Thể thao Việt Nam nhìn từ ASIAD 2018: Nghịch cảnh và nghịch lý đầu tư

Cử tới Indonesia số lượng tuyển thủ đông nhất kể từ khi dự tranh ASIAD 18 với 352 tuyển thủ của 32 môn, hoàn thành tốt chỉ tiêu đặt ra với 4 tấm HCV song đoàn TTVN vẫn chỉ nằm ở nhóm các nền thể thao trung bình yếu.


Phía sau tấm HCV nhảy xa của Bùi Thu Thảo, có không ít nghịch lý. Ảnh: Đ.Đ

Phía sau tấm HCV nhảy xa của Bùi Thu Thảo, có không ít nghịch lý. Ảnh: Đ.Đ

Thực tế, chúng ta chỉ có khoảng 40 gương mặt của 10 môn có thể tranh chấp huy chương và các gương mặt có khả năng tranh HCV không quá một bàn tay.

352 tuyển thủ chỉ 40 gương mặt “đủ trình” tranh huy chương

So với con số 200 VĐV ở ASIAD 17, kỳ Đại hội trên đất Indonesia, lực lượng của đoàn TTVN tăng tới 1,5 lần, lên tới 352 tuyển thủ. Việt Nam cũng tham gia thi đấu ở 32 môn và nội dung, vượt xa con số 21 môn của 4 năm trước.

Lý do quan trọng nhất của sự tăng vọt này chính là nhiều Liên đoàn, địa phương cũng đã cử VĐV tham dự, bằng các nguồn kinh phí tự túc và xã hội hóa.

Thế nhưng chính lưc lượng hùng hậu nhất trong lịch sử ấy cũng đã phơi bày một sự thật phũ phàng, khi quá nhiều môn, nội dung đoàn TTVN chỉ tham dự mang tính chất cọ xát, học hỏi tích lũy kinh nghiệm, đúng nghĩa “thi xong xuôi tất cả lại về”. Trên thực tế, chỉ có khoảng 40 tuyển thủ của 10 môn đạt tới trình độ, khả năng tranh huy chương và được cụ thể qua kết quả tổng số 36 huy chương giành được.

Trong đó, cũng nên rạch ròi khi pencak silat - môn võ cổ truyền của Indonesia lần đầu được đưa vào chương trình thi đấu ASIAD 18 như cách thỏa hiệp với chủ nhà, chiếm tới 12 tấm huy chương.

Bên cạnh các môn bóng chuyền, bóng rổ, golf thì một số môn, vốn từng là thế mạnh hàng đầu của Việt Nam như nội dung đối kháng của taekwondo, hoàn toàn bất lực trong việc tranh huy chương.

Nếu tính trên số lượng VĐV dự tranh, hiệu suất thành tích của đoàn TTVN thuộc diện kém nhất ASIAD 18, nhất là với mục tiêu cao nhất và có tính chất quyết định nhất: HCV. Lãnh đạo ngành thể thao xác định đầu tư trọng điểm cho 15 tuyển thủ để giành HCV, rốt cuộc chỉ 3 cái tên thành công, với 2 nhà vô địch ở môn pencak silat.

Tấm HCV của rowing vô cùng sáng giá và ngoạn mục, song sự thực cũng nằm ngoài dự kiến khi Trung Quốc rút lui ở nội dung thuyền 4 nữ. Tính ra, chỉ có Bùi Thị Thu Thảo là trường hợp được đầu tư và dự báo chuẩn xác, dựa trên thành tích đạt được ở các giải đấu cấp châu lục cũng như so sánh tương quan lực lượng với các đối thủ trực tiếp tranh chấp.

Điều đó trái ngược hẳn với hàng loạt “niềm hy vọng Vàng”, hay chí ít kỳ vọng sẽ có sự đột phá khác như xạ thủ vô địch Olympic Hoàng Xuân Vinh, kình ngư Ánh Viên, tài năng trẻ đường chạy tốc độ Lê Tú Chinh, võ sĩ karatedo Nguyễn Thị Ngoan đều đã thất bại, thậm chí thảm bại theo cách rất đáng thất vọng lẫn báo động.

TTVN đầu tư 200 tỉ đồng để đào tạo, tập huấn và chuẩn bị cho một đại quân dự ASIAD 18. Kinh phí tham dự, chỉ tính riêng số tuyển thủ được bao cấp cũng lên tới 15 tỉ đồng. Mức đầu tư này có thể thấp hơn mặt bằng chung và thua xa nhiều quốc gia trong khu vực, châu lục nhưng trong điều kiện, hoàn cảnh của thể thao nước nhà thì cũng cần phải coi là một vấn đề của TTVN, ở khía cạnh hiệu quả và thậm chí là sự lãng phí.

Cần nghiêm túc và sòng phẳng trong đánh giá, khi nhìn vào những con số “biết nói”: 352 VĐV, 36 huy chương và 3 HCV.

Bi hài xung quanh “tấm HCV rẻ” nhất ASIAD

Tại ASIAD, tuyển thủ điền kinh Bùi Thị Thu Thảo đã đoạt tấm HCV lịch sử cho TTVN ở nội dung nhảy xa nữ. Một chiến tích xứng đáng, thuyết phục, mang dấu ấn của đẳng cấp thực sự. Các đối thủ của Thảo, hay những chuyên gia có thói quen so sánh giữa đầu tư với kết quả, chắc hẳn sẽ phải kinh ngạc nếu biết rằng ngôi sao số 1 này đã tập huấn, thi đấu, cọ xát, chuẩn bị cho đại hội theo cách riêng biệt, với mức kinh phí khiêm tốn đến mức khó tin.

Thay vì ở các trung tâm thể thao hàng đầu với sự hỗ trợ tốt nhất, trong suốt quá trình chuẩn bị thì Thu Thảo lại chỉ tập luyện ở Trung tâm HLTTQG Nhổn, dưới sự dẫn dắt của thầy nội và chỉ có khoảng 2 tuần sang Côn Minh Trung Quốc tập huấn để thay đổi không khí. Kể từ đầu năm 2018, Thảo cũng chỉ thi đấu đúng 2 giải quốc tế cùng 1 giải quốc nội.

Theo chia sẻ của một chuyên gia trong ngành, nếu không tính các khoản cứng như tiền công, tiền ăn, trang thiết bị dụng cụ… thì tính ra đầu tư cho “cô gái Vàng” này chưa đến 200 triệu đồng. Và tấm HCV của Thảo chắc chắn là chiến tích “rẻ” nhất tại ASIAD 2018.

Thảo đã chiến thắng nhờ tài năng, ý chí, bản lĩnh và khát khao chứ không phải nhờ sự khác biệt trong quy trình, cách thức chuẩn bị cho một VĐV chuyên nghiệp thi đấu đỉnh cao. Không chỉ Thảo, mà điều này xảy ra với các niềm hy vọng khác của môn điền kinh.

Bi hài và đáng nói ở chỗ, nguyên nhân không phải là không có tiền mà điền kinh nói riêng, TTVN nói chung không thể, không biết cách tiêu tiền, khi không có khả năng xây dựng kế hoạch hợp lý để giải ngân. Rất khó tin, 180.000USD kinh phí từ ngân sách phân bổ cho môn điền kinh tập luyện, tập huấn, thi đấu trong năm 2018 chuẩn bị cho ASIAD 18, giờ vẫn còn thừa đến quá nửa.

Việc các VĐV như Thảo không muốn tập huấn ở Mỹ hay Nhật Bản, theo lý giải của những người có trách nhiệm thì xuất phát từ chính sự lựa chọn, quyết định của VĐV mà lãnh đạo phải tôn trọng. Chỉ có điều, Bùi Thu Thảo có lý do để không mặn mà với chuyện xuất ngoại, một phần vì bản thân tự tin, một phần nữa vì những người có trách nhiệm đã không có kế hoạch sớm, không hỗ trợ liên hệ địa điểm hay xây dựng được chương trình. Mãi đến tháng 3, chuyện xuất ngoại tập huấn của Thảo mới bắt đầu được tính đến thì đã muộn…

Việc các VĐV như Thảo không muốn tập huấn ở Mỹ hay Nhật Bản, theo lý giải của những người có trách nhiệm thì xuất phát từ chính sự lựa chọn, quyết định của VĐV mà lãnh đạo phải tôn trọng. Chỉ có điều, Bùi Thu Thảo có lý do để không mặn mà với chuyện xuất ngoại, một phần vì bản thân tự tin, một phần nữa vì những người có trách nhiệm đã không có kế hoạch sớm, không hỗ trợ liên hệ địa điểm hay xây dựng được chương trình. Mãi đến tháng 3, chuyện xuất ngoại tập huấn của Thảo mới bắt đầu được tính đến thì đã muộn…

Theo Dũng Tấn

Báo Lao động