Bạn đọc viết:

Nhớ về Cô giáo – nữ chiến sĩ biệt động Anh hùng

(Dân trí) - Cô Lê Thị Bạch Cát đã hiến dâng tuổi trẻ của mình cho Tổ quốc... Đến nay phần mộ của Cô vẫn chưa được tìm thấy... Tấm bằng Tổ quốc ghi công Cô, với người dân chưa thể đủ, Cô mãi là một nữ chiến sĩ biệt động Anh hùng trong lòng dân...

Cô Lê Thị Bạch Cát (ảnh tư liệu)
Cô Lê Thị Bạch Cát (ảnh tư liệu)
Cô là liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát, người con của quê hương xã Nghi Thủy, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An (nay là Khối 4, phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An). Nhân dân thờ Cô tại đền Nhơn Hòa phường Cô Giang, Quận 1 Thành phố Hồ Chí Minh. Hội đồng Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đặt tên cô cho một con đường ở phường 13, quận 11 và một trường THCS. Năm 2000 Ủy ban Nhân dân thị xã Cửa Lò quê hương cô cũng quyết định đổi tên trường THCS Thu Thủy thành trường THSC Lê Thị Bạch Cát và đặt tên Cô cho một con đường tại Thị xã Cửa Lò.

Ông Dương Ngọc Xô - Chủ tịch UBND Phường Nghi Thuỷ cho biết: Đã hơn 40 năm kể từ ngày Cô Bạch Cát anh dũng hy sinh, nhưng tấm gương nữ nhà giáo anh hùng vẫn sống mãi trong lòng bao người dân, nhất là cư dân phường Nghi Thuỷ - quê hương Cô. Địa phương đã in lại câu chuyện về Cô Bạch Cát thành tài liệu để giáo dục truyền thống cách mạng.

Cô sinh năm 1940, là con út trong một gia đình nhà nho có 8 người con tại xã Nghi Thủy, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An (nay là phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò). Sớm thấy cảnh trẻ em khát chữ, cô đến với nghề sư phạm. Được Bộ Giáo dục cử tham gia lớp đào tạo cấp tốc để tạo nguồn cho đội ngũ giáo viên TDTT, ngay sau khi cô tốt nghiệp ra trường cũng là lúc trường Trung cấp Thể dục (nay là trường Đại học Sư phạm TDTT Hà Nội) được thành lập, cô trở thành một trong những giáo viên đặt viên gạch đầu tiên cho ngành giáo dục thể chất.

Khi cánh cửa tương lai đầy hứa hẹn về sự nghiệp mà bấy lâu cô hằng ấp ủ mới hé mở được 2 năm,  cũng là lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ vào giai đoạn quyết liệt. Cô làm đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Sau khi vượt Trường Sơn vào chiến trường miền Nam, Cô cùng đoàn công tác tập kết tại căn cứ của Khu đoàn Sài Gòn - Gia Định ở Bến Cát, Bình Dương. Rồi Cô được điều về công tác ở Thành đoàn Sài Gòn, tham gia lực lượng biệt động trong nội thành với bí danh Sáu Xuân.

Tháng 5/1966 Cô được điều về lực lượng vũ trang Khu đoàn Sài Gòn - Gia Định, tham gia thành lập Tiểu đoàn nữ biệt động Lê Thị Riêng. Cùng thời gian này Cô đã tìm cách liên hệ với một số cơ sở có cảm tình với cách mạng tại quận 2, với thẻ căn cước giả mang tên Đinh Thị Lan.

Để tạo cho mình một vỏ bọc hợp pháp, Cô phải trải qua đủ nghề từ làm thợ may, làm nón, bán rau cải, chanh ớt... vừa tự kiếm sống, vừa thu thập tin tức xây dựng cơ sở cách mạng. Hẻm 83 Đề Thám trở thành cơ sở hoạt động của Cô. Tại đây, Cô xây dựng được mạng lưới cơ sở cách mạng như gia đình ông Trần Quớ Huê, Trần Văn Quỳ... làm nơi cất giữ vũ khí, tập kết lực lượng để chờ xuất kích dịp tết Mậu Thân 1968. 

Theo lời  kể của ông Nguyễn Chí Nhân (Hai Nhân), Phó Bí thư Quận ủy, phụ trách quân sự: “Sở dĩ cô Bạch Cát chọn địa điểm này làm nơi xuất kích, là nhằm tấn công vào ty cảnh sát quốc gia ở 72 Yersin (nay là trụ sở Công an Quận 1)”.

Trong cuộc tổng tiến công nổi dậy mùa xuân Mậu Thân 1968, Cô Bạch Cát chỉ huy tổ võ trang tuyên truyền Quận 4, phát động quần chúng nổi dậy đánh vào hẻm Hiệp Thành tại bến Văn Đồn. Các đội viên cảm tử Tô Liên, Phan Giáo Dục, Lê Hòa... đã treo cờ cách mạng từ 23 giờ đêm mồng 1 đến 3 giờ sáng mồng 2 Tết Mậu Thân.

Tháng 3/1968, Cô chuyển về Quận 2 giữ chức vụ Quận ủy viên, Bí thư Quận đoàn, chuẩn bị vũ trang liên quận 2 và 4 (nay là Quận 1) chỉ huy khoảng 40 người tới các cụm, các điểm ém quân của ta tiến vào theo kế hoạch, rồi tấn công đồng loạt vào các cơ quan đầu não của ngụy quyền Sài Gòn.

Trong trận đánh quyết tử 5 giờ sáng 5/5/1968 tại mặt trận Đề Thám - Cô Bắc - Cô Giang, Cô Lê Thị Bạch Cát cùng đội vũ trang tuyên truyền gồm Lê Thị Hồng Quân, Trần Thị Viện, Phan Văn Phê, Nguyễn Hữu Phước, Võ Thị Thu (Chín Thu), Hà Văn Tiết (công nhân cảng Ba Son), Quang - liên lạc (15 tuổi, Việt Kiều ở Lào về)... từ hẻm 83 Đề Thám kêu gọi nhân dân nổi dậy, phân phát truyền đơn, tuyên truyền đường lối của Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam.

Lệnh khởi nghĩa vừa phát ra, cảnh sát dã chiến và cảnh sát quận 2 cũ  đã bao vây toàn bộ khu vực Đề Thám - Cổ Bắc - Cô Giang. Một tiểu đoàn cảnh sát dã chiến trên chung cư Cô Giang nã đạn xuống xối xả, một tốp khác từ ngoài bắn vào. Cô Bạch Cát vẫn bình tĩnh chỉ huy đồng đội chiến đấu cầm cự với địch nhiều giờ đồng hồ cho tới lúc Cô bị thương nặng và anh dũng hy sinh, bị giặc mang thi thể đi mất.

 Đến nay, phần mộ của Cô vẫn chưa được tìm thấy...

Minh Tư: mtu.tdh@moet.edu.vn