Sửa sai văn bản pháp quy: Đành lòng vậy, cầm lòng vậy...
(Dân trí) - Mừng có mừng mà buồn vẫn buồn và còn rất nhiều câu hỏi. Đó là tâm trạng chung của đa số cư dân khi hay tin Cục trưởng Cục CSGT đường bộ-đường sắt (C67) vừa ra công văn khẳng định hủy bỏ quy định “phải xin phép mới được ghi hình CSGT” đang làm việc.
Lắng nghe để thấu hiểu
Điều khiến nhiều người dân mừng nhất có lẽ là dù sửa sai có phần muộn màng (sau khi đã khiến cả dư luận và giới chuyên môn phản ứng), cũng là một dấu hiệu tích cực nữa cho thấy các cơ quan chức năng đang dần chịu lắng nghe để thấu hiểu những thực tế trong xã hội, trong cuộc sống thường nhật của dân:
“Rất hoan nghênh báo Dân trí đã kịp thời phản ánh, đồng thời hoan nghênh Cục trưởng C67 đã kịp thời sửa sai. Chúng tôi là người dân luôn chúc các đồng chí CAND kiên quyết đấu tranh với tội phạm, đảm bảo trật tự xã hội. Mọi việc làm đúng đắn của các đồng chí luôn được người dân ủng hộ và tán thành. Còn một điều tôi mong ngành CSGT nên hủy bỏ, đó là không nên thu và giữ xe của người dân vô lý nhiều như hiện nay” - Quynh: dinhxuanquynh21101985@seznam.cz
“Tôi rất hoan nghênh Cục trưởng C67 đã có văn bản sửa sai sau khi rất nhiều độc giả cũng như của Cục Kiểm tra văn bản đã có ý kiến về công văn số 1042. Tuy nhiên cũng cần xem xét lại cán bộ soạn thảo văn bản và thủ trưởng ký văn bản đó, xem có ý gì hay trình độ hiểu biết về pháp luật còn hạn chế đến mức lại để một văn bản vi phạm được phát hành, làm giảm uy tín của ngành thực thi pháp luật. Tôi đề nghị phải có hình thức kỷ luật thích đáng!” - Nguyễn Trường Sơn: ntsonthtb@gmail.com
“Cảm ơn vì hành động kịp thời của Cục trưởng chứng tỏ đã lắng nghe những nỗi bức xúc của dân. Nhưng với tư cách là lãnh đạo cấp cao của 1 ngành, việc ban hành 1 công văn sai quy định, vượt quá thẩm quyền của vị phó cục trưởng thì bây giờ nói hủy công văn ấy là có thể xem như xong hết mọi chuyện được sao? Tôi e là chắc vẫn khó làm yên dư luận nếu không có biện pháp xem xét lại trình độ hiểu luật của những người thi hành luật thế này….. Chúng tôi cũng chưa nghe gì về việc vị phó cục trưởng này nhận khuyết điểm ra sao?” - Nguyễn Hoàng Nam: ws_nhn@yahoo.com
“Hãy luôn luôn biết nghe dân và lắng nghe ý kiến của nhân dân. Khi đã nghe thì cần kiểm tra lại chính mình về chức năng, quyền hạn và những quy định của pháp luật để thực thi công vụ thật tốt. Dẫu sao sai nhưng sửa chữa, nhân dân vẫn đồng tình và hoan nghênh!” - Lê Minh: lengochoang3@gmail.com
Chấp nhận thực tế nhiều khi… có còn hơn không (cũng thật đáng buồn và cả tủi nữa…) như vậy (bởi thực tế VN thường vẫn là vậy), song người dân cũng không thể không đặt nhiều câu hỏi nghi vấn về đường đi nước bước của các văn bản pháp quy, bởi chuyện ra văn bản… chưa đúng đâu phải lần này mới xảy ra?
“Không hiểu về trình tụ ban hành các quy định, quyết định của các ban ngành ra sao nữa? hình như các cơ quan chức năng nước ta cứ vướng vào bất cứ vấn đề gì thì dân lại thấy như kiểu bít lỗ hổng theo kiểu tự phát ở đó. Cứ như thể là thích ra văn bản hay quy định gì thì tuỳ ý ban hành, nhưng ngay sau đó là lại tự huỷ? Năm nay hết xe chính chủ với không chính chủ, tới đội mũ bảo hiểm hàng “nhái” với mũ bảo hiểm theo đúng tiêu chuẩn, nay lại thêm vấn đề đề này nữa. Cứ hô to xong bỏ đấy? Và một điều dễ nhận thấy rằng nhân dân ta hình như đang quen dần với các quy định theo kiểu "phong trào" của các ban ngành?” - Mr. Nam: hapoco.nam@gmail.com
“Vậy còn trách nhiệm, ai là người chịu trong việc vừa rồi? Không thể nói một cơ quan nhà nước nay ra quy định mai lại hủy! Tuy văn bản đó chưa gây ra hậu quả gì nghiêm trọng, nhưng nó cũng gây dư luận xấu trong quần chúng nhân dân. Người dân mà bức xúc, làm sai thì bị xử phạt, vậy cơ quan nhà nước làm sai thì xử phạt ra sao? Một văn bản mà khi đọc lên ai cũng (được cho là) ‘hiểu nhầm’, điều đó làm cho quần chúng nghi ngờ về trình độ của một số giới chức trong bộ máy nhà nước. Tôi đề nghị phải có hình thức kỷ luật và công bố rộng rãi cho quần chúng nhân dân biết để tránh tình trạng tương tự tái diễn” - Pham Minh: anhphap_85@yahoo.com
Và mặc dù chẳng mấy khi được tiếp thu, nhưng với tư cách là những công dân có trách nhiệm, nhiều biện pháp và kinh nghiệm xem ra sát thực tế hơn vẫn luôn được người dân tiếp tục hiến kế:
“Trên tinh thần xây dựng, tôi thấy cần đóng góp ý kiến như sau:
+ 1 là: Việc một số quy định như cho CSGT trực tiếp xử phạt hành chính vi phạm GT cần bãi bỏ, mà cần bổ sung quy định CSGT không được thu tiền dưới mọi hình thức.
+ 2 là: Tạo mọi điều kiện để người vi phạm có thể chấp hành xử phạt hành chính tại nơi nộp phạt theo quy định một cách nhanh nhất (CSGT lưu giữ giấy tờ tối đa không quá 5h, rồi phải đưa đến nơi nộp phạt theo quy định như Kho Bạc Nhà nước) nhằm chống tiêu cực hiệu quả.
+ 3 là: Cơ quan CSGT cần xem lại một số biên lai thu phí nộp phạt đã đúng chưa. Tôi đã một lần chỉ vì phạm lỗi quên không cài quai mũ BH, bị Công an TP Hải Dương phạt 150.000đ và được gửi lại bằng 3 biên lai thu phí ghi 50.000đ (không có chữ ký của người thu phí)” - Anh Anh: kiet567890@yahoo.com.vn
“Ở nước Mỹ, cảnh sát trước khi dừng xe của người dân thì bắt buộc phải bật camera ghi hình để làm bằng chứng chứng minh bạn phạm luật (xe cảnh sát luôn đậu ở phía sau). Còn ở VN tôi không hiểu sao CSGT lại… sợ bị ghi hình nhỉ?” - Sang: vuquangsang@yahoo.com
“Mong Bộ Tư pháp và Quốc hội soạn thảo một pháp lệnh: Cấm đưa ra những văn bản kém tính dân chủ và khoa học để bớt gây xáo trộn trong dân. Vì không thể thích thì ra, còn không thích thì lại thu hồi kiểu này được!” – Khi con: motvangtrangtinhyeu2008@yahoo.com