Niềm tin 100 đôla và tư duy Grab

Không phải từ áp lực dư luận mà cả Phó Thủ tướng lẫn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đều lên tiếng về vụ đổi 100 đôla bị phạt 90 triệu ở Cần Thơ. Cũng chẳng vì thiệt thòi quá hay sức ép công chúng mà Giám đốc Grab Việt Nam phải gửi tâm thư đến Thủ tướng.


Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Chẳng những công chúng, nhiều chuyên gia cả ngân hàng lẫn pháp luật đều thấy những bất hợp lý xung quanh việc phạt 90 triệu đồng với anh thợ điện Nguyễn Cà Rê ở Cần Thơ vì đem 100 đôla ra đổi ở tiệm vàng. Họ phản ứng vì e ngại đây sẽ là tiền lệ xấu cho những vụ tương tự để rồi người dân bị xói mòn niềm tin vì những quy định chưa thấu tình đạt lý. Họ sợ rằng, mức và cách phạt đó còn ảnh hưởng đến những điều lớn lao mà nền kinh tế nước nhà sẽ mất nhiều hơn được.

Giờ đây chuyện không chỉ của Cần Thơ hay cơ quan quản lý những giao dịch ngoại hối khi Phó Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu tính hợp pháp, hợp lý việc UBND thành phố Cần Thơ phạt người đổi 100 đôla ở tiệm vàng và có kiến nghị cần thiết, phù hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30.10.2018. Mốc thời gian khá cấp bách ấy đã chứng tỏ vấn đề cần có các giải quyết phù hợp với thực tiễn cuộc sống ở tầm quốc gia.

Những tín hiệu khẩn trương, kịp thời và cụ thể ấy là điều mà dư luận luôn trông đợi trong những sự vụ tương tự. Không thể tồn tại những quy định cứng nhắc, xa rời thực tế trong thời đại “ công nghệ 4.0” và Chính phủ kiến tạo. Càng không nên có những vụ việc tái diễn trong tương lai ngay trong lúc mà đất nước cần mọi nguồn lực, sự đồng tâm hiệp lực hơn nữa.

Câu chuyện Vinasun kiện Grab sẽ còn tranh cãi dài dài vì ngay cả Bộ GTVT vẫn đang lúng túng sẽ quản Grab như thế nào để taxi truyền thống không thiệt thòi, ngân sách bớt thất thu và xe cộ đỡ bát nháo! Nhưng quản Grab như taxi hay quản taxi như Grab thì cũng phải tính đến cái lợi lâu dài, ảnh hưởng sâu rộng và tác động lan xa.

Những start-up, ứng dụng công nghệ và nhiều hình thức kinh doanh mới đang chờ xem các cơ quan công quyền ứng xử thế nào để họ “tâm phục khẩu phục”. Nên bỏ con săn sắt bắt con cá rô chứ đừng ngược lại vì lợi ích trước mắt và chiều lòng một số DN nội vốn được “cưng chiều” xưa nay. Hội nhập cũng như tương lai tốt đẹp cho nước nhà cần chúng ta làm điều đó, mạnh mẽ dứt khoát từ ngay bây giờ.

Đây là giai đoạn không còn chấp nhận tư duy “hàng hai”, tuyên bố thế này hành động thế khác. Dù là luật, quy định hay lối mòn, chẳng còn phù hợp, đi ngược xu hướng hay có hại cho tương lai cũng cần chấn chỉnh, xóa bỏ và làm lại cho hợp lý, hợp tình, hợp thời đại hơn. Khẳng định càng sớm tư duy ấy, xã hội càng phát triển, ổn định và niềm tin dân chúng cũng sẽ hồi phục.

Theo Anh Đào

Báo Lao động