Ký sự: Hành trình gieo chữ trên những nẻo đường khói lửa:

(Phần 1): Ra đi không hẹn ngày trở lại

(Dân trí) - Cuộc sống thời chiến tranh đã cho chúng tôi biết bao điều ý nghĩa mà hiện nay xem ra khó có được như xưa. Đó là lý tưởng sống, tình bạn, tình yêu, tình người đã gắn bó chúng tôi. Và chúng tôi đã lên đường giữa những ngày cả nước vui sao...

(ảnh tư liệu minh họa): Giữa những ngày vui sao, cả nước lên đường...

(ảnh tư liệu minh họa): Giữa những ngày vui sao, cả nước lên đường...
Dân tộc ta, đất nước ta đã trải qua bao cuộc kháng chiến thần kỳ mà gắn liền với những chiến tích đó là cuộc sống của mỗi con người, mỗi gia đình. Chúng tôi cũng đã ra đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc,  mang cả tuổi thanh xuân đầy ước mơ và hy vọng chiến thắng vào chiến trường bom đạn. Vâng, chúng tôi đã ra đi làm nghĩa vụ của tuổi trẻ mà không hề tính toán dù biết trước rằng sẽ gian khổ, sẽ phải hy sinh...Chúng tôi vẫn quyết tâm ra đi  không hẹn ngày trở lại.

Và thế rồi sau những cuộc chia tay tiễn biệt của cơ quan, gia đình, bạn bè trang trọng và đầy lưu luyến là quãng thời gian mở màn vẫn còn khá tĩnh lặng khi chúng tôi được tập trung học tập và rèn luyện tại Hoà Bình.

Xe đón chúng tôi từ Chương Mỹ về trường 105 của Uỷ ban Thống nhất. Về đây mọi sinh hoạt gần như cách biệt với bên ngoài, chúng tôi không được thư từ cho gia đình và bạn bè nữa. Vừa học tập, bồi dưỡng nghiệp vụ chúng tôi  vừa rèn luyện leo núi. Với chiếc ba lô nặng gần 20 kg  gạch và chiếc gậy Trường Sơn, chúng tôi tập leo núi vào ban đêm chừng vài tiếng đồng hồ. Những buổi rèn luyện đó thật vất vả nhưng cũng khá thú vị.

Đoàn của chúng tôi gồm 249 giáo viên là các khung sư phạm chi viện cho miền Nam theo Quyết định số112QĐ/BGD ngày 20 tháng 2 năm 1969 của Bộ Giáo dục. Mỗi chi khoảng 20 người,  Chi của tôi là Chi 3 gồm các anh ở Vĩnh Phú và các anh là giáo viên miền Nam tập kết trở về quê hương chiến đấu.

Anh Phạm Hứa là Chi trưởng kiêm Bí thư chi Bộ. Trước khi đi anh Hứa  đến thăm gia đình tôi, Thầy tôi gửi gắm con gái anh nhờ chăm sóc giúp đỡ và anh đã tận tình lo cho tôi trong suốt quá trình hành quân gian khổ cùng các anh Khuy,  Tòng, Lãng, Kán, Nhâm, Tương, Cường, Bảng, Cảnh, Lương, Kiều, Nhã …. Chi tôi có 21 người thì chỉ mình tôi là con gái, trước khi đi nhập  thêm 2 nữ cán bộ y tế nữa là Ngân và Hoa.

Thời gian ở Hoà Bình đã để lại trong chúng tôi biết bao kỷ niệm. Tuổi trẻ hồn nhiên, chúng tôi say sưa với cảnh sắc đất trời... Cuối buổi tập chúng tôi đi lội suối, hái ổi... Tâm hồn chúng tôi vẫn thật bay bổng với hy vọng được cống hiến cuộc đời cho đất nước. Lúc đó nếu ai đó tỏ ra hoang mang, dao động, sợ chiến tranh gian khổ, không xa nổi gia đình... sẽ bị trả lại cho cơ quan ngay. Nhưng chúng tôi tự hào mình tự nguyện ra đi thanh thản mặc dù thực ra chúng tôi chỉ hiểu rất lơ mơ, cứ nghĩ rằng mình sẽ vào vùng giải phóng mở trường dạy học cho con em đồng bào miền Nam. Thật là vinh dự!

Trong đoàn đa số là thanh niên trẻ chưa lập gia đình riêng ngoài anh Hứa, anh Tòng, anh Khuy đã có gia đình. Anh Tương kín đáo và ít nói, anh Lãng trông rất thư sinh trắng trẻo, anh Nhâm thì ít nói quá, anh có người yêu ở lại nên có vẻ rất buồn. Anh Kán lại  rất sôi nổi và nhiệt tình, nhiều hôm anh trèo cây lấy lá nguỵ trang cho các cô gái chúng tôi, bị anh Hứa phê bình là phải giữ sức khoẻ để hành quân. Buổi tối thanh niên thường tập văn nghệ, anh Kán lĩnh xướng nhưng ngọng l, n hát bài Con suối La La thành Con suối Na Na... làm cả đoàn cười vỡ bụng.          

Ở trường 105 huấn luyện và bồi dưỡng, mỗi buổi tập phải đeo từ 18 đến 20 viên gạch nhưng sau mỗi buổi hành quân lại được bồi dưỡng đường sữa, cháo thịt ... Trong khi ở ngoài gần như mọi người dân đều phải ăn uống kham khổ theo chế độ tem phiếu, thì ở đây chúng tôi được ăn theo nhu cầu. Các bác cấp dưỡng đều là người miền Nam nấu ăn rất ngon nên chúng tôi ai cũng lên cân.

Trước khi đi, Thứ trưởng Lê Liêm đến thăm và dặn dò chúng tôi: “Các đồng chí hãy đem những gì ưu việt nhất của miền Bắc XHCN về với đồng bào miền Nam, con em miền Nam đang phải chịu bom đạn hy sinh, không để các em phải thiếu chữ”. Lời dặn đó theo suốt mọi chặng đường công tác và chiến đấu của mỗi người trong chúng tôi..

Sau đó chúng tôi đi nhận quần áo, quân trang. Quần áo lính vừa dày vừa nặng, chúng tôi lúi húi cắt hết những nẹp vải thừa để  hành trang đỡ được gram nào hay gram đó vì biết đường đi sẽ rất dài và gian khổ.  Ngoài lương thực, thuốc men chúng tôi còn phải mang theo mấy bộ sách giáo khoa và quán triệt: sách là vũ khí của giáo dục, phải tuyệt đối  giữ gìn. Nhìn ba lô nặng trĩu, chúng tôi động viên nhau: Phải cố gắng!

Ngày 5 tháng 3 năm 1969 xe ô tô đưa chúng tôi từ Hoà Bình đến câu lạc bộ Thống Nhất cạnh Bờ Hồ để tham dự  lễ tiễn đoàn. Nhìn cảnh các anh chia tay vợ con, nhất là khi anh Sáu Thọ xúc động ôm hôn vợ, chúng tôi không ai cầm được nước mắt...

Vậy là ra đi không hẹn ngày trở lại... Bước lên xe nguỵ trang bít bùng... Trời mưa phùn lâm thâm như cũng hiểu lòng chúng tôi.

Tạm biệt Hà Nội, tạm biệt quê hương miền Bắc. Những ngày gian khổ bắt đầu.

Ngồi trong  xe tải được kê ghế ngồi, dưới bóng lá nguỵ trang chúng tôi bắt đầu hát... Hát cho quên say xe, cho đỡ nỗi nhớ nhà. Cảm ơn các bài hát hào hùng và khí thế đã tiếp thêm nghị lực cho chúng tôi.

(còn tiếp)

Phạm Thị Hải Ấm (Giáo viên khu Trung Nam Bộ 1969-1975)