Bạn đọc viết
Nghĩ về tham nhũng vặt
(Dân trí) - Tham nhũng vặt nhưng hậu quả của nó gây ra thì không hề "vặt". Tham nhũng vặt làm xê dịch giá trị chuẩn mực trong hệ thống các cơ quan công quyền.
Năm 2012, tôi tham gia một lớp bồi dưỡng về phân tích Chính sách công tại trường Chính sách công Lý Quang Diệu. Trong khuôn khổ chương trình bồi dưỡng, chúng tôi được nghe ông Cục phó Cục điều tra tham nhũng Singarpore (CPIB) trao đổi về hoạt động phòng chống tham nhũng của một trong những quốc gia được đánh giá là thành công nhất trong lĩnh vực này.
Có khá nhiều nguyên nhân làm nên thành công của công cuộc phòng chống tham nhũng tại Quốc đảo Sư tử, nhưng cả lớp chúng tôi ấn tượng nhất là lời giới thiệu của ông Cục phó về tiêu chí nhận diện tham nhũng. Không phải là những con số khổng lồ hay những sự vụ to tát mới bị khép vào tội tham nhũng. Ví dụ được đưa ra minh họa đơn giản chỉ là 1 tách cà phê do người có quyền lợi liên quan mời người có chức trách giải quyết mà được chấp nhận đã bị coi là dấu hiệu tham nhũng. Cách lý giải cũng rất đơn giản: Khi anh nhận từ người đang cần đến vị trí công việc của anh một chút gì đó cũng sẽ khiến anh khó công tâm.
Ở Việt Nam, công cuộc chống tham nhũng đang ngày càng quyết liệt. Những vụ việc được đưa ra ánh sáng cũng là những vụ việc có số tiền từ hàng trăm đến hàng nghìn tỉ đồng và liên quan đến hàng ngũ lãnh đạo cáp cấp. Có lẽ vì thế nên ít ai để ý hay quan tâm đến những món quà biếu nhỏ, những khoản lót tay "nhẹ nhàng, tình cảm, không đáng là bao" vẫn đang diễn ra như một lẽ thường. Và hành vi nhận các khoản biếu xén ấy tạm gọi là "tham nhũng vặt".
Tham nhúng vặt được ví như bệnh ghẻ ngứa, nó dấm dứt, dai dẳng, không gây nguy hiểm hay vấn đề nghiêm trọng nào, nhưng dễ lây lan và thực sự khiến người ta khó chịu. Tham nhũng vặt xuất hiện ở nhiều nơi, trong nhiều cơ quan, tổ chức và ở những vị trí khác nhau.
Công luận đã vô cùng bức xúc khi một công chức cấp xã từ chối không cấp giấy chứng tử cho gia đình có người vừa mất. Đằng sau sự vô cảm có lẽ còn một lý do khác nữa, đó là thói quen nhũng nhiễu, gây khó khăn để trục lợi của một bộ phận không nhỏ những người thực thi công vụ. Không khó để tìm ra những minh chứng về thói tham nhũng vặt đó. Kín đáo có, công khai có. Việc gây khó khăn cho việc cấp giấy phép kinh doanh, hay việc những yêu sách vô lý khiến người dân không còn cách nào khác lại phải có "cơ chế mềm" cho được việc có vẻ không xa lạ với người dân. Không chỉ ở cơ quan hành chính, ngay cả các đơn vị sự nghiệp tình trạng này cũng khá phổ biến và có phần "tinh vi " hơn. Tại một trường đại học lớn nọ, sau khi thực hiện chủ trương sáp nhập các đơn vị để tinh giảm bộ máy, ai cũng mừng cho Ban lãnh đạo nhà trường, vì việc sắp xếp nhân sự gặp thuận lợi khi hầu hết các đơn vị mới đều thiếu cá người đứng đầu và cấp phó. Nhưng hóa ra mọi chuyện lại không đơn giản vậy. Ông Hiệu trưởng nhà trường đã đảo lộn tất cả để thiết lập một trật tự mới với dàn nhân sự do ông quyết định. Thế là những người đang đương chức đáng lẽ sẽ được đưa vào vị trí tương ứng để đảm bảo sự ổn định, ít xáo trộn nhất bỗng dưng bị "bãi chức". Lý do người đứng đầu muốn sắp xếp vị trí lãnh đạo cho dàn ứng viên mới. Thế là diễn ra một cuộc đua ngấm ngầm, những cuộc cạnh tranh khốc liệt, những vụ thanh trừng để giành giật lợi thế khi cơ hội đang mở...Cán bộ, giảng viên trong trường ngơ ngác, và sự lý giải của người đứng đầu không thể đúng hơn: Tuân thủ quy trình..(!). Sự việc lộ liễu đến mức ai cũng nhận thấy. động cơ thật sự đằng sau quy trình phức tạp hóa một vấn đề vốn rất đơn giản của ông hiệu trưởng nọ.
Tham nhũng vặt nhưng hậu quả của nó gây ra thì không hề "vặt". Tham nhũng vặt làm xê dịch giá trị chuẩn mực trong hệ thống các cơ quan công quyền. Khi những người chịu trách nhiệm vận hành bộ máy quản lý trong một tổ chức có động cơ, lợi ích cá nhân, trục lợi trên cương vị của mình, sẵn sàng "ăn không từ thứ gì" (câu nói của một vị đại biểu trong diễn đàn Quốc hội), nó sẽ là căn nguyên dẫn đến mất lòng tin của các thành viên trong tổ chức, sâu xa hơn, nó có thế là căn nguyên của việc đánh mất lòng tin với cả hệ thống. Trong một quyết tâm làm trong sạch bộ máy của nền hành chính, người dân có quyền tin vào những gì đã và đang diễn ra. Theo đó, những con sâu mọt đục khoét làm sụt giảm ngân khố quốc gia xứng đáng bị trừng phạt. Những kẻ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để nhũng nhiễu người dân xứng đáng bị loại trừ ra khỏi hệ thống. Nhưng "tổ kiến hổng sụt toang đê vỡ". (Ý của Nguyễn Trãi trong tác phẩm "Bình Ngô đại cáo"). Bỏ qua mà không quyết liệt đấu tranh, xử lý những hành vi tham nhũng vặt có thể dẫn đến nguy cơ mất ổn định cho cả một thể chế. Phát hiện và dũng cảm tố cáo những biểu hiện của tham nhũng vặt chính là góp thêm một phương thuốc để chẩn trị tận gốc căn bệnh này!
TS. Nguyễn Thị Hường