Bạn đọc viết:
“Thuế" đánh vào học sinh thật dễ thu!!!
(Dân trí) - … Vì phụ huynh học sinh ai cũng phải "tự nguyện" nộp (vì con, ai dám phản đối). Vì xã hội ta từ xưa tới nay là xã hội học tập, dân ta có truyền thống hiếu học. Vậy đấy!!! Nhưng giáo dục là quốc sách không lẽ lại thể hiện theo cách đó chăng?
Tôi thấy rằng, không thời điểm nào ngành giáo dục lại có những cán bộ quản lí "chất lượng kém" như hiện nay. Hầu như ở khắp mọi nơi có hoạt động giáo dục, đều có những nhóm lợi ích. Nói như nguyên Vụ trưởng Vụ Tiểu học Nguyễn Kế Hào, thì mọi nơi có hoạt động giáo dục đều không phát triển được. Vậy rõ ra là cả nền giáo dục không thể phát triển được.
Mượn cớ "xã hội hóa" - cái cụm từ này nghe thật "lí tưởng" cho mảnh đất tham nhũng vô tội vạ. Cụm từ này, theo như tôi biết, được xuất hiện trong nghị định 73 nhưng chưa nêu được nội hàm của nó, dẫn tới bị biến tướng thành tệ lạm thu vô tội vạ từ các cơ sở dân lập tới công lập.
So với trước đây thì hiện nay tỉ lệ dân lập, tư thục chiếm tới 40% trong hệ thống giáo dục quốc dân. Vậy nếu bao cấp toàn bộ hệ thống công lập thì đã "xã hội hóa giáo dục" tới 40% rồi. Vậy mà các trường công lập vẫn thu, thu và thu... Mượn cớ "sáng tạo" trong quản lí, một bộ phận không nhỏ hiệu trưởng các trường làm liều, làm bừa và gọi đó là sáng tạo. Thật... buồn cười.
Mượn cớ chịu trách nhiệm về chất lượng, tôi thấy các trường có lẽ đang thực hiện "khoán" như trồng ngô - khoai - sắn ngoài đồng ruộng. Dẫn tới hiện tượng chung rất đáng lo ngại là: cho điểm dễ dãi, đẩy học sinh lên lớp. Từ đó mới có những học sinh lên lớp 10 rồi mà vẫn chưa cộng - trừ - nhân - chia thành thạo.
Mượn cớ giáo viên ngoại ngữ không đạt chuẩn, có đề án nâng cao chất lượng dạy ngoại ngữ, một bộ phận không nhỏ hiệu trưởng lại "biến tướng" thành buộc phụ huynh học sinh phải "tự nguyện" cho con em mình học ngoại ngữ do người nước ngoài dạy, với giá mỗi tiết dạy thường là đắt gấp 10 lần mỗi tiết của giáo viên trong nước. Họ không cần biết học sinh có học được không, miễn là thu tiền về với tỉ lệ chiết khấu (theo tôi biết) tới 50%. Nhưng họ quên một điều rằng, hiện tại từ Luật Giáo dục, điều lệ trường, các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật đều chưa cho phép trường phổ thông tự ý liên kết, tự ý đưa giáo trình lạ vào dạy học. Mà các giáo trình phải là sách giáo khoa do Bộ GDĐT quy định.
Hãy nhìn vào một học sinh xem, cha mẹ các em phải đóng đủ các thứ "thuế" để cho 1 đứa con đến trường:
+ Quần áo đồng phục mà nếu mua ngoài chợ thì đã phải đóng thuế, vậy khi họ biến thành đồng phục giá gấp rưỡi ngoài chợ thì mức thuế sẽ là bao nhiêu? Mỗi em có mấy bộ như vậy? mùa đông, mùa hè, quân sự, thể thao đủ loại đồng phục với giá hầu như đều... trên trời.
+ Sách vở, đồ dùng học tập cũng đều đã chịu thuế. Nếu ra ngoài cửa hàng sách mua sẽ được giảm giá, giảm phần nào thuế. Nhưng mua trong trường mức thuế cũng lại tăng tới 20% so với bên ngoài.
+ Nước uống, ghế ngồi sinh hoạt ngoài trời, sơn vôi, bàn ghế, cây cảnh, đường đi... Tất cả đều buộc PHHS phải đóng tiền? Có trường (ví dụ như THPT Đồng Hòa - Hải Phòng) còn thu cả tiền dạy học sinh nhảy hiphop, để giữa tiết 2 - 3 cả trường phải xuống sân nhảy hiphop. Có thật cần thiết chăng?
Vậy thì rõ ràng phải nói là "thuế" đánh vào học sinh (mà thật ra là vào PHHS) thật dễ thu, ai cũng phải "tự nguyện" nộp (vì con, ai dám phản đối). Vì xã hội ta từ xưa tới nay là xã hội học tập, dân ta có truyền thống hiếu học. Vậy đấy!!! Nhưng giáo dục là quốc sách không lẽ lại thể hiện theo cách đó chăng?
Thanh Son