Bạn đọc viết

Người tiêu dùng hay công quyền là nhà bảo hộ cho sự quay lại của Tân Hiệp Phát

Mỗi con người chúng ta sai thì phải chấp nhận không đùn đẩy, lý giải không có căn cứ mà đặc biệt là đẩy nguyên nhân về nhà phân phối, người tiêu dùng (đối tượng quyết định tồn vong của sản phẩm của nhà sản xuất làm ra)

>> Những vụ bê bối về chất lượng sản phẩm của Tân Hiệp Phát từ 2009 đến 2015


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Có nhiều người hỏi rằng, ông cha ta có câu “ Đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người chay lại” liệu chúng ta nên áp dụng cho doanh nghiệp Tân Hiệp Phát hoàn cảnh này để cứu hàng nghìn nhân công và bảo hộ nền sản xuất trong nước. Bản chất người Việt Nam có truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc và đặc biệt là lòng từ bi hỷ xả nên tha thứ không phải là chuyện khó khăn.

Tuy nhiên kêu gọi hay không kêu gọi, tẩy chay hay không tẩy chay, đó không phải là vấn đề lớn hiện nay theo tôi, trong một lần phỏng vấn mới đây có đề cập đại diện doanh nghiệp Tân Hiệp Phát  cần nhà nước bảo hộ để bảo vệ sự lớn mạnh và tồn tại với các lý do: Doanh thu chính hàng năm của ngân sách, giải quyết cho hàng nghìn lao động, là doanh nghiệp 100% vốn Việt nguyên bản….là nhầm đối tượng, vì đối tượng bảo hộ bền vững cho doanh nghiệp Tân Hiệp Phát không phải là phía cơ quan công quyền mà là chính người tiêu dùng, đây không phải là ngành độc quyền mà khi nhà nước yêu cầu dùng thì dân phải dùng, mà có yêu cầu cũng không thể nào được, nhà nước chỉ bảo hộ về chính sách pháp lý. Một doanh nghiệp lớn mạnh xứng tầm đúng nghĩa là một doanh nghiệp làm ăn minh bạch, không lừa dối, không ỷ lại hay lợi dụng vị thế độc tôn hoặc bảo hộ mà lấn áp mà hành xử trái quy luật của nhân sinh. Sự phát triển bền vững của thương hiệu đi kèm với chất lượng và đối nhân xử thế của người điều hành, quản lý thương hiệu thì nó sẽ trường tồn dù trong mọi trường hợp nếu doanh nghiệp có lỗi thì người tiêu dùng sẳn sàng tha thứ. Chúng ta đang trong đà hội nhập, quy luật thị trường đào thải, không quan trọng là sản phẩm của ai, trong hay ngoài nước, ngân sách nhiều hay ít, chỉ nhà nước quan tâm không thì không đủ mà phải được lòng người tiêu dùng vì họ trực tiếp sử dụng chứ không phải nhà nước, nhà nước chỉ là cơ quan quản lý. Doanh nghiệp nào chất lượng thì người tiêu dùng sẽ sử dụng, người tiêu dùng đủ thông minh để quyết định chọn lựa của mình nên yêu hay ghét bỏ, nên dù có hàng nghìn bài báo, có trăm văn bản đốc thúc từ phía chính quyền để mong sự trường tồn một thương hiệu đã mất niềm tin thì có lẽ không thể.

Sự vấp ngã của một doanh nghiệp sẽ làm cho họ nhận ra một điều thời thế đã thay đổi, yếu tố thành công là gì? Một doanh nghiệp trong sạch và lãnh đạo tài năng có tâm, có tầm, có văn hóa kinh doanh lành mạnh thì sẽ sống được dù trong sóng gió, khó khăn bằng chính nghị lực, sự sòng phẳng và tâm đức chứ không phải nhờ vào sự bảo hộ của một ai đó hay sự thương hại hay là lòng từ bi hỷ xả của người tiêu dùng. Sự vấp ngã của một thương hiệu cùng với hiệu ứng truyền thông cũng có mặt tốt, sẽ làm cho mỗi chúng ta ghi nhớ sâu sắc nhất nếu doanh nghiệp đó có trở mình trỗi dậy sau vấp ngã bằng thực lực thì đó là một lợi thế lớn và mọi người sẽ ghi nhận sự nỗ lực vươn lên của nó, đấy chính là nền tảng cho sự phát triển bền vững.

Trường hợp Tân Hiệp Phát hiện nay vấn đề cốt lõi là doanh nghiệp phải nhìn nhận thẳng thắn, buộc ở khâu nào thì gỡ ở khâu đó, Tân Hiệp Phát phải nhìn nhận thực tế, nếu đó là sản phẩm của Tân Hiệp Phát, Tân Hiệp Phát phải nhận lỗi, còn nguyên nhân do đâu thì điều không khó đối với Tân Hiệp Phát nếu họ muốn làm rõ. Nếu nguyên nhân do đối thủ cạnh tranh thì họ nhanh chóng điều tra và công bố, nếu Tân Hiệp Phát cứ cho rằng lỗi sản phẩm do vận chuyển, hay bảo quản thì đó là sai lầm. Một sản phẩm với các thành phần A,B,C nhà sản xuất là người biết rõ nó gồm những gì, để ở nhiệt độ nào sẽ bị hỏng, bị mốc, bảo quản vận chuyển thế nào sẽ không hỏng, không mốc thì nhà sản xuất phải khuyến cáo nhà phân phối, nhà vận chuyển, nếu không khuyến cáo rõ ràng mà sản phẩm vẫn trong hạn dùng đã bị hư hỏng thì đây là một sai lầm lớn từ phía nhà sản xuất và đó là trách nhiệm của Tân Hiệp Phát. Tân Hiệp Phát cũng không nên sử dụng những công cụ tham vấn không hiệu quả để chứng minh Tân Hiệp Phát không có lỗi mà phải giải quyết căn nguyên. Các phương thức kêu gọi gọi hay hiện nay có clip hướng dẫn mở chai bỏ vật lạ vào … chỉ càng làm cho người tiêu dùng thêm tức giận trong thời điểm này. Mỗi con người chúng ta sai chúng ta phải chấp nhận không đùn đẩy, lý giải không có căn cứ mà đặc biệt là đẩy nguyên nhân về nhà phân phối, người tiêu dùng (đối tượng quyết định tồn vong của sản phẩm của nhà sản xuất làm ra) điều đó thể hiện sự bất lực của nhà quản lý và không thiện chí trong khắc phục sai lầm.

Đây là một bài học đắt giá cho tất cả các doanh nghiệp Việt Nam cũng như nước ngoài (không giới hạn ngành thực phẩm, nước uống, tiêu dùng hay cả dịch vụ) để rút kinh nghiệm khi thời thế đã thay đổi sức mạnh của truyền thông và sự am tường của người tiêu dùng.

Danh Nguyen