la kêu cứu. Nếu như họ có lương tâm của một con người, chắc chắn số người chết không nhiều như vậy.
Trên chiếc ô tô màu trắng có Phan Sỹ Tuấn - Trạm trưởng trạm kiểm lâm Nga My - Tương Dương, Ngô Tuấn và Phúc - cán bộ Trạm kiểm lâm Nga My, họ quay lại để giải cứu đồng bọn. Họ chỉ tìm cách che giấu việc làm mờ ám của họ, còn những người bị thương quằn quại cho đến chết họ không quan tâm. Đáng phẫn nộ hơn, những ông trùm lâm tặc huy động người đến bốc gỗ lậu hòng phi tang và giảm bớt thiệt hại nhưng người bị thương thì mặc xác. Họ lo cứu gỗ hơn cứu người.
Phá rừng là tội ác. Dùng sắc phục kiểm lâm để phá rừng thì tội còn nặng hơn. Vận chuyển gỗ lậu cẩu thả gây tai nạn làm chết và bị thương nhiều người cũng là tội ác. Nhưng tội ác ghê gớm nhất, đáng xử nặng nhất là bỏ mặc người bị tai nạn giữa rừng, trong đêm. Những cán bộ kiểm lâm này phải bị xét xử như thế nào mới phù hợp với tội ác mà họ đã gây ra?
Lê Chân Nhân