Bạn đọc viết:

Những nghịch lý trong cơ chế thực hiện dự án của ngành GTVT

(Dân trí) - Lời nói của Bộ trưởng Thăng cần được toàn ngành Giao thông Vận tải (GTVT) thực thi nghiêm túc. Nhưng trên thực tế, hãy thử xem cơ chế thực hiện một dự án trong ngành GTVT lâu nay ra sao để thấy rõ những nghịch lý vẫn còn đó.

Những nghịch lý trong cơ chế thực hiện dự án của ngành GTVT
Lâu nay dư luận bức xúc trước việc vốn đầu tư cho giao thông lớn, nhưng nhiều công trình vừa làm xong đã hỏng (trong ảnh: mặt cầu Thăng Long sau khi sửa chữa)

 

1. Về đấu thầu công trình: 

 

Chúng ta vẫn cứ "loay hoay" tìm cách thức để công trình được giao cho đơn vị thực chất có năng lực. Nhưng theo tôi được biết, ở một số "ban A" lại vẫn đang đưa ra một tiêu chí là: muốn tham gia đấu thầu, nhà thầu phải có 100 tỉ "gửi" vào tài khoản thuộc ban A.

 

Các doanh nghiệp "nhà nước" (là các Cienco đang được mang tên mới) đang… "lỗ là chính" thì lấy đâu ra 100 tỉ "nhàn rỗi" để đóng trong 5-7 tháng nhằm đấu thầu một công trình? Mà muốn đi vay có lẽ cũng chẳng có ngân hàng nào đủ can đảm cho vay. Nhưng với  các công ty tư nhân thì chuyện đó không khó, ví dụ như trường hợp xây mấy cái cầu vượt bằng thép ở Hà Nội mới đây chẳng hạn.

 

Hệ quả là các đơn vị nhà nước, công nhân nhà nước, máy móc nhà nước… lại đi làm thuê cho mấy đơn vị trúng thầu. Đã làm thuê (nhận thầu lại) thì giá phải thấp, rồi còn các loại phí nữa... Vậy là công trình nghiễm nhiên được "giảm giá", mà nhà nước (thể hiện ở giá thành của công trình đó) thực chất lại không được mang lại giá trị như mong đợi. Chất lượng công trình, hiển nhiên tự nó cũng được… "khấu trừ".

 

2. Về cách thức quản lí:

 

Ban A là chủ đầu tư hoặc đại diện cho chủ đầu tư, thường không quản lí trực tiếp trên công trình trong quá trình thi công. Đơn vị thi công làm việc, có "giám sát công trình" kiểm tra, nghiệm thu chất lượng khối lượng công việc hàng ngày... để đơn vị lập các chứng từ nộp chủ đầu tư thanh toán.

 

Giám sát công trình rất quan trọng đối với chất lượng và giá thành công trình, nhưng tôi thấy họ lại thường là đơn vị "lỏng lẻo" nhất về tổ chức.  Họ không cần phải có "đặt cọc" cho công việc mà họ phải làm tại công trình đó. Họ được "quyền" tăng/rút" nhân sự theo tiến độ công trình. Có thể lúc thi công dồn dập thì tới cần hàng trăm cán bộ (nếu là công trình trọng điểm nhà nước), nhưng khi gần kết thúc thì chỉ còn lại một bộ phận nhỏ làm "chỉ tồn" nốt các công việc của nhà thầu.

 

Họ kí nghiệm thu và rồi rất nhiều cán bộ "biến mất" khỏi công trình (chuyển sang công trình khác, đi nước ngoài, thậm chí không còn… xuất hiện trên đời nữa...) Chất lượng mà họ kí, không ai "bảo hành" thay được.

 

Tôi chỉ nêu hai vấn đề trong muôn vàn vấn đề, cũng là với mong  lời của Bộ trưởng Thăng sớm biến những lời nói thành hiện thực. Mong cần xét từng việc như vậy để giải quyết dứt điểm.

 

Đặng Văn Hải