Nguồn cơn án oan: Nghiệp vụ “thấp” hay lương tâm “cạn”

(Dân trí) - Còn nhớ thời chiến tranh khi sơ tán về nông thôn, dù còn nhỏ chúng tôi đã rất xót thương gia đình chủ nhà sau vụ án oan khiến người chồng phải tự sát vì bị vu tội tham ô (ông là thủ quỹ hợp tác xã). Nỗi đau án oan tới giờ vẫn có…

Ông Chấn (Bắc Giang) được trở về sau 10 năm bị tù oan
Ông Chấn (Bắc Giang) được trở về sau 10 năm bị tù oan

 

Đem dây buộc người

 

Vẫn để lại một nét hằn sâu trong ký ức tuổi thơ tôi là vành khăn trắng trên mái đầu xanh của người vợ trẻ héo mòn, tiều tụy và của 2 đứa con thơ sớm biết thân biết phận tủi hờn bởi có người cha phải lấy cái chết để tránh vòng tù tội…

 

Cùng với đà phát triển chung, xem ra những mặt trái của xã hội còn có phần bị đẩy tới mức độ “khủng” hơn, mà một trong những minh chứng là các vụ án oan “kỳ hình, dị tướng” như vụ ông Chấn, ông Long ở Bắc Giang… Và gây nhức nhối hơn nữa là kỳ án oan ở Bình Thuận,  với lời tâm sự của người cha già như xát muối vào lòng người dân cả nước: “… tôi năm này đã gần 90 tuổi rồi, lần này ra Thủ đô đi kêu oan cho Nén chắc là lần cuối. Hy vọng được cấp trung ương xem xét cụ thể lại một lần nữa để tìm ra hung thủ thật sự trong vụ án con trai tôi bị xử tù chung thân, bởi những lần gặp, con nó đều nói là bị oan, bảo Cha đi kêu dùm con!...”

 

Vâng, lần cuối với người cha già xót con dù bị tâm thần nhẹ vẫn đang chịu oan ức trong tù. Còn với bao người dân cũng chỉ với một ước mong gần như vậy: lần cuối án oan để không người dân vô tội nào phải trả giá cho sự hiền lành, chân chất, chỉ biết tin và trông chờ vào công lý...

 

“Vợ liệt sĩ - mẹ "tù nhân vô tội" Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) ở tuổi ngoài 70 may mắn được nhìn mặt đứa con trai duy nhất mà người chồng đã hy sinh cho Tổ quốc để lại, là nhờ con dâu 10 năm ròng rã kêu oan cho chồng và hung thủ giết người ra đầu thú. Ông Huỳnh Văn Truyện - cha của tù nhân Huỳnh Văn Nén, chịu án chung thân, năm nay đã 89 tuổi, lặn lội từ Cà Mau ra Hà Nội để kêu oan cho con, liệu có được ai xem xét? Từ Mục Nam Quan đến mũi Cà Mau, sao hình như ở đâu cũng có các điều tra viên dùng ‘nghiệp vụ” giống nhau để buộc người bị bắt nhận tội như thế? Ép cung... Vì sao có sự trùng hợp như vậy? Phải chăng cán cân công lý… có vấn đề? Ông Chánh án TAND Tối cao lý giải trước Quốc hội rằng: “Việc hội đồng xét xử phát hiện ra có ép cung hay không là một điều rất khó, điều này phải được bị can, viện kiểm sát, luật sư có yêu cầu xem xét thì toà án mới có điều kiện để phát hiện được…” Tại sao bao nhiêu vụ án các bị can đứng trước tòa đều kêu bị ép cung, nhục hình, tra tấn mà các thẩm phán đều làm ngơ? Vì nghiệp vụ họ “thấp” hay vì lương tâm họ “cạn”? Hy vọng Quốc hội có nhiều người như bà Lê Thị Nga - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, để giúp bảo vệ người dân khỏi cảnh bị tù đày oan trái. Dân cũng rất mong muốn Chủ tịch nước Trương Tấn Sang quan tâm hơn nữa đến cải cách nền tư pháp nước nhà, tiếp cận nền tư pháp văn minh của nhân loại! Cầu mong Bộ trưởng Công an, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao quan tâm hơn tới cấp dưới  để không xảy ra ngày càng nhiều vụ án “tiếng oan dậy đất, án ngờ lòa mây” nữa" - Bùi Lộc:  locbui46@gmail.com

 

“Đọc xong mà thấy thương cha con họ quá! Người dân ở quê cứ thấy công an, cán bộ là họ tin tưởng liền. Nếu chẳng may làm gì sai mà nghe công an dọa cho mấy câu là nói gì họ cũng làm theo ngay. Đừng nói họ không hiểu gì nhiều về pháp luật, mà kể cả có biết chút ít đi chăng nữa thì với bản tính thật thà của người nông dân, họ cũng dễ bị mấy đồng chí công an “dọa chơi”… Nói thật, nếu đây lại là thêm vụ án oan nữa thì những người tham gia xét xử vụ này thiệt không có lương tâm. Lúc đầu họ có thể không thấy được vụ án là oan sai, nhưng sau bao nhiêu lần xét xử rồi suốt hơn 10 năm kêu oan của hai cha con người ta, thì mình tin rằng họ cũng đã nhận ra sự thật từ lâu rồi. Vậy thì họ không có tư cách của một người dân Việt Nam bình thường nữa, chứ đừng nói là cán bộ điều tra hay xét xử” - Bonghongxanh: hat2001@gmail.com

 

“Đọc bài viết này lòng tôi se lại, nỗi buồn tê tái dâng lên, thương thay cho phận con người của ông cụ 89 tuổi và anh Nén bị một số điều tra viên, cán bộ TAND tỉnh Bình Thuận đẩy vào vòng lao lý một cách đầy oan ức. Mong sao TAND Tối cao minh oan ngay và có bồi hoàn thích đáng cho họ cả về vật chất và tinh thần, để gia đình này trở lại được phần nào cuộc sống đời thường nơi vùng thôn quê nghèo khó” - Vũ Vĩnh:  vinhldtlc@gmail.com

 
Ông Chấn (Bắc Giang) được trở về sau 10 năm bị tù oan
Ông Huỳnh Văn Truyện - người cha 89 tuổi vẫn phải lặn lội đi kêu oan cho con trai Huỳnh Văn Nén (ảnh: Hải Nguyễn, nguồn: Lao Động)  
 

Quyền làm người lương thiện

 

Có một cụm từ gợi nhớ "bóng ma" ám ảnh về giới chức dịch ngày xưa, đó là 4 chữ “cường hào ác bá” vốn đã trở thành “tiêu biểu” gây nên những tấn bi kịch với người dân, nhất là nông dân như chị Dậu, anh Pha… Thì nay, nó vẫn được nhắc lại trong khá nhiều bình luận của bạn đọc phản ứng với cách “hành” dân của không ít “công bộc”, với câu hỏi day dứt: Quyền được sống làm người lương thiện của dân vì sao cũng bị ngáng trở??? 

 

“Đọc bài báo mà đau lòng, rơi nước mắt ! Thương cho người cha già nghèo khổ, thương cho thân phận người con bị oan ức, muốn làm người lương thiện cũng không được. Thật là nỗi đau không biết có thấu được trời không?! Ngẫm mà căm những kẻ khốn kiếp, nỡ hãm hại cả những người dân nghèo ở một tỉnh nghèo! Tôi tin những kẻ vô lương tri đó rồi cũng sẽ gặp quả báo thôi..” - Đan Nguyễn: dannguyen1911@yahoo.com.vn

 

“Tôi thấy ở không ít nơi bây giờ, cán bộ chính quyền và công an vẫn hành xử không khác gì “cường hào ác bá” ngày xưa? Bệnh thành tích và nạn tham nhũng đã làm biến chất họ thành những con người độc ác và vô cảm. Họ dùng mọi thủ đoạn để làm lợi cho bản thân, bất chấp cả luật pháp lẫn đạo đức. Bây giờ không biết nên dạy bảo con cái sống như thế nào đây? Mong Đảng và Nhà nước lãnh đạo và quản lý chặt chẽ hơn, nếu không thì người dân không biết tin vào đâu nữa. Buồn quá và đau lòng quá!” – Hieu Nguyen:  nmhcsc@gmail.com

 

“Lâu nay dân chúng tôi vẫn biết những việc làm sai của ngành chức năng thì cán bộ đều muốn ''ém nhẹm''cho xong. Một số người (không phải là ít) chỉ ích kỉ lo cho bản thân, còn người khác tù oan hay kể cả bị tử hình oan cũng có là gì đối với họ. Họ vô cảm, lạnh lùng, bất chấp tất cả chỉ để thăng tiến và có bổng lộc cho mình mà thôi. Nhưng họ nghĩ thế là lầm to vì chúng tôi tin ''trời xanh có mắt” và luật nhân - quả vẫn còn đó… Mà cuộc sống có gì là vinh hoa phú quý khi gieo họa cho người khác? Các điều tra viên và những người tham gia tố tụng liên quan tới các vụ án oan, hãy vì lương tâm con người mà xem lại những việc làm sai trái của mình đi trước khi quá muộn. Thử hỏi còn bao nhiêu ông Chấn, ông Nén, ông Long… vẫn trong trại giam và tới khi nào nỗi oan của họ mới được giải???” - Lê Xuân Thủy:  lexuanthuy1962@yahoo.com

 

Lý giải về cội nguồn án oan, theo dư luận, có liên quan tới nghiệp vụ và lương tâm của những cán bộ pháp lý. Vậy rất đúng là cần xem lại công tác tổ chức cán bộ của ta để có cải tiến thực sự trước khi quá muộn!
 

Khánh Tùng

Dòng sự kiện: Án oan và bao nỗi đau