Thảm kịch này, ai viết điếu văn?
(Dân trí) - Chuyến xe tử thần ở dốc Pù Huột và cái chết tức tưởi của 10 phu gỗ xứ Nghệ không chỉ là cao trào của một tấn thảm kịch, mà còn gợi nên nhiều nỗi niềm nếu niềm tin và trọng trách được trao nhầm cho những kẻ lưu manh.
Cái chết nghiệt ngã của 10 phu gỗ trên dốc Pù Huột trong cái đêm thảm họa ấy cũng không phải là ngoại lệ. 10 người đàn ông chết đi, là bao nhiêu gia đình tan nát, là bao nhiêu người mẹ mất con, là bao nhiêu người vợ mất chồng, bao nhiêu đứa trẻ mồ côi vô tội.
Dù họ là ai, thì họ cũng là những phận người tìm nguồn sống, và tìm cái chết, giữa cuộc mưu sinh. Dù có gọi họ là "lâm tặc", thì họ cũng là những con người ngàn lần không đáng chết. Có ai muốn lầm lũi giữa đêm rừng giá buốt, nếu không phải vì không có lựa chọn tốt hơn giữa cay cực cơm, áo, gạo, tiền?
10 cái chết đó, dù rất đau lòng, sẽ không làm dấy lên sự phẫn uất tột tận nếu trên chuyến xe đến địa ngục ấy không có sự dẫn đường và thao túng của những kẻ lưu manh khoác áo kiểm lâm.
Gỗ lậu của kiểm lâm, được đốn hạ từ khu bảo tồn mà kiểm lâm bảo vệ, được kiểm lâm dẫn đường để về nhà kiểm lâm. Chặng đường đi của chuyến xe tội lỗi kia gợi lại trong tôi chặng đường đời bi hài của một tên tội phạm, ngàn lần xin lỗi các chiến sỹ kiểm lâm chân chính, cũng khoác áo kiểm lâm. Đó là câu chuyện một trạm trưởng kiểm lâm nhận hối lộ 9.000 USD để "thông đường" cho gỗ lậu. Anh ta bị bắt tại Đèo Ngang, ra tòa, xử án treo. Rồi trong thời gian thụ án treo, anh ta vẫn làm... kiểm lâm. Vụ án đó đã diễn ra gần 5 năm nay, nhưng đến nay vẫn còn là một giai thoại buồn.
Chuyến xe lật ở dốc Pù Huột hôm nay, có phải là kết quả của vết xe đổ ở Đèo Ngang 5 năm trước?
Kiểm lâm phá rừng, cái trớ trêu kia khác gì cảnh sát giao thông mãi lộ, khác gì quan chức tham nhũng, khác gì thẩm phán tư vấn luật trong nhà nghỉ? Có lẽ không khác, đó đều là những con sâu, dù là thiểu số, đang làm hoen ố hình ảnh của những con người được giao trọng trách phục vụ nhân dân.
Chợt nhớ trong vở kịch “Điếu văn của rừng”, nhà văn Nguyễn Quang Vinh đã thốt lên đại ý rằng không có kiểm lâm thì rừng bị tàn phá, có kiểm lâm thì rừng vẫn bị tàn phá nhưng với tốc độ chậm hơn. Anh Vinh ạ, có lẽ, sau tấn thảm kịch trên dốc Pù Huột, anh nên bổ sung thêm vào câu văn của mình một vế: Có kiểm lâm, rừng sẽ bị phá có chọn lọc, có tổ chức và có quy mô hơn.
Những kẻ lưu manh sẽ trở nên nguy hiểm hơn bội phần nếu có quyền lực.
Nếu sự hiện diện của kiểm lâm trên xe gỗ lậu đã bóc trần một sự thật đáng hổ thẹn về sự biến chất, tha hóa của một bộ phận người mà nhân dân trao nhầm niềm tin, thì sự trốn chạy của ổ nhóm người này khi 10 đồng loại đang giãy giụa giữa lằn ranh sống chết đã đẩy tấn bi kịch lên đến cực cùng của giới hạn lương tri.
Không dám thay quan tòa khép tội thấy chết không cứu. Nhưng hình ảnh những tên lâm tặc khoác trên mình chiếc áo kiểm lâm dắt díu nhau trốn chạy khỏi mọi liên lụy nơi 10 con người đang giãy chết thì có lẽ chưa có trong bất kỳ vở kịch nào, dù là bi kịch hay thảm kịch.
Nguyễn Quang Vinh viết "Điếu văn của rừng" và lấy được cơ man nước mắt. Ai sẽ viết điếu văn cho 10 phu gỗ chết oan?
Hồng Kỹ