Xã hội hóa giáo dục trong mắt ai…

(Dân trí) - Chẳng biết tự bao giờ cụm từ “xã hội hóa” trong lĩnh vực này, lĩnh vực khác cứ thế dần dồn gánh nặng đóng góp lên lưng người dân. Đến chữa bệnh, kiếm cái chữ cho con… người ta cũng núp bóng “xã hội hóa” để “át vía” những ai dám kêu ca, phàn nàn…

Xã hội hóa giáo dục trong mắt ai…
Thông báo các khoản thu của trường THCS Dũng sĩ Điện Ngọc (xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn, Quảng Nam) có đến 16 khoản. Trong đó có những khoản thu sai quy định của Bộ GDĐT

 

Xanh vỏ, đỏ lòng

 

Dù mục tiêu được đặt ra cho việc “XH hóa giáo dục”,  nếu hiểu đúng theo giải thích của Mực thước cachtrotn@yahoo.com dưới đây, cũng chưa chắc đã được nhiều người đồng tình ủng hộ: 

 

“Năm học mới đã qua được gần 1 tháng. Rất nhiều ý kiến xoay quanh việc lạm thu của nhà trường. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ và độc giả nên công bằng hơn đối với giáo dục khi đưa ra ý kiến của mình. Than phiền nhiều về khoản xã hội hóa giáo dục là không hợp lí. Khoản tiền này các bạn đóng góp là đang chung tay với các cha mẹ học sinh khác tăng cường cơ sở vật chất cho chính con bạn hưởng thụ. Tiền ăn nhiều sẽ được chăm sóc tốt. Chỉ nên có ý kiến nếu kết quả không đúng như vậy. Riêng về tình trạng học thêm, các bạn có ý kiến chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ.

 

Ngành giáo dục có một vai trò quan trọng trong việc giáo dục cả một thế hệ. Nếu các bậc cha mẹ không hiểu một cách sâu sắc và có những ý kiến tham gia một cách thấu đáo sẽ làm ảnh hưởng đến lòng nhiệt tình và tâm huyết của những người đang làm công tác giáo dục. Con bạn sẽ gánh chịu hậu quả do chính bạn gây ra”.

 

Mà số đông bạn đọc, nhất là các phụ huynh học sinh (PHHS) chắc sẽ nghiêng theo nhận định có vẻ như rất “trời ơi, đất hỡi” của Người bị khùng philiplam0409@hotmail.com:  “Ủa, các bạn chưa biết gì hả ? Giờ hình như các ngành Giáo dục, Y tế... đã bị XH hóa – tức là giao hết cho dân ‘cung phụng’ rồi đó...”

 

Rõ ràng “XH hóa giáo dục” hiện nay chỉ là cái vỏ bọc đẹp đẽ, để che đi cái thực chất  chính là tệ  lạm thu được biến tấu khá tinh vi theo nhiều cách thức khác nhau, chủ yếu mang hình hài “tự nguyện”:

 

“Cả xã hội đều trông mong vào giáo dục sẽ là gốc cho 1 xã hội tốt đẹp hơn, nhưng hình như cuộc chạy đua giữa các trường (nhất là càng ở trung tâm) không phải là để tập trung vào chất lượng dạy học và giáo dục nhân cách cho HS. Mà đó là làm sao để hợp lí hoá các khoản đóng góp để moi thêm tiền từ túi PHHS. Thử hỏi con trẻ mà cũng cảm nhận những chuyện liên quan đến tiền như vậy, thì còn giáo dục gì được nữa cho HS. Không biết các ngành, các cấp sẽ có biện pháp gì mạnh tay hơn nữa với vấn đề trên? Không nhanh thì quá muộn đấy, vì hậu quả với XH sẽ là rất lớn” – bạn đọc có email:  leminhanh55@yahoo.com 

 

“Tự nguyện ư? 1 kiểu ép buộc trá hình! Càng "tự nguyện" bao nhiêu càng thể hiện năng lực "át vía" phụ huynh của nhà trường bấy nhiêu” - Việt:  tongvanviet@gmail.com

 

“Tự nguyện hay không tự nguyện thì nhà trường đã ấn định lên danh sách rồi, và gửi từng phiếu ghi đề rõ tên học sinh để PHHS có ý kiến. Nhưng PHHS nào chẳng đồng ý, vì nếu không đồng ý thì tên con mình rành rành ra đấy, sau này con mình có yên được không hay là chuyên ngồi cuối lớp, bị phạt này phạt nọ...Ôi thôi, pó tay!” - Trần Minh Thắng:  thanhluansos@yahoo.com

 

“Ở nước ta các trường có đặc điểm chung là các khoản thu đều do PHHS tự nguyện đóng góp, nhưng nói thẳng ra chẳng có PHHS nào tự nguyện đóng góp mà là bị ép buộc phải đóng. Chuyện giải quyết rất đơn giản nhưng mấy người ở Bộ GDĐT học hàm, học vị này nọ mà giải quyết mãi không xong thì phải xem lại. Nếu năng lực của Bộ GDĐT  yếu kém thì trình độ chung của người dân Việt Nam sẽ ngày càng yếu kém. Mà thực tế đã chứng minh là nguồn lao động của VN yếu nhất trong khu vực đó thôi, đó cũng là hậu quả của cách giáo dục như hiện nay” - Nhựt:  nqn1983@yahoo.com

 
Ảnh minh họa: Một buổi học tại trường THCS Dũng sĩ Điện Ngọc (ảnh: Khánh Hiền) 
Ảnh minh họa: Một buổi học tại trường THCS Dũng sĩ Điện Ngọc (ảnh: Khánh Hiền) 
 

Những tấm bình phong

 

Đã có nhiều phản ứng với các chiêu thức thường được các nhà trường sử dụng để hợp lý hóa các khoản thu. Và để thực thi mọi việc cho trót lọt, tất nhiên không thể thiếu được vai trò của những người (dù là tự nguyện thật hay cũng bị ép buộc như PHHS) “giật dây” và “cánh tay nối dài” cho Ban Giám hiệu nhà trường. Nói cách khác là những tấm bình phong.

 

“Hiệu trưởng các trường không nên biện hộ với lý do là phụ huynh tự nguyện đóng góp. Ơ đây hoàn toàn tự nguyện theo kiểu bắt buộc, và các trường thường lấy bình phong là hội phụ huynh học sinh để tận thu. Một khi hội phu huynh là cánh tay nối dài của nhà trường để chỉ làm một việc là thu được càng nhiều tiền càng tốt, phụ huynh nào phản đối các khoản thu gọi là tự nguyện thì con cái họ chắc sẽ không yên đâu. Tôi đề nghị nên áp dụng đúng qui định của Bộ Giáo dục ĐT:  Nếu phụ huynh nào thực sự muốn đóng góp cho nhà trường thì tự mình liên hê với nhà trường để đóng góp. Không được đưa các khoản đóng góp tự nguyện vào các cuộc họp phụ huynh!” - Nguyễn Khánh Toàn:  lanfpdqn@gmail.com

 

“Đứng đằng sau các khoản thu này vẫn là các giáo viên “giật dây” 1 vài phụ huynh có điều kiện kinh tế. Còn thực tế nhà trường biết sai mà vẫn thu là không được, nếu các phụ huynh tự nguyện thật sự thì nên ai đóng góp cứ tự động đóng, còn thì không được phép ghi thành biên bản, thành các khoản phải thu, phải đóng góp” - Khánh Dương:  KhanhDuong@gmail.com

 

“Tôi là 1 giáo viên, nhưng cũng có con đi học nên cũng là 1 phụ huynh như các bạn. Tôi cũng có năm phải trực tiếp thu các khoản tiền đó và bản thân tôi cũng phải đóng những khoản phí đó cho con mình. Dạo này báo viết về vấn đề này nhiều quá, nên tôi cũng thấy chạnh lòng. Cũng mong một tương lai không có lạm thu. Vì quả thực, GV chúng tôi thu tiền rất vất vả (vì phải nhắc HS nhiều rồi nhiều khi còn làm mất phải bù), mệt mỏi (do Ban Giám hiệu thúc ép). GV trực tiếp thu tiền xong không hề đụng chạm đến số tiền đó mà nộp về luôn kế toán nhà trường, họ có chi tiêu những khoản gì chúng tôi cũng không biết. Nếu không lạm thu - bản thân chúng tôi cũng sẽ nhàn hơn, lại không bị mang tiếng, con chúng tôi đi  học cũng không phải đóng góp nhiều nữa. Nhưng biết đến bao giờ hả các bạn?” - Misa:  dhhl.lthoa@yahoo.com

 

“Các trường phổ thông thường tự động thiết kế ra các khoản thu thật phi lý và lách quy chế của Bộ GDĐT. Ví dụ như hầu hết các trường phổ thông ở huyện Từ Liêm - Hà Nội nghĩ ra chiêu cho học sinh đăng ký học thêm bằng hình thức tổ chức các câu lạc bộ: toán, văn, tin, Anh và yêu cầu phụ huynh viết đơn tự nguyện tham gia (nhưng thực ra là hình thức ép buộc). Đây cũng là hình thức vi phạm đạo đức nhà giáo, đặc biệt căn bệnh này cần phải chữa tận gốc đối với ban giám hiệu các trường này bởi chủ trương là của họ” - Vũ Văn Trung:  vuvantrung@gmail.com

 

“Con gái tôi năm nay lên lớp 3 tuổi, học tại một trường mầm non công lập của huyện Từ Liêm. Mới vừa rồi họp phụ huynh và đóng học mất 2.300.000d và 400.000d tiền quỹ lớp cho một năm. Tôi không hiểu sao khi đóng học cho con có một khoản gọi là tự nguyện, nhưng khi tôi nộp 200.000đ thì cô kế toán bảo tự nguyện nhưng thấp nhất vẫn phải là 1 triệu đồng. Không hiểu nếu 1.000 học sinh thì số tiền lớn đó sẽ dùng vào việc gì? Ngoài ra lớp con tôi có hơn 50 cháu, mỗi cháu 400.000d tiền quỹ thì dùng vào việc gì cho hết với lứa tuổi như các cháu (tôi được biết trường con tôi học có gần 1.000 cháu đang theo học).

 

Tình trạng "XH hóa giáo dục" như vậy không biết đã...ổn chưa. Tôi được biết có một bài báo đưa các khoản thu ở một tỉnh khác Hà Nội có hơn 360.000d đã bị lên báo. Vậy mà ở Hà Nội, bất kể một trường cấp 1,2,3 và mầm non nào vào đầu năm đều không đóng dưới 2.000.000đ, vậy mà vẫn không thấy phản ánh gì lên Bộ Giáo dục sao? Phụ huynh chúng tôi rất bức xúc nhưng ai cũng phải chấp nhận, vì không nộp thì con không được học như các bạn khác? Có thế thôi. Phải chăng, nếu ở các nước phát triển kinh tế càng phát triển thì những bậc học như mầm non, cấp 1,2,3 công lập gần như ít đóng góp. Còn ở Việt Nam thì ngược lại. Trong lúc kinh tế khó khăn, chi tiêu eo hẹp nhưng vì việc học của con vẫn phải chắt chiu nộp cho con học cái chữ. Giá như Bộ Giáo dục có những quy định nghiêm ngặt hơn, khắt khe hơn thì nhiều phụ huynh  nghèo ở Hà Nội mới còn có điều kiện cho con đi học” - Nguyen Minh Ha: hientrang@yahoo.com

 

“Thực trạng chung đó cả xã hội biết, mà ngành giáo dục chắc cũng biết mười mươi nhưng... có thấy làm gì để xóa bỏ đâu? Chắc là nếu làm chặt thật sự thì các vị ngồi ở cấp cao hơn lại không được cấp dưới phong bì, phong bao (ví dụ như hiệu trưởng các trường tới... thăm hỏi í). Thôi thì... dân kêu thì cứ kêu, chết thì cứ chết, chứ các vị ấy không chết là OK rồi. Trường mầm non Hồ Tùng Mậu ở Từ Liêm này, các bác có biết không: vừa nộp tiền học cho con đã bị "truy nã" luôn 300.000 tiền quỹ hội cha mẹ học sinh trường + thêm 300.000đ nữa quỹ hội phụ huynh lớp (đây chỉ là thu học kỳ một thôi nhé). Mà cái hội này cũng do nhà trường chỉ đạo mà có, tự nguyện ép buộc... Chết mất thôi. Không hiểu họ tiêu gì cho hết 600.000đ quỹ hội phụ huynh cho mỗi cháu????? Một câu hỏi lớn không lời đáp???? Thử tính xem một trường có khoảng 1.500 cháu thì là bao nhiêu tiền. Ấy thế mà thỉnh thoảng thấy cô giáo lại còn kêu gọi đóng tiền "ủng hộ nhà trường" để mua cái nọ, mua cái kia. Nếu không ủng hộ thì sợ cô đối xử không tốt với con mình, mà ủng hộ thì toàn theo kiểu bị ép buộc thôi.  Thực trạng này các vị ngồi ở trên Bộ, trên Sở có biết không??? Câu trả lời chắc chắn là: Biết chứ nhưng phải im để còn có phong bì... chứ nói ra để có mà hết đường ư... Em nói thế có đúng không các bác????” - Keu cuu:  ngocanhmiu@yahoo.com

 

“Lỗ hổng để các trường hiện nay vẫn đang lạm thu là “trên tinh thần tự nguyện” của PHHS. Các cấp quản lý có làm ngơ thì các trường mới dám làm chứ. Các trường thu và chi đều phải có báo cáo lên các cấp trên, có đồng ý thì mới được làm... Mà như tôi thấy thì nói chung tình trạng lạm thu ở VN ta đều có ở tất cả các ngành, chứ không riêng gì ngành GD. Nói và kêu rồi đâu cũng vào đấy thôi mà, để giành thời gian mà làm kiếm tiền rồi cùng… sống chung với lũ thôi” - Quang: tranthithuyvu@gmail.com

 
Thuốc đặc trị
 

Thuốc đặc trị

 

Lời kêu cứu từ các PHHS đã nhiều vô kể, thư ngỏ gửi Bộ trưởng GDĐT cũng không phải là ít. Nhưng kết quả vẫn là: năm sau thu cao hơn năm trước và các khoản thu giờ thường được xé nhỏ ra cho có vẻ nhỏ hơn (???)

 

Vậy nên nhiều PHHS đành lại tự mình đưa ra đơn thuốc đặc trị căn bệnh nan y này của ngành giáo dục, dù biết rằng nó khó mà được ngành GD ĐT áp dụng vì “không lẽ tự chặt chân mình”…

 

“Tốt nhất là Bộ GDĐT hãy để PHHS bỏ phiếu tín nhiệm và bất tín nhiệm hàng năm  với các hiệu trưởng từ mầm non cho đến đại học. Nếu quá bán không đủ 50% phiếu tín nhiệm thì cân nhắc có thể cho nghỉ việc hoặc chuyển công tác. Như vậy sẽ chống được tình hình lạm thu trong các nhà trường ngay” -PHHS: nguyenthilan@gmail.com

 

“Hôm trước trên truyền hình ANTV có chương trình phỏng vấn Bộ Giáo dục đào tạo về những khoản thu đầu năm học này, Bộ trả lời đã đề ra hàng loạt giải pháp nhưng vẫn chung chung, Mà những người có con đi học thì thực sự quá mệt với những khoản thu này rồi. Mình nghĩ vẫn có giải pháp để dẹp vấn nạn này, đơn giản thôi: Bộ GDĐT, UBND các tỉnh ra một quy chế là: nếu phát hiện trường nào thu sai quy định thì cắt chức hiệu trưởng luôn (chứ không phải là chỉ quy định là chịu trách nhiệm như hiện nay). Và làm răn đe một vài trường xem có hiệu trưởng nào dám thu thêm không? Quan trọng là các cấp trên có dám nghĩ, dám làm thực hay không?” - Nguyễn Trung Kiên:  nguyenkien898@yahoo.com

 

“Nên cấm hẳn mọi hình thức vận động quyên tiền hoặc vận động thu tiền tự nguyện. Trường nào vi phạm cách chức ngay Hiệu trưởng trường đó” - Thythy:  hienthuc_00@yahoo.com

 
Bệnh nan y đúng là khó chữa. Nhưng ở đây rõ ràng vẫn có thuốc đặc trị mà giá cả cũng chẳng lấy gì làm đắt, nhưng "bệnh nhân" không chịu uống thì các bác sĩ cũng đành...bó tay!!!
 

Kiều Anh