Bạn đọc viết:

Phí hạn chế phương tiện: Không có căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn

(Dân trí) - Vì Phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ là thu tiền mà không cung cấp dịch vụ, tác động sai đối tượng. Muốn giải bài toán giao thông, Bộ GTVT cần bình tĩnh hơn khi đề ra quyết sách, tránh ảnh hưởng xấu đến tâm lý hàng chục triệu người dân.

Phí hạn chế phương tiện: Không có căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn
Tăng thu phí, liệu có giảm được lưu lượng xe? (ảnh minh họa: Thethaovanhoa.vn)

 

Trong  những ngày gần đây, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đến đề xuất của Bộ GTVT về Phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ. Vậy căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn của đề xuất này ra sao?  
 
Theo quy định tại Điều 2 Pháp lệnh về phí và lệ phí, “Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ được quy định trong Danh mục phí ban hành kèm theo Pháp lệnh này”.

 

Từ định nghĩa pháp lý về phí, có thể thấy rằng một loại phí mới chỉ phát sinh khi đảm bảo cả hai điều kiện: Thứ nhất, phải có quan hệ về cung cấp và sử dụng dịch vụ giữa tổ chức, cá nhân nộp phí và tổ chức, cá nhân thu phí. Thứ hai, loại phí đó phải có trong danh mục phí ban hành kèm theo Pháp lệnh về phí và lệ phí.

 

Nhìn từ góc độ tài chính, phí là khoản thu mang tính chất bù đắp chi phí chi phí đầu tư, bảo dưỡng, duy tu… của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ đối với những hoạt động phục vụ người nộp phí. Chính vì vậy, mục đích của từng loại phí rất rõ ràng, thường phù hợp với tên gọi của nó, chẳng hạn Phí trông giữ xe, Học phí, Viện phí...

 

Với đề xuất của Bộ GTVT, câu hỏi đặt ra là tổ chức, cá nhân sở hữu xe môtô, xe ôtô được Nhà nước cung cấp dịch vụ gì khi trả Phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ? Trong văn bản và phát ngôn chính thức của Bộ GTVT về Phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ, không có bất kỳ một nội dung nào phân tích về dịch vụ mà người sở hữu xe môtô, xe ô tô được thụ hưởng khi trả phí. Khi không chỉ ra được dịch vụ cung cấp cho người dân, điều kiện tiên quyết để hình thành một loại phí mới, thì có thể khẳng định đề xuất Phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ trái với quy định của Pháp lệnh về phí và lệ phí.

 

Nhìn vào mục tiêu chính của loại phí mới, như tên gọi của nó, là hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ, thì bất cứ ai có hiểu biết cơ bản về pháp luật, đều dễ dàng nhận thấy rằng: đề xuất của Bộ GTVT đã điều chỉnh sai đối tượng và sử dụng không đúng công cụ điều tiết vĩ mô.
 

Về mặt thực tiễn, để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ cần phải tác động trực tiếp đến nhóm dân cư đang có nhu cầu mua xe mới. Theo thống kê, hiện nay cả nước có khoảng 33 triệu xe môtô và 1,1 triệu xe ôtô. Phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ, nếu được ban hành, sẽ áp dụng đối với tất cả chủ sở hữu cá nhân xe môtô và xe ôtô chứ không phải 0,77% như báo cáo của Bộ GTVT, trong đó có rất ít người có nhu cầu đổi xe mới. Như vậy, việc tác động đến nhóm dân cư đang sở hữu xe môtô, xe ôtô không có tác dụng nhiều trong việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ.

 

Dưới góc độ quản lý Nhà nước, các loại phí không phải là công cụ điều tiết vĩ mô. Để định hướng tiêu dùng trong nước, trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của nước ta đã có Luật thuế tiêu thụ đặc biệt. Nếu thực sự muốn hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ, Nhà nước chỉ cần tăng thuế suất Thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng đối với các loại xe môtô, xe ôtô sẽ có tác động trực tiếp, tức thời và hiệu quả đến nhóm dân cư đang có nhu cầu mua xe mới.

 

Từ phân tích trên đây, có thể khẳng định rằng: với việc thu tiền mà không cung cấp dịch vụ, tác động sai đối tượng, Phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ do Bộ GTVT đề xuất không có căn cứ pháp lý và cơ sở thực tiễn.

 

Gian nan tỏ mặt anh hào, muốn giải bài toán giao thông ở Việt Nam, Bộ GTVT cần bình tĩnh hơn trong việc đề ra quyết sách, tránh làm ảnh hưởng xấu đến tâm lý hàng chục triệu người dân lao động trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay.
 

Luật gia Bùi Văn Kiên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm