Bạn đọc viết:
Thí điểm ngoại ngữ ở bậc mầm non: Thắt rồi lại mở
(Dân trí) - Dư luận chưa nguôi chuyện Bộ GD&ĐT, cách đây một tháng ra công văn cấm các trường mầm non dạy ngoại ngữ cho trẻ. Vậy mà mới đây thôi, Bộ lại thông báo cho phép dạy ở nơi có điều kiện, phụ huynh có nhu cầu.
Sự việc khiến dư luận nhớ đến chuyện năm ngoái, cái thông tư “cộng điểm cho Mẹ VN anh hùng thi đại học” vừa ban hành đã chết yểu, vì sự phi lí trong việc xây dựng chế độ chính sách đối với người có công.
Và mới đây nhất là chuyện 207 ngành đào tạo ĐH bị dừng tuyển sinh gây chấn động dư luận, làm cho học sinh, phụ huynh hoang mang. Sau đó Bộ lại… lần lượt cho phép nhiều ngành tuyển sinh trở lại.
Trước những hành sự tiền hậu bất nhất như vậy, dư luận không khỏi ngạc nhiên và lo lắng.
Ngạc nhiên bởi với một đội ngũ chuyên viên hùng hậu mà sao việc ban hành qui định, thông tư có vẻ như lại… tùy tiện đến thế. Dường như người ta làm việc theo cảm tính, thích thì ban hành, không thích thì thôi? Hoặc giả ban hành ra mà thấy dư luận không êm thì…rút?
Còn lo lắng bởi với cung cách điều hành quản lí như thế, tâm lí người học, tâm lí xã hội tránh sao khỏi hoang mang trước sự thay đổi như chong chóng của Bộ về các chủ trương chính sách liên quan đến nền giáo dục nước nhà? Cứ cái đà này thì biết đến bao giờ giáo dục nước nhà cất cánh được?
Những bài học về việc ban hành văn bản pháp quy xa rời thực tế trong những năm vừa qua, xem ra vẫn chưa đủ mạnh để cảnh tỉnh những người có trách nhiệm trong việc xây dựng luật pháp ở các bộ ngành từ cả Trung ương tới địa phương? Có lẽ yếu tố quan trọng nhất đem đến sự thay đổi ở đây vẫn là phải từ chính con người.
Trong ngành giáo dục mấy năm nay đã có khái niệm “ngồi nhầm lớp” để chỉ những học sinh quá yếu kém so với chuẩn kiến thức ở lớp mình đang học. Có lẽ trong đội ngũ chuyên viên, cán bộ quản lí hiện nay cũng có hiện tượng “ngồi nhầm ghế” chăng?
Nguyễn Duy Xuân