Nhân tài lương 5 triệu rưỡi, phải sống bằng đam mê hay bưng bê?
Thứ đang nuôi sống Lý Kim Hà là quán hủ tiếu gia đình, nơi anh vẫn phụ má bưng bê hàng ngày. Chính việc bưng bê ở quán hủ tiếu này đã nuôi anh, một Tiến sĩ, giảng viên ngành toán. Nuôi con trai anh. Nuôi cả tương lai nữa.
Năm 2014, tháng lương đầu tiên mà Hà nhận được tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM chính xác là 4 triệu đồng và 400 ngàn phụ cấp. Tâm sự trên Thanh Niên là dù biết trước, nhưng khi nhận số tiền ấy, Hà “hụt hẫng”, vợ anh cũng “hụt hẫng”.
Sau 5 năm, đến nay lương cứng Hà nhận được đã tăng lên mức 5,5 triệu đồng/tháng. Nếu tính cả tiền giảng dạy, thu nhập có thể lên 8 - 9 triệu đồng/tháng. Tức là tất tật có muốn đóng thuế thu nhập thì hãy... còn lâu.
Lý Kim Hà, “bằng đỏ” ngành toán tin Đại học Khoa học tự nhiên. Lý Kim Hà, tiến sĩ Đại học Nghiên cứu Padova (Ý). Lý Kim Hà, 17 bài báo quốc tế. Lý Kim Hà, nổi tiếng với các công trình nghiên cứu độc lập về “Giải tích phức nhiều biến”. Lý Kim Hà, vừa được công nhận đạt chuẩn Phó Giáo sư (PGS) ở tuổi 31, trẻ nhất trong số 349 ứng viên PGS đợt này. Và Lý Kim Hà, lương cứng 5,5 triệu, sống bằng nghề bưng bê quán hủ tiếu.
Điều gì khiến anh từ chối ở lại nước ngoài với mức lương cao gấp nhiều lần? Điều gì khiến anh vui vẻ, cống hiến với 5,5 triệu lương cứng không một lời ca thán?
Đó là con đường mà anh nói đã “dứt khoát lựa chọn, không lăn tăn dù biết chặng đường sắp đi sẽ chật vật”. Đó là niềm vui đơn giản mỗi khi nhận tin học trò có thành tựu.
Hà, cũng kể như là một nhân tài. Hà không một lời kêu ca, oán trách. Hà, sống bằng bưng bê và cả đam mê.
Nhưng để một nhân tài phải chật vật với cuộc sống thì dứt khoát đó là lỗi của chúng ta.
TPHCM có vô số chính sách trải thảm đỏ nhân tài. TPHCM từng tuyên bố “trợ cấp ngay 100 triệu đồng hỗ trợ ban đầu” cho các chuyên gia, khoa học gia cho một số lĩnh vực TP có nhu cầu. TPHCM cởi mở với cả ý tưởng thu hút nhân tài là người nước ngoài.
Nhưng rồi, chẳng hạn giai đoạn 2014-2017, trong số 15 chuyên gia mà TP thu hút được với 2 người Việt Nam, 8 Việt kiều, 5 người nước ngoài thì 5 người đã rút, 10 người thì “làm việc hiệu quả chưa cao”.
Còn nhớ trong hội nghị phản biện xã hội đối với Đề án thu hút, bồi dưỡng và phát triển người có tài năng đặc biệt, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM từng nói một ý rất hay đại ý: Có chính sách hỗ trợ nhưng việc giữ chân nhân tài (hiện có) còn quan trọng hơn nhiều.
Để một tiến sĩ, một phó giáo sư nhận một mức lương như “chết đói”, phải sống bằng đam mê và cả bưng bê, điều đó giống như là vô lý vậy!
Theo Anh Đào
Báo Lao động