Ký sự: Hành trình gieo chữ trên những nẻo đường khói lửa

(Phần 2) Vượt Trường Sơn

(Dân trí) - Xe ô tô tiến thẳng hướng Nam đi vào dãy Trường Sơn. Có những đoạn đường cheo leo, bánh xe ô tô vừa khít mép đường, dưới là vực sâu thăm thẳm, cây cối đen kịt làm chúng tôi sợ thót tim không dám nhìn ra ngoài, đành phó mặc cho lái xe....

Trên đường hành quân (ảnh minh họa: Đoàn Công Tính)
Trên đường hành quân (ảnh minh họa: Đoàn Công Tính)

 

Chỉ sơ sẩy một chút là vô cùng nguy hiểm, nhưng rồi tất cả cũng qua, cánh lái xe Trường Sơn tuyệt vời thật!
   

Chặng dừng chân đầu tiên là làng Ho, Quảng Bình... Trời  mưa tầm tã, mặc dù đã được học cách căng tăng, mắc võng nhưng chúng tôi vẫn lúng túng. Các anh trong đoàn chọn những cây đẹp nhất, trung tâm nhất dành cho bọn con gái. Chỗ trú tạm ổn, lại nẩy sinh vấn đề làm sao no bụng vì nấu được cơm là cả một vấn đề. Phải chẻ củi, bỏ vỏ lấy lõi, nhóm mãi lửa mới bùng lên được.

 

Đêm Trường Sơn đầu tiên thật khó ngủ, nằm trong võng nghe mưa rơi càng nhớ nhà cồn cào nhưng không dám khóc vì biết các anh sợ nhất là bọn con gái khóc.

 

Hôm sau lại nhận thêm gạo và thực phẩm, lần này được phát cả lương khô 702 là loại ưu tiên cho dân chính và sĩ quan quân đội. Dốc Nguyễn Chí Thanh nghe tên thì thân thiết vậy mà mới nhìn thấy ai cũng sởn gai ốc. Đường trơn trượt, may mà có dép  cao su lốp đúc của Trung Quốc mới bám đường được. Dốc cao dựng đứng, đầu người nọ chạm chân người kia, nhích từng bước…mãi cũng qua hết dốc.

 

Và rồi cứ thế chúng tôi vượt qua hết trạm giao liên này tới trạm giao liên khác, càng đi thấy sức trong người càng yếu đi. Nhiều trạm phải đi vào ban đêm để tránh máy bay địch, anh Lộc người miền Nam thậm chí đã nổi cáu với giao liên: “Sao bảo đi 10 km mà mãi không đến?” 

 

Cũng chỉ vì ai cũng mệt quá rồi, quá sức chịu đựng rồi. Có những chặng qua trảng trống phải vừa đi vừa chạy gồng theo chiếc ba lô nặng trĩu. Các anh trong đoàn cậy nhờ giao liên mang giúp ba lô cho bọn con gái, đến trạm nghỉ thì gạo trong ba lô của con gái được nấu trước để đỡ vác nặng. Nhiều trạm không có nước, phải đi khiêng nước rất xa. Đường thì gập ghềnh lúc qua những con suối cạn, có lúc lại vượt sông. Khi đó ba lô được gói gọn làm phao bơi , chị em được ưu tiên đi xuồng… Nhiều cánh rừng còn có vắt, thật là cơ khổ vì chị em sợ lắm! Đúng là nếu không có tình đồng đội, sự sẻ chia và thương yêu nhau như ruột thịt thì có lẽ chúng tôi đã không thể vượt qua nổi  bao khó khăn gian khổ lúc ấy.

 

Trên đường hành quân thỉnh thoảng chúng tôi gặp những em bộ đội trẻ măng bị rớt lại phải đi lẻ vì không theo kịp đoàn. Sức các em đều đã yếu đi nhiều, tôi còn một ít sâm khi đi được phát lại lấy ra chia cho các em. Giữa mênh mông rừng núi  nghĩ càng thương các em vô cùng vì biết bao nhiêu cạm bẫy phía trước. Nào đói khát, nào bệnh tật mà sợ nhất là sốt rét rừng, nào biệt kích thám báo lúc nào cũng rình rập... Chỗ các em đáng lý đang ngồi trên ghế nhà trường mới phải...

 

Đến trạm nào có suối, chúng tôi  rất mừng, nhờ các anh mang súng đi canh cho bọn con gái tắm. Cảm giác sạch sẽ thật là dễ chịu. Trên đường hành quân,  khi nào cánh con gái chúng tôi được các anh bộ đội ở trạm giao liên nhận đồng hương là lại được cho rau xanh, có khi còn có cả cá, thịt rừng và hôm ấy coi như bữa tiệc vì chúng tôi rất thiếu rau xanh, có khi phải ăn cả rau tàu bay rừng, rau ngót rừng.

 

Đoạn qua Lào đoàn gặp một số người dân đứng sẵn ven đường chờ đổi hàng. Đổi gương lược được một quả bí  và ít rau. Chi tôi hôm đó còn mạnh dạn đổi một cái quần lấy con chó, nhưng không hiểu cột thế nào chó… chạy mất tiêu. Tiếc đứt ruột vì mất bữa ăn tươi hiếm có!

 

Có hôm gặp một thanh niên Lào xách xâu cá tươi, đang bàn nhau cử một người đến xin cá, không ngờ anh thanh niên ấy lại nói tiếng Việt rất sõi. Hỏi ra anh đã học trung cấp Thủy lợi tại Việt Nam, anh kể lại kỷ niệm đã từng ăn ốc ở chợ Đồng Xuân Hà Nội....Mừng không khác gì được gặp lại người nhà.

 

Một chuyện đáng nhớ khác là hôm ấy đang ngủ trong hầm tránh B52, tôi nghe có tiếng một anh bộ đội đến nhận đồng hương, anh xưng tên là Việt và nói là bạn cùng học với chị Sáu của tôi. Tuy nghe thấy tất cả nhưng tôi không dám lên tiếng vì vốn hay bị phê bình về chuyện tiếp khách làm ảnh hưởng tới giờ nghỉ của đoàn.

 

Thế là anh ấy cứ chờ tôi từ sáng đến chiều, tưởng anh đã về rồi tôi mới lên và… nhận ra người quen. Sau đó anh đi tiễn tôi qua suốt mấy trạm giao liên. Trông anh thật nam tính, rất chững chạc trong bộ quân phục đã bạc màu, chặng đó anh đã giúp tôi và đoàn rất nhiều….Tiếc là mãi 35 năm sau tôi mới lại có được tin tức về anh.

 

Chúng tôi cũng có được những ngày vượt qua những cánh rừng cao nguyên đẹp mê hồn với những hàng cây thẳng tắp như được trồng. Lần đầu tiên thấy rừng mà lại bằng phẳng, chúng tôi rất thích. Chi 8, chi 10, các anh chị miền Nam tập kết như chị Cúc Son, chị Mỹ Dung cùng các anh mang đàn ghita ra gảy, chúng tôi được tận hưởng những phút giây thư giãn hiếm có trong niềm xúc cảm thấy càng yêu hơn Tổ quốc Việt Nam xinh đẹp, hùng vĩ...

    

Gần 6 tháng đi bộ vượt qua bao nhiêu chặng đường là bấy nhiêu khó khăn gian khổ, nhất là khi phải nếm trải những trận sốt rét rừng đầu tiên. Một số bị sốt rét ác tính đã vĩnh viễn nằm lại trong rừng. Chị Xuân khi vượt lộ 13 đã bị địch bắt…Những mất mát ban đầu đó khiến chúng tôi đau xót mãi khôn nguôi...

 

Vượt  Trường Sơn các anh khổ một thì chị em khổ gấp mười lần. Đi bộ lâu ngày chân ai cũng sưng tấy. Gian nan nhất là mỗi khi trúng vào ngày “đèn đỏ” của chị em, chúng tôi phải chọn đi cuối cùng để che cho nhau, càng mong ngóng sao cho chóng đến trạm nghỉ.

 
Chính những kỷ niệm đó cũng đã tạo cảm xúc cho nhà giáo Nguyễn Minh Khang viết nên những vần thơ cây nhà lá vườn:

 

Bom Mỹ thả dọc Trường Sơn

Trời đêm pháo sáng, đường dày bom rơi

Đèo Phu la Nhích cổng trời

Hành quân đội bước chân người leo lên

Lưng đèo thác đứng liêu xiêu

Cánh tay bám ngược, cánh diều mong manh

Bám chân giữ gió, đạp cành

Nhính lên từng bước, mong manh qua đèo

Vực sâu, vách đá cheo leo

Bước chân tới đỉnh, nắng chiều đã gieo.

 

(còn tiếp)

 

Phạm Thị Hải Ấm (Giáo viên khu Trung Nam Bộ 1969-1975)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm