1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Kỳ án oan trong lịch sử tố tụng: Bài 2 - Cánh cửa công lý “khép lại” một số phận

Để có lộ phí kêu oan cho con, ông Huỳnh Văn Truyện - cha của tù nhân Huỳnh Văn Nén, chịu án chung thân - đã phải cầm cố hơn 11.000m2 để lấy 20 triệu đồng. “Oan” con chưa được giải, số tiền đã cạn kiệt.

Ông Huỳnh Văn Truyện - cha của Nén. Ảnh: Hải Nguyễn
Ông Huỳnh Văn Truyện - cha của Nén. Ảnh: Hải Nguyễn
 
Lộ phí ra Hà Nội lần thứ 2 phải cậy nhờ sự giúp đỡ của mọi người. Án oan của ông Chấn “Bắc Giang” đã tiếp cho người cha già niềm hy vọng, dù rất mong manh...

 

Chứng cứ yếu vẫn kết tội
 
Tin con trai Huỳnh Văn Nén cùng đại gia đình vợ được minh oan trong vụ án giết bà Dương Thị Mỹ (thôn 2, thị trấn Tân Minh, Hàm Tân, Bình Thuận), khiến vợ chồng ông Huỳnh Văn Truyện nuôi tiếp hy vọng, rằng con mình không giết bà Lê Thị Bông (trú thôn 2, thị trấn Tân Minh) như tòa đã kết tội. Năm công an Bình Thuận không tìm được thủ phạm giết bà Mỹ (xảy ra năm 1993), đành đình chỉ điều tra. Khi xảy ra vụ án giết bà Bông (năm 1998), công an bắt Huỳnh Văn Nén. Nghi can này nằm trong diện nghi vấn của công an, bởi có tính ăn trộm vặt do nghiện rượu mà ra... Người dân ở thị trấn này, ai cũng biết Nén có vấn đề về tâm thần, nên những “hậu quả” mà Nén gây ra, người “bị hại” đều không đặt vấn đề Nén phải bồi thường (theo bản án sơ thẩm số 96 ngày 31.8.2000 của TAND tỉnh Bình Thuận).

Khi bà Bông bị giết, người nhà nạn nhân cho biết mất chiếc nhẫn vàng đeo trên tay, trị giá một chỉ vàng 24K. Thế là Huỳnh Văn Nén bị công an triệu tập. Nén không chỉ khai nhận là giết bà Bông mà còn “tố” thêm rằng, đại gia đình nhà vợ (9 người) giết bà Mỹ vì ghen tuông. Vụ án giết bà Mỹ được phục hồi. Ba cháu bé chưa đến tuổi vị thành niên cũng bị khởi tố. Hai lần Tòa phúc thẩm đều hủy án sơ thẩm mà TAND tỉnh Bình Thuận đã kết tội đại gia đình này. Tòa phúc thẩm kiến nghị Bộ Công an điều tra lại vụ án, vì không thể cứ “xét đi, xử lại” với những chứng cứ không đủ cơ sở để buộc tội các bị cáo. Đại gia đình bà Nguyễn Thị Lâm được minh oan.

Huỳnh Văn Nén không giết bà Mỹ nhưng vẫn nhận tội như thật. Vậy, Nén có giết bà Bông? Người dân thị trấn Tân Minh đâm nghi ngờ bản án đã kết tội Nén chung thân. Họ không biết chứng cứ “lỏng lẻo” trong kết luận điều tra như phân tích của luật sư (chúng tôi đã đề cập bài báo “Còn một “ông Chấn” ở Bình Thuận”), nhưng họ không tin rằng kẻ nghiện rượu “trói con gà không chặt”, trong khi bà Bông là người to khỏe. Với kết luận giám định tử thi thì Nén không đủ sức để giết bà Bông.

Điều bất ngờ, hai con gái của bà Bông đã viết đơn gửi Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, truy tìm thủ phạm đã giết mẹ mình và đề nghị minh oan cho Huỳnh Văn Nén. Niềm tin Nén không là thủ phạm càng được “củng cố” khi Nguyễn Phúc Thành - viết đơn tố cáo khẩn cấp, nêu đích danh hai thủ phạm đã giết bà Bông. Khi công an tỉnh đưa Nén về Tân Minh dựng lại hiện trường, trước sự chứng kiến của chính quyền địa phương và đông đảo bà con, khi Nén được yêu cầu thực hiện lại hành vi giết người, Nén nói: “Em biết gì đâu”. Tại phiên tòa phúc thẩm vụ giết bà Mỹ, Huỳnh Văn Nén kêu oan vì bị ép cung, dùng nhục hình và được điều tra viên Cao Văn Hùng hứa hẹn được thoát chết, nên đã khai nhận giết bà Bông và bịa ra chuyện cùng đại gia đình vợ giết bà Mỹ. Vì thời gian này, gia đình bà Nguyễn Thị Lân vẫn chưa được minh oan, lời khai của Nén không được các cơ quan tố tụng xem xét (điều tra viên Cao Văn Hùng trực tiếp điều tra vụ giết bà Bông và bà Mỹ).

Luật sư Trần Vũ Hải cho hay, vụ án Huỳnh Văn Nén có nhiều tình tiết giống vụ ông Nguyễn Thanh Chấn. Vụ ông Chấn thì thủ phạm ra đầu thú. Vụ giết bà Mỹ, nay đã tròn 20 năm, công an Bình Thuận vẫn chưa tìm được thủ phạm. Còn vụ giết bà Bông, đối tượng nằm trong diện tình nghi mà Nguyễn Phúc Thành đã viết đơn tố cáo-lại không được cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận làm rõ. Vì sao lại không xác minh “đến nơi, đến chốn” nguồn thông tin với những chứng cứ có cơ sở do nhân dân cung cấp? Việc điều tra viên Cao Văn Hùng đã được khen thưởng vì đã có thành tích phá hai vụ trọng án “giết bà Mỹ và bà Bông”, nay lại được giao để xác minh lời tố cáo của Nguyễn Phúc Thành - liệu có đảm bảo tính khách quan - có khác gì bắt điều tra viên Cao Văn Hùng “cầm dao tay phải, chặt tay trái của mình”. Trong lá đơn ký ngày 20.11.2013, Nguyễn Phúc Thành viết: Cán bộ Cao Văn Hùng có đến làm việc, nói tôi tố cáo sai, nên rút đơn lại, kẻo phải đi tù lâu hơn. Tôi nói, nếu cán bộ nói tôi tố cáo sai, cán bộ cho tôi gặp nhân chứng... cán bộ không đồng ý và quát tôi “mày muốn chết, tao cho mày chết”!

Phận “con kiến, củ khoai”

Lần thứ hai về Hà Nội kêu oan cho con, ông Huỳnh Văn Truyện mếu máo, kể cho chúng tôi nghe chặng đường đi gõ cửa các cơ quan pháp luật, nhưng không “cánh cửa” nào hé mở để ông và con trai có cơ hội viết đơn kháng cáo: “Tôi không hiểu vì sao, Nén lại từ chối luật sư mà gia đình mời, chỉ đồng ý luật sư do tòa chỉ định. Được báo chí tư vấn về tình tiết mới xuất hiện (đơn của anh Thành), còn 6 ngày nữa tòa mới xét xử, tôi đã gửi đơn nhưng tòa không tạm đình hoãn để điều tra, xem xét... vẫn tuyên án với một bản án mà cả đời con tôi phải ở trong tù.

Giọng ông nghẹn lại: Ngày 15.9.2000 là thời hạn cuối cùng để con tôi làm đơn kháng án. Tôi đến tòa án Bình Thuận hỏi con tôi đã viết đơn kháng án chưa thì được trả lời là chưa. Tôi vội đến tìm bà luật sư Nguyễn Ngọc Ký - do tòa chỉ định biện hộ - trình bày, nhờ luật sư vào trại giam giải thích cho Nén viết kháng cáo, nhưng luật sư từ chối, nói án chung thân là phù hợp, không nên làm đơn nữa. Tôi lại chạy vào trại giam xin gặp giám thị trại để trao đổi việc viết đơn kháng án, vì con tôi bị tâm thần nhẹ, không được học hành, không hiểu pháp luật. Tôi được giải thích rằng, sở dĩ con tôi được án chung thân nhờ khai báo thành khẩn, lẽ ra Nén phải chịu án tử hình, không nên làm đơn kháng án nữa. Tôi thực sự bị suy sụp.

Theo Linh Trần

Lao Động

 

Dòng sự kiện: Án oan và bao nỗi đau