Bạn đọc viết

Nghĩ về ngày 27 tháng 7

Khi “ngọn lửa” yêu nước luôn bùng cháy và tỏa sáng trong triệu triệu trái tim dân Việt thì đất nước sẽ mãi mãi trường tồn.

Nghĩ về ngày 27 tháng 7 - 1

Hôn nay là Ngày Thương binh Liệt sĩ. Đó là ngày mà cả dân tộc ta, đất nước ta tưởng nhớ về những người con anh dũng đã mãi mãi nằm lại với đất mẹ. Tri ân những người có công với cách mạng, những người đã mất một phần thân thể vì nền độc lập dân tộc. Triệu triệu lời tri ân thành kính, triệu triệu trái tim con dân Đất Việt vẫn sẽ, vẫn mãi cháy bùng “ngọn lửa” tình yêu dân tộc, đất nước. Nhìn tấm gương lịch sử nước nhà, ai ai cũng tự hào.

Ngược dòng thời gian, chúng ta thấy trong lịch sử thế giới thật hiếm có một đất nước đã mất chủ quyền hơn 1000 năm Bắc thuộc mà vẫn có thể dành lại nước. Trong lịch sử khu vực, Việt Nam là đại diện cuối cùng, duy nhất còn sót lại của đại gia đình Bách Việt vừa giành lại được độc lập, giữ được truyền thống văn hóa của người Việt, vừa hiên ngang trong tư thế của một quốc gia tự chủ tự cường, tự lập. Vì sao tổ tiên ta lại có thể giành được những thắng lợi lẫy lừng như vậy?

Sức mạnh trường tồn của dân tộc, của nền văn hóa dân tộc càng được minh chứng thêm trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ. Một dân tộc Việt Nam bé nhỏ đã làm được là đập tan được mọi mưu đồ xâm lược, đồng hóa của thực dân, đế quốc sừng sỏ nhất lúc bấy giờ bằng những chiến thắng vang dội, đánh dấu mốc son chói lọi vào lịch sử dân tộc, làm nức lòng dân tộc lẫn bạn bè thế giới.

Nhưng một lần nữa người phương Bắc lại làm gì? Trên đất liền, Năm 1979, Trung Quốc đưa 600.000 quân ồ ạt tấn công 6 tỉnh biên giới phía bắc. Năm 1984, tại Vị Xuyên – Hà Giang xảy ra cuộc xung đột cực kỳ khốc liệt, để rồi trong cuộc chiến này hơn 4000 người con đã ngã xuống. Dưới biển, năm 1974 họ chiếm Hoàng Sa, năm 1988, đánh chiếm Trường Sa mà cụ thể là các bãi Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Tư Nghĩa, tiếp đến là đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao mà hình ảnh Vòng tròn bất tử mãi khắc ghi trong tâm trí chúng ta. Rồi năm 1990 họ xâm lược bãi Én Đất.

Việc chỉ ra những sự kiện lịch sử trên để cho mỗi người chúng ta thấy thêm được giá trị, ý nghĩa của lịch sử dân tộc, của hai chữ hòa bình. Bởi xưa nay chúng ta chỉ được học sử qua những sự kiện nổi bật, qua những số liệu chiến thắng, còn chỉ nói ra sự đau thương, mất mát một cách rất chung chung. Tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc nó cần bắt đầu từ mọi đường hướng. Đặc biệt, khi lịch sử được xem là sự kết nối giữa danh dự cá nhân và dân tộc, nó trở thành điểm quy chiếu về giá trị và ý nghĩa tinh thần trong sự tồn tại và phát triển của dân tộc đó.

Xâu chuỗi các sự kiện lịch sử nước nhà, từ thời Phương Bắc bành trướng, cho đến thời thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, Cho đến chiến tranh Biên giới với Trung Quốc ở trên đất liền và biển đảo và đến cái “đường lưỡi bò” ngang ngược của họ, để cho mỗi chúng ta, nhất là lớp trẻ ý thức được lịch sử nước nhà tuy oai hùng, nhưng cũng lắm đau thương. Và tin tưởng về hai chữ Chính nghĩa: “Kẻ dấy lên can qua bao giờ cũng thất bại dù lúc khởi đầu cuộc chiến mạnh đến đâu đi nữa”.

Biển Đông dậy sóng, đất liền cũng khó bình yên thì hơn bất kỳ lúc nào, mỗi người con nòi giống Lạc Hồng cần biết rõ lịch sử nguồn cội hơn bao giờ hết. Chính lịch sử và bản sắc hào hùng của dân tộc đã ăn sâu vào tâm thức mỗi người Việt Nam trên dải đất hình chữ S này. Khi “ngọn lửa” yêu nước luôn bùng cháy và tỏa sáng trong triệu triệu trái tim dân Việt thì đất nước sẽ mãi mãi trường tồn.

Thạc sĩ Lầu Văn Thanh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm