Rạch ròi Công/Tư

(Dân trí) - “Ngày 2/4 kỷ niệm lần 110 ngày sinh của nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Lương Bằng. Khi "Anh Cả" ra đi, tôi còn nhớ rất rõ phu nhân cụ đã trao lại nhà công vụ cho nhà nước mặc dù gia cảnh của gia đình lúc ấy có dư dật, giàu có gì đâu...”

Tới đây, 7 cán bộ sẽ buộc phải trả lại nhà ở công vụ ở số 2 Hoàng Cầu (ảnh: theo P. Thảo)
Tới đây, 7 cán bộ sẽ buộc phải trả lại nhà ở công vụ ở số 2 Hoàng Cầu (ảnh: theo P. Thảo)
 

Trách nhiệm công dân
 

Nhắc lại tấm gương của gia đình một cán bộ lãnh đạo, đồng thời độc giả Ngọc Dương  toandv171@gmail.com cũng nêu rõ mong muốn của bao người dân: “… Hãy học tập tấm gương của phu nhân Cụ Nguyễn Lương Bằng!”

 

Cũng về chuyện nhà công vụ đang gây nhiều tranh cãi,  Nguyen Manh Cuong nguyenmanhcuong153@gmail.com phân tích cả mặt phải và mặt trái cùng những yếu tố liên quan:

 

“Chủ trương cấp nhà cho lãnh đạo cấp cao là hoàn toàn đúng đắn, có như vậy cán bộ mới yên tâm làm việc và cống hiến. Nếu cán bộ cấp cao sống, làm việc hết lòng hết mực với công việc, không tham ô tham nhũng thì những ưu tiên đó hoàn toàn xứng đáng. Các bạn thử nghĩ xem nếu cha mẹ, người thân trong gia đình làm cán bộ cao cấp mà cứ phải lo cơm áo gạo tiền, chỗ ăn chỗ ở, vợ con nheo nhóc thì làm sao mà yên tâm làm việc được? Từ đó dẫn đến tham ô, tham nhũng và con đường phạm pháp là khó tránh khỏi. Ví dụ lương bộ trưởng bấy giờ được bao nhiêu? lo cho bản thân, con cái, gia đình, cha mẹ ..... thì bao giờ một cán bộ cấp bộ trưởng mới mua được căn nhà tiền tỷ???

 

Theo tôi nghĩ, chỉ cần cán bộ sống và làm việc tận tâm với dân với nước, trung thành với Đảng, thì họ hoàn toàn xứng đáng được hưởng những thành quả đó. Thậm chí nhà nước nên tặng căn nhà đó cho họ khi về hưu, như một món quà ý nghĩa nhất vì những đóng góp và cống hiến của họ ...  Thế hệ cán bộ trẻ đừng so sánh bởi vì các bạn đã làm được những gì, cống hiến được bao nhiêu… mà đã đòi quyền lợi, đòi hưởng thụ ...??? Các bạn hãy cứ phấn đấu và rồi những quyền lợi đó cũng sẽ dành cho các bạn”.

 

Mặt khác, từ những bất cập còn rất nhiều trong cuộc sống và xã hội hiện nay, Bùi Văn Mạnh buivanmanh255@gmail.com chỉ rõ:

 

“Thực tế thì còn nhiều bất công lắm... Những chính sách, chế độ đãi ngộ của Đảng và Nhà nước nhằm tạo điều kiện cho cán bộ công chức làm việc thì rất đúng đắn, đầy đủ. Nhưng (giá như đừng có chữ "nhưng" này thì tốt) một số cán bộ cấp cao, quan hệ rộng... mới được thuê nhà công vụ vừa rẻ vừa rộng. Nhu cầu cuộc sống thì vô cùng... Mong các bậc tiền bối bớt... xử sự như vậy đi, thì những cán bộ công chức trẻ mới có cơ hội cũng như động lực làm việc và cống hiến”.

 

TĐQ info.qm.hn@gmail.com chốt lại vấn đề: 

 

“Đó là cái xấu xa. Từng là những cán bộ cấp cao mà sao họ không nhận ra cái xấu xa đó nhỉ? Hèn chi xã hội ta cứ bị kìm chân, không đột phá được! Hãy xem những nguyên thủ của các quốc gia lớn trên thế giới, ngày đến và ngày đi họ thực hiện như nào. Đó là tính tự giác, lòng tự trọng và là trách nhiệm của công dân. Thực ra các vị ở ta cũng là công dân,  nhưng có lẽ họ đang nhầm tưởng về chính mình…”
 
(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Chính sách và sự công bằng

 

Sự không rõ ràng, minh bạch có thể thấy vẫn tồn tại ở hầu như mọi lĩnh vực, khiến dư luận luôn có những phản ứng theo kiểu phản biện. Đó cũng chính là mảnh đất màu mỡ để những việc làm sai trái, những hành vi vi phạm…liên tục phát triển tới mức báo động. Nhiều phản hồi của bạn đọc cùng chung kiến nghị: Đã tới lúc cần có sự rạch ròi giữa Công với Tư ngay cả trong chuyện nhà công vụ này:

 

“Các đ/c cán bộ được phân nhà công vụ chắc là không hiểu rõ chế độ hoặc không hiểu nghĩa của ba từ " NHÀ CÔNG VỤ". Nên chăng giải thích lại để họ rõ nhà công vụ là gì? Tôi tin chắc là các cụ trả ngay thôi mà, vì trước kia các cụ còn làm việc thường nói nhiều về chống tham nhũng đó thôi” - Nguyễn Hùng:  thehung191073@gmail.com

 

“Tôi thấy rằng nhà ở công vụ là sản phẩm "đặc quyền" cho cán bộ thời bao cấp, nay cần phải xóa bỏ. Còn nếu vẫn duy trì nhà công vụ thì hãy tập trung thành "khu căn hộ công vụ", chỉ phục vụ cho CBCC các tỉnh về TP công tác ngắn ngày, thay vì phải nghỉ tại khách sạn tốn kém. Còn cán bộ địa phương có tiêu chuẩn nhà công vụ thì nên trả tiền thuê nhà vào lương để họ thuê là hay hơn cả, cũng nhằm tránh phiền phức về chế độ chính sách sau này” - NH:  antonhung13@gmail.com

 

 “Tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm "chỉ duy trì hình thức nhà công vụ cho một số cán bộ cao cấp luân chuyển công tác và cán bộ, công chức, viên chức ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn". Không ủng hộ ý kiến của Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương là "Khi thôi công tác, cán bộ phải tự trả toàn bộ số tiền thuê nếu muốn tiếp tục ở đó", bởi sự "thuê" này chỉ dành cho "công vụ", hết công vụ thì chấm dứt, họ đi thuê ở đâu là việc của họ” -

Wan: khongdetin@gmail.com

 

 “Mỗi ông một cái nhà, tôi nghĩ chắc vài năm nữa không còn chỗ để xây cất nhà công vụ tiếp cho người hiện tại quá. Thật tình mà nói Đảng, Nhà nước ta nên làm nghiêm túc việc nhà ở công vụ, đừng để mọi người có suy nghĩ này nọ. Cán bộ lãnh đạo cấp cao hình như những đặc ân của Đảng và Nhà nước đã có rồi mà, chắc không thể quá thiếu thốn… mà còn đòi hỏi thêm nữa...?” - Thiếu Gia:  thieugia@yahoo.com

 

Vấn đề chính vẫn là cần rõ ràng trong chính sách và đảm bảo công bằng, như Lê Xuân Thuỷ  lexuanthuy1962@yahoo.com nhấn mạnh:

 

“Không hiểu sao lâu nay chính Bộ Xây dựng là cơ quan quản lí mà thiếu chính sách ban hành? Và căn cứ vào đâu để thực hiện giá cho thuê nhà công vụ như thế được? Theo tôi, phải rõ ràng chính sách và phải công bằng. Nếu như tiền thuê nhà chưa tính vào lương thì quan chức ở nhà công vụ là cho mượn, không phải trả tiền thuê, mà chỉ thanh toán phát sinh như điện, nước... Khi nghỉ hưu hay luân chuyển ...thì trả nhà lại cho người khác có ở. Còn tiền lương có tiền thuê nhà rồi thì phải thuê, nhưng giá thuê nhà phải tính đúng, tính đủ khấu hao...Cũng nên hạn chế luân chuyển cán bộ vì luân chuyển nhiều thì phải có nhà ở cho cán bộ và gia đình họ, dễ thiếu nguồn nhà cung cấp. Còn xây ra nhiều thì...lãng phí. Có lẽ nên bố trí cán bộ luân chuyển ở nhà khách, theo tôi là hợp lí nhất”.

 

Khánh Tùng